Thứ 5, 14/11/2024, 10:57[GMT+7]

Phát triển bền vững sản phẩm OCOP từ chăn nuôi, thủy sản

Thứ 2, 21/10/2024 | 09:12:05
13,230 lượt xem
Thái Bình có 194 sản phẩm OCOP, trong đó ngành chăn nuôi, thủy sản đóng góp hơn 40 sản phẩm. Những sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản đạt tiêu chuẩn OCOP đã từng bước khẳng định chất lượng, uy tín với người tiêu dùng, tạo xu thế mới cho nông dân, doanh nghiệp ở các vùng nông thôn trong tỉnh phát triển kinh tế.

Nước mắm Diêm Điền của huyện Thái Thụy - sản phẩm OCOP 3 sao.

Phát triển sản phẩm từ lợi thế 

Phát huy thế mạnh của huyện ven biển, sau hơn 4 năm tích cực triển khai xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay huyện Thái Thụy đã có 40 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các sản phẩm đã và đang trở thành những thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. 

Đến thăm cơ sở sản xuất cá cơm Hồng Ngọc, xã Thụy Xuân, không khí lao động rất nhộn nhịp, mỗi người một công đoạn như phơi cá, hấp cá, đóng gói sản phẩm... Ông Nguyễn Đình Tuyên, chủ cơ sở cho biết: Cơ sở của tôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ nghề khai thác thủy sản để tạo ra sản phẩm OCOP cá cơm Hồng Ngọc mang hương vị, bản sắc vùng biển. Để xây dựng thương hiệu cá cơm Hồng Ngọc, tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng với quy mô khép kín để chế biến cá. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cá cơm Hồng Ngọc được người tiêu dùng rất ưa thích, đặc biệt là thị trường các thành phố lớn. Hiện cơ sở xuất bán 3 - 5 tấn cá khô/tháng, tạo việc làm cho 20 lao động với thu nhập 7 - 8 triệu đồng/người/ tháng. 

Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Duẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Doanh nghiệp chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên (Tiền Hải): Đơn vị được thành lập năm 2019. Từ khi trứng, vịt biển Đông Xuyên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, giá trị sản phẩm được nâng cao, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm trứng vịt, thịt vịt Đông Xuyên có mặt tại các siêu thị được người tiêu dùng ưa thích. Chúng tôi luôn nỗ lực đưa chất lượng sản phẩm đi cùng với thương hiệu. Tiếp nối thành công, 2 sản phẩm này còn được công nhận danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021. 

Ông Nguyễn Văn Hình, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hòa H4G, xã Duyên Hải (Hưng Hà) cho biết: Sản phẩm OCOP giúp người tiêu dùng định vị, lựa chọn đúng sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Đây là sự đánh giá và công nhận của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm và chủ thể sản xuất ra sản phẩm đó. Từ lợi thế sản phẩm OCOP, Công ty TNHH Minh Hòa H4G đã cung cấp ra thị trường 3 sản phẩm chính gồm cá rô rút xương, cá rô kho tương và ruốc cá rô. Trung bình mỗi ngày Công ty tiêu thụ 4 - 5 tạ cá rô thương phẩm, xuất bán 1,5 - 2 tạ cá rô rút xương. 

Chế biến cá rô rút xương tại Công ty TNHH Minh Hòa H4G (Hưng Hà).

Hướng đến sự bền vững 

Sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng theo bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau như chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể. Đồng thời, kết quả phân hạng sản phẩm OCOP còn xác định các cơ hội phát triển sản phẩm, khả năng tham gia và được thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. 

Ông Đỗ Văn Trịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Huyện Tiền Hải đã thành lập Hội OCOP với 27 hội viên là chủ thể sản phẩm OCOP trong huyện với mục tiêu xây dựng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP mang thương hiệu chung “nông sản 14/10” đến với người tiêu dùng. Nhờ đó đã giúp nhiều nông dân tăng doanh thu bán hàng, kết nối được một số hội, ngành, HTX, đối tác để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Nhiều chủ thể là hộ kinh doanh cá thể, HTX, doanh nghiệp đã chọn những sản phẩm chăn nuôi, thủy sản như vịt, ếch, tôm, cá để đầu tư máy móc chế biến thành những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Hầu hết sản phẩm được tiêu thụ ổn định, mang lại lợi nhuận, tạo động lực giúp các chủ thể tiếp tục đầu tư nâng tầm sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, đồng thời góp phần quảng bá sản phẩm OCOP từ chăn nuôi, thủy sản của huyện đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. 

Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho rằng, với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với việc thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, các sản phẩm OCOP được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đối với huyện Vũ Thư, từ năm 2021 đến nay đã có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 16 sản phẩm đạt 4 sao, 14 sản phẩm đạt 3 sao. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xây dựng, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản gắn với chương trình OCOP mang lại hiệu quả cao. Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, thủy sản được các chủ thể lựa chọn đầu tư cải tiến chất lượng, đa dạng mẫu mã, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, có 128 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP (37 doanh nghiệp, 48 HTX, 43 hộ kinh doanh) với 194 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, trong đó có hơn 40 sản phẩm từ chăn nuôi, thủy sản. Có thể thấy, việc xây dựng sản phẩm OCOP đã, đang và sẽ là hướng đi đúng đắn, mở ra nhiều cơ hội, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm cá rô đồng rút xương.

Mạnh Thắng