Thứ 3, 24/09/2024, 11:19[GMT+7]

Luật Đất đai năm 2024: Động lực mới cho phát triển bền vững Kỳ 2: Khơi thông nguồn lực đất đai

Thứ 3, 24/09/2024 | 08:33:36
331 lượt xem
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó (ngày 1/1/2025) là phù hợp với chủ trương của Đảng, giúp sớm khắc phục tồn tại, hạn chế, nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đồng thời tạo hành lang pháp lý đồng bộ, khơi thông nguồn lực đất đai.

Thi công tuyến đường trục phía Nam Khu kinh tế Thái Bình, đoạn qua huyện Kiến Xương và Tiền Hải.

Kế thừa Luật Đất đai năm 2013

Luật sư Nguyễn Đức Long, Hội Luật gia tỉnh Thái Bình cho biết: Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật lớn, được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, khoa học, kỹ lưỡng và tổ chức nhiều phiên họp chuyên đề. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật tại 7 phiên họp; Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 4 kỳ họp. Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết kỹ lưỡng quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội; thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Quá trình hoàn thiện Luật đã được đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, không chỉ của các cơ quan tham gia trực tiếp vào quy trình lập pháp mà còn có sự tham gia của tất cả các cơ quan trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, có thể khẳng định Luật Đất đai năm 2024 là văn bản luật có chất lượng tốt, kế thừa và có bước tiến quan trọng so với Luật Đất đai năm 2013. Đây là đạo luật tác động sâu sắc đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Do vậy, Luật đi vào cuộc sống sẽ góp phần quan trọng tạo nền tảng pháp lý đầy đủ, hoàn thiện, phù hợp hơn trong việc tiếp tục cụ thể hóa chế định sở hữu toàn dân về đất đai được Hiến pháp năm 2013 quy định; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai. Việc ban hành và tổ chức thực thi hiệu quả Luật sẽ là một trong những công cụ quan trọng giúp khơi thông nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa hơn lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, góp phần đưa đất đai là nguồn lực quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước trong giai đoạn tới.

Nhiều điểm mới

Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Đất đai năm 2024 đã trải qua 9 lần sửa đổi, bổ sung, gồm 16 chương, 260 điều; trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai. Đồng thời, Luật Đất đai năm 2024 thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai; góp phần thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch..., tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Luật Đất đai năm 2024 đã quy định rõ mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước. Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ tạo hiệu quả về sử dụng nguồn lực đất đai trong công tác quản lý, điều hành, tổng hợp cũng như khai thác hợp lý, bền vững cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Đất sản xuất nông nghiệp tại xã Hồng Minh (Hưng Hà).

Theo ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất mà làm thay đổi diện tích, mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. 

Theo đó, UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ thời điểm xác định giá đất. Đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, UBND cấp có thẩm quyền phải ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Luật Đất đai năm 2024 với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai... Chính vì vậy, để bảo đảm các điều kiện thi hành Luật Đất đai năm 2024, nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, xây dựng kế hoạch phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy
Xét về góc độ chính sách đổi mới, đất đai đã và đang đóng góp nguồn lực rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện dần đi vào nền nếp. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ngày càng được nâng cao. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai phù hợp với thực tiễn.


Ông Trần Quang Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xá (Đông Hưng)
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Luật Đất đai năm 2024 đã mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, cụ thể: Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3, Điều 176 Luật Đất đai năm 2024. Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đây là những điểm mới và rất quan trọng cho địa phương phát triển nông nghiệp xanh - sạch - an toàn; góp phần phát triển toàn diện kinh tế địa phương.

(còn nữa)

Minh Nguyệt