Thứ 6, 15/11/2024, 13:52[GMT+7]

Nhiều thách thức trong công tác thu hồi nợ đọng thuế

Thứ 2, 23/09/2013 | 08:41:19
2,057 lượt xem
Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, hiện nay nợ đọng tiền thuế của một số doanh nghiệp đang có chiều hướng gia tăng, nguyên nhân do doanh nghiệp khó khăn về tài chính, có doanh nghiệp cố tình dây dưa nợ thuế, tiền phạt và một số doanh nghiệp bỏ trốn.

Hiện nay, các đoàn thanh tra liên ngành đang tiến hành thanh tra việc sử dụng đất và nghĩa vụ thuế của một số dự án xây dựng hạ tầng tại Khu đô thị Trần Hưng Đạo và Trần Lãm (Thành phố Thái Bình). Trong ảnh: Khu phố 3 - Khu đô thị Trần Hưng Đạo (Thành phố Thái Bình).

Tính đến hết tháng 7/2013, tổng số thuế nợ của các tổ chức, cá nhân là 702 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu 594 tỷ đồng, nợ khó thu 49 tỷ đồng, nợ chờ xử lý 53 tỷ đồng. Đây là số nợ thuế khá lớn, nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm sẽ tạo tiền lệ cho nhiều doanh nghiệp tiếp tục nợ, dây dưa tiền thuế dẫn đến khó kiểm soát và thu hồi.

Bà Dương Thị Tài, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Hiện nay, các biện pháp cưỡng chế về thu nợ thuế hiệu quả thấp. Nguyên nhân do các doanh nghiệp quá khó khăn về tài chính; đồng thời một số doanh nghiệp đã mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau, do đó việc tìm hiểu về tài khoản và số dư mất rất nhiều thời gian nhưng không mang lại hiệu quả, do các ngân hàng đều trả lời là doanh nghiệp không còn tiền để trích nộp thuế.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không chủ động chấp hành nghĩa vụ thuế theo quy định và chiếm dụng tiền thuế vào việc khác; các doanh nghiệp còn chiếm dụng tiền hàng của nhau…làm cho công tác thu hồi nợ đọng thuế rất khó khăn. Tình trạng thất thu thuế diễn ra ở một số lĩnh vực, như xây dựng cơ bản, thuế tài nguyên, hộ kinh doanh; việc chuyển giá và tránh thuế khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất phức tạp, khó kiểm soát. Một số doanh nghiệp đã nghỉ bỏ kinh doanh, ngừng hoạt động, giải thể và chuyển pháp nhân khác nhưng còn nợ thuế không có khả năng thu hồi.

Theo số liệu của Cục Thuế, đến hết tháng 3/2013 có 30 doanh nghiệp do Cục Thuế tỉnh quản lý còn nợ thuế nhưng đã bỏ trốn và chưa đóng mã số thuế, như Công ty TNHH KBJ Việt Nam đã bỏ trốn; Công ty xây dựng Hoàng Anh bỏ trốn; Xí nghiệp sứ Việt Hưng ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục mã số thuế…Cùng với các mánh khóe của doanh nghiệp về nợ, trốn thuế, thì một số thủ tục hành chính, văn bản hướng dẫn của tỉnh và các ngành chức năng trong những năm trước đây chưa thống nhất nên khi ngành Thuế áp dụng đúng luật thì doanh nghiệp phản ứng không chấp hành, gây khó khăn cho công tác thu thuế.

Điển hình như việc tồn tại của một số hợp đồng thuê đất không ghi nguyên tắc điều chỉnh giá tính tiền thuê đất hàng năm; vấn đề hướng dẫn xây dựng cứng hóa kênh mương và xây dựng nông thôn mới trong dự toán không kết cấu thuế GTGT nên nhà thầu không có tiền nộp thuế. Ông Đinh Gia Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Thành phố Thái Bình cho biết: Hiện nay, các tổ chức, cá nhân còn nợ thuế là 26 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp xây dựng vãng lai nợ 8 tỷ đồng, các HTX nợ gần 4 tỷ đồng… hiện rất khó tổ chức thu hồi được. Nguyên nhân do các doanh nghiệp đã bỏ trốn không thực hiện nghĩa vụ thuế là hơn 100 doanh nghiệp; tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục hoạt động bằng việc thành lập doanh nghiệp mang tên khác.

Vấn đề khó kiểm soát hiện nay là các doanh nghiệp thực hiện giao dịch với nhau bằng tiền mặt mà không thông qua hệ thống ngân hàng, chính vì vậy tình trạng nợ thuế đang ngày càng gia tăng. Ông Đinh Gia Dũng cho rằng, nếu không có giải pháp đủ mạnh, vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để xử lý dứt điểm các doanh nghiệp giải thể, bỏ trốn, nợ thuế sẽ làm tiền lệ cho các doanh nghiệp khác… Ông Hoàng Minh Tân, Trưởng phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế - Cục Thuế tỉnh cho biết: Nguyên nhân số nợ thuế cao là do tồn đọng nhiều năm nay, đồng thời do một số chính sách gia hạn nộp thuế đã hết hạn và tiền hàng giữa các doanh nghiệp với nhau thanh toán chậm nên doanh nghiệp không có tiền để nộp.

Ngoài ra, việc cưỡng chế gặp nhiều khó khăn, ngành Thuế đã áp dụng cả biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn nhưng doanh nghiệp vẫn không có phản hồi với cơ quan thuế. Việc cưỡng chế thông qua tài khoản ngân hàng cũng chưa phát huy được hiệu quả, bởi theo quy định trước khi thực hiện cưỡng chế phải thông báo cho doanh nghiệp trước 10 ngày, do đó nhiều doanh nghiệp đã kịp sử dụng hết số dư hiện có, khi ngành Thuế cưỡng chế thì không còn tiền để trích nộp. Ngay cả một số doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính cũng dây dưa nợ thuế kéo dài, điển hình như Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (FBS) là chủ đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển khu dân cư đô thị Trần Hưng Đạo (Thành phố Thái Bình) hiện còn nợ trên 6,4 tỷ đồng.

Trước thực trạng nợ thuế của các tổ chức, cá nhân hiện nay, Cục Thuế tỉnh đã xây dựng các giải pháp để siết chặt hơn nữa việc quản lý, thu hồi nợ. Nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2013, ngành Thuế sẽ tập trung vào các lĩnh vực còn nhiều rủi ro và thất thu thuế, như lĩnh vực xây dựng cơ bản bằng các nguồn vốn ngân sách, vốn của doanh nghiệp, các nguồn vốn khác; thuế tài nguyên, thuế nhà thầu nước ngoài, thương mại, dịch vụ, vận tải. Tổ chức phân loại đối tượng để có biện pháp thu nợ; trong đó chú trọng biện pháp cưỡng chế thu nợ thông qua tài khoản tại ngân hàng. Ngành Thuế phối hợp với cơ quan Công an, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề ra biện pháp thu nợ của các doanh nghiệp bỏ trốn, nghỉ hoạt động, hoặc chuyển nhượng dự án, chuyển sang pháp nhân mới nhưng còn nợ tiền thuế.

Cùng với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tổ chức kiểm tra một số ngân hàng thương mại trong việc thực hiện các quyết định cưỡng chế thu nợ thuế; cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý vướng mắc của các hợp đồng thuê đất không ghi nguyên tắc điều chỉnh giá; xem xét một số doanh nghiệp còn nợ tiền thuê đất nhiều năm để thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai…

Để triển khai thực hiện các giải pháp chống thất thu và thu nợ thuế có hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND ngày 5/9/2013 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thu NSNN năm 2013. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo các cấp, ngành liên quan phối hợp với ngành Thuế trong công tác quản lý thu ngân sách của tỉnh. Cụ thể, Sở Tài chính cần trao đổi thông tin và hỗ trợ cơ quan thuế thu của các dự án theo tiến độ giải ngân, thanh toán các nguồn vốn; chủ động trong việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các loại giá làm cơ sở cho việc tính và thu kịp thời các khoản thu, như giá đất để thu tiền sử dụng đất, đơn giá thuê đất, bảng giá tính lệ phí trước bạ các loại phương tiện vận tải, giá tính các loại thuế tài nguyên. Đồng thời chỉ đạo các bộ phận chức năng, phòng tài chính các huyện, thành phố khi thẩm tra quyết toán công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản hoàn thành, yêu cầu chủ đầu tư phải xuất trình đầy đủ hóa đơn GTGT do bên thi công lập. Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thành phố phối hợp, hỗ trợ cơ quan thuế việc tổ chức các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế và công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, kiểm soát việc sử dụng hóa đơn, chứng từ của các doanh nghiệp. Đặc biệt là việc truy tìm và xử lý các chủ doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể, không hoạt động, hoặc chuyển pháp nhân khác nhưng còn nợ đọng thuế theo đề nghị của cơ quan thuế…

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa