Thứ 6, 15/11/2024, 13:44[GMT+7]

Nhìn nhận từ vốn đầu tư 9 tháng

Thứ 2, 30/09/2013 | 09:40:01
885 lượt xem
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng 2013 so với cùng kỳ năm trước tính theo giá thực tế thì tăng 6,1%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng không đáng kể, trong đó có nguồn còn bị giảm, như nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, có thể được nhận diện qua: Vốn đầu tư/GDP; tốc độ tăng vốn đầu tư.

 

Vốn đầu tư/GDP trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt 31,2% - thấp nhất so với nhiều năm qua (bình quân năm của thời kỳ 1996-2000 là 39,1%, của thời kỳ 2006-2010 là 39,2%, của thời kỳ 2011-2012 là 31,8% và thấp xa so với mục tiêu đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015 (40%).

 

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng 2013 so với cùng kỳ năm trước tính theo giá thực tế thì tăng 6,1%, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tăng không đáng kể, trong đó có nguồn còn bị giảm, như nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.

 

Ở góc độ thứ nhất, đó là xu hướng tích cực, thể hiện sự chuyển đổi tư duy trong tăng trưởng, từ chỗ dựa quá nhiều vào vốn đầu tư trong những năm trước đây, thường gây ra bất ổn vĩ mô (lạm phát cao, nhập siêu lớn, bội chi ngân sách cao, nợ công tăng,…), sang dựa nhiều hơn vào tăng hiệu quả đầu tư; từ tăng trưởng theo chiều rộng, tăng trưởng về số lượng, sang tăng trưởng theo chiều sâu, tăng trưởng về chất lượng. Đây là một trong những yếu tố của chất lượng tăng trưởng, của tăng trưởng bền vững.

 

Ở góc độ thứ hai, mặc dù tỷ lệ vốn đầu tư/GDP của Việt Nam hiện vẫn còn cao hơn nhiều nước và về lâu dài có thể còn giảm xuống nữa, nhưng việc hạ quá nhanh tỷ lệ vốn đầu tư/GDP như trên trong một thời gian ngắn có thể coi là khá đột ngột, cộng hưởng với việc giảm xuống tốc độ tăng tiêu thụ trong nước, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thực tế tăng trưởng kinh tế năm 2012 đã xuống đáy 13 năm; mặc dù năm nay rất nỗ lực, nhưng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, thậm chí còn có dự đoán là chưa thoát đáy để vượt dốc đi lên, vì có thể không đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng 5,5%) và phải thật quyết liệt mới có thể đạt được mục tiêu theo Nghị quyết cuộc họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ (tăng 5,3-5,4%), khi 9 tháng mới tăng 5,14%.

 

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bao gồm ba nguồn: Vốn đầu tư khu vực Nhà nước, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

 

Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã giảm tương đối nhanh (từ 54,3% thời kỳ 1999-2000, xuống 51,8% thời kỳ 2001-2005, xuống 38,7% thời kỳ 2006-2010, còn 37,4% thời kỳ 2011-2012; tăng trưởng lại mức 37,1% trong 9 tháng 2013). Đó là tỷ trọng vẫn còn cao, trong điều kiện cân đối ngân sách còn khó khăn, nợ công tăng. Trong tổng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất. Mặc dù lượng vốn từ nguồn này có tăng lên qua các tháng, nhưng tính chung 9 tháng vẫn giảm (giảm 1,2%) so với cùng kỳ năm trước, nhất là vốn do Trung ương quản lý (giảm 16,3%) và vốn do một số địa phương quản lý (như Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Lào Cai…).

 

Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội đã tăng lên (từ 24,1% thời kỳ 1996-2000, lên 32,5% thời kỳ 2001-2005, lên 36% thời kỳ 2006-2010, lên 38,7% thời kỳ 2011-2012, nhưng 9 tháng 2013 còn 37,1%). Tỷ trọng này còn thấp và giảm chậm. Nhà nước cần chuyển bớt một số ngành, lĩnh vực cho tư nhân thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% hoặc giữ cổ phần chi phối…

 

Tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 9 tháng vẫn giữ được 23,6%. Lượng vốn FDI đăng ký ước 9 tháng đạt trên 15 tỷ USD, tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước; lượng vốn thực hiện ước đạt 8,62 tỷ USD, tăng so với cùng kỳ. Khả năng cả năm 2013 sẽ đạt mức cao hơn năm 2012 cả về lượng vốn đăng ký (16,4 tỷ USD), cả về lượng vốn thực hiện (10,5 tỷ USD), đồng thời cũng vượt kế hoạch đề ra.

 

Lượng vốn ODA ký kết đạt 4,59 tỷ USD và giải ngân đạt 3,13 tỷ USD.

 

Để tăng trưởng kinh tế cao hơn theo mục tiêu, cần phải có thêm xung lực mới cho vốn đầu tư.

 

Một là, cần giữ tỷ lệ vốn đầu tư/GDP như hiện nay. Đây là vấn đề có thể có tranh cãi, bởi có vẻ như mâu thuẫn với tư duy mới về chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm sự phụ thuộc của tăng lượng vốn đầu tư. Tuy nhiên, nếu đang từ tỷ lệ rất cao từ trên dưới 40% mà đã giảm nhanh từ vài ba năm nay sẽ có thể là từ cực đoan này sang cực đoan khác.

 

Đúng là tăng hiệu quả đầu tư tốt hơn là tăng lượng vốn đầu tư, song khi hiệu quả đầu tư chưa thể nâng nhanh lên được, nếu giảm nhanh lượng vốn đầu tư, thì tăng trưởng kinh tế sẽ trì trệ, thậm chí sẽ bị suy giảm. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP có thể phải giảm xuống thấp hơn hiện nay, nhưng có lẽ phải vài ba năm nữa, khi hiệu quả đầu tư cao lên, tăng trưởng kinh tế cao lên.

 

Hai là, cần có giải pháp mạnh hơn đối với từng nguồn vốn đầu tư. Đối với nguồn vốn thuộc khu vực Nhà nước, cần có các giải pháp khác nhau. Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước cần giải ngân nhanh, đẩy nhanh tiến độ thi công; tìm thêm nguồn vốn thông qua việc Chính phủ phát hành trái phiếu để vay trong nước cho đầu tư công...

 

Đẩy nhanh hơn nữa công tác cổ phần hoá để huy động vốn của xã hội, nhất là các đơn vị lớn. Mạnh dạn thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp, bao gồm cả ngành hàng không, viễn thông. Quy trách nhiệm về trả nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương và cần có cơ chế để giảm thiểu tình trạng này. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cần thoái vốn ngoài ngành để tập trung cho chuyên ngành chính...

 

Đối với nguồn vốn FDI, cần thu hút mạnh hơn các dự án để có kỹ thuật-công nghệ cao và tính lan toả rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm..., nhưng phải chống cho được tình trạng chuyển giá. Phát triển thị trường chứng khoán, mở room đối với một số ngành, lĩnh vực cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút FII. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA. Cần có giải pháp khuyến khích tốt hơn đối với nguồn vốn khu vực ngoài Nhà nước, vừa chống vàng hoá, đô la hoá, vừa thu hút được một lượng vốn khổng lồ đang nằm trong dân đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh...

 

Ba là, nâng cao hiệu quả đầu tư, vấn đề quan trọng hơn cả tăng lượng vốn, trong đó đặc biệt quan tâm đến nâng cao hiệu quả đầu tư vốn của khu vực Nhà nước, bởi hệ số ICOR của khu vực này cao hơn khu vực FDI và cao hơn khu vực ngoài Nhà nước là 4 lần.

Nguồn chinhphu.vn

  • Từ khóa