Thứ 6, 15/11/2024, 13:56[GMT+7]

Nông dân thôn Lương Mỹ Làm giàu nhờ trồng rau muống

Thứ 5, 03/10/2013 | 10:13:01
9,870 lượt xem
Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) là xã thuần nông, thu nhập chính của bà con nông dân từ sản xuất nông nghiệp. Để giúp nông dân thoát nghèo, những năm qua, xã Quỳnh Hội luôn chú trọng đến việc luân canh, tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất. Nếu như thôn Phụng Công, Đông Xá… nổi tiếng làm giàu nhờ cây vụ đông thì nông dân thôn Lương Mỹ lại làm giàu từ những luống rau muống.

Nông dân thôn Lương Mỹ, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) thu hoạch rau muống.

Những năm trước, nông dân thôn Lương Mỹ chủ yếu sản xuất theo hướng độc canh cây lúa, với 2 vụ chính trong năm nhưng hiệu quả không cao vì diện tích nhỏ lẻ, phân tán. Vì vậy đời sống của nhiều hộ nông dân còn gặp khó khăn. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi từ canh tác lúa sang trồng rau muống. Lúc đầu chỉ có vài hộ trồng nhưng đến nay hầu hết bà con nông dân trong thôn đều trồng rau muống, với diện tích 13 ha.

Những ngày này, nông dân Lương Mỹ thắng lớn nhờ rau muống được giá. Có mặt tại những cánh đồng rau muống của thôn Lương Mỹ lúc về chiều, các cô, các chị, ai nấy đều đang tất bật, nhanh tay hái những mớ rau xanh mềm để kịp cho thương lái đến thu mua. Theo kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị The,  kỹ thuật trồng rau muống rất đơn giản, khâu làm đất để trồng rau giống như cấy lúa, phải cấy thành hàng; để có rau ăn giòn, ngọt, có năng suất cao thì đất phải được cày bừa kỹ, tơi xốp, san bằng, làm sạch cỏ và chủ động được nguồn nước. Đồng thời, khi trồng lứa mới phải dọn các tàn dư cây trồng ở vụ trước để loại bỏ nơi trú ẩn của côn trùng, sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Mỗi khóm cách nhau khoảng 3 - 4 cm. Rau muống từ khi trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu khoảng hơn 20 ngày nên nông dân có thể trồng được nhiều vụ trong năm. Về giống, bà con tận dụng chọn những ngọn rau già, nhiều nhánh để trồng.

Những ngày qua, thời tiết lúc mưa lúc nắng, kèm theo gió mạnh đã khiến cho nhiều loại rau bị hỏng, dập nát; hơn nữa đang là thời điểm giao mùa nên giá rau tăng rất nhanh nên bà con nơi đây được hưởng lợi. Còn theo chị Trần Thị The, mưa nắng thất thường, rau củ chết nhiều nên nông dân nhiều nơi đang thiệt hại dù giá có cao nhưng không có rau bán vì bị hỏng. Nhất là đối với các loại rau thơm, rau mùi phải mất hơn 1 tháng mới được thu hoạch, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn là thối hết, mất trắng nếu không được che phủ kín. Còn những người trồng rau muống, thời gian này đang được hưởng trọn niềm vui khi giá rau tăng cao, lại dễ tiêu thụ.

Do có kinh nghiệm trồng rau từ nhiều năm nay nên 100% diện tích rau muống của Lương Mỹ những ngày mưa nắng vừa qua vẫn xanh tốt. Bởi, người dân chỉ thu hoạch khoảng 5 lứa rau xong lại nhổ bỏ trồng lại nên rau không bị khô, úng. Nếu như đầu tháng, giá một mớ rau muống bán tại ruộng chỉ 300 đồng mà còn khó tiêu thụ thì hơn 10 ngày nay luôn bán với giá 2.500 - 3.000 đồng/mớ, cao gấp 8 - 10 lần ngày thường. Ai có rau bán trong dịp này, chỉ cần thu hoạch 1 lứa là bằng cả vài tháng cộng lại. Toàn thôn có trên 300 hộ dân, hầu như nhà nào cũng trồng rau muống. Như nhà chị The, 3 sào rau muống, nửa tháng nay đã mang lại nguồn thu nhập trên 4 triệu đồng. Thời điểm này, do rau đắt nên chị em phụ nữ ai cũng tranh thủ ra đồng hái, không cắt như khi rau rẻ để rau phát triển nhanh, khoảng 17 - 20 ngày là được hái lứa mới.

 Do không có thời gian nên các hộ bán luôn cho thương lái, vì vậy lợi nhuận không bằng một số bà con mang ra tận chợ bán. Ví như gia đình chị Trần Thị Xuân ở mảnh ruộng kế bên, thu nhập những ngày qua lên tới cả chục triệu đồng từ gần 3 sào rau muống. Tôi vừa bước sang mảnh ruộng kế bên, chị Xuân đã niềm nở: “Hơn 10 ngày qua, tôi và con gái rất tất bật với việc thu hoạch rau. Chiều nào, 2 mẹ con cũng hái rau chuẩn bị sáng hôm sau mang lên Thành phố Thái Bình bán. Nếu bán tại ruộng thì chỉ được 2.500 - 3.000 đồng/mớ còn bỏ công mang lên Thành phố bán giá cao hơn nhiều, từ 4.500 - 5.000 đồng/mớ. Mỗi ngày cũng thu về cả triệu đồng. Hơn nữa, ngày nào cũng có rau bán, vì cứ thu hết đầu này thì đầu kia đã lên xanh. Vất vả nhưng cũng có tiền phòng khi ốm đau, con cái học hành”.

Bà Nguyễn Thị Đoan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quỳnh Hội cho biết: Nhờ làm giàu từ những ruộng rau muống mà chị em thôn Lương Mỹ ngày càng gắn kết, bó bện với nhau hơn trong các phong trào, hoạt động của tổ chức hội phụ nữ. Nhất là nhiệt tình tham gia mô hình tổ tiết kiệm. Mỗi tháng, mỗi hội viên đã tự nguyện đóng góp từ 100.000 - 200.000 đồng tùy theo tổ tiết kiệm để gây quỹ, giúp đỡ những hội viên khó khăn vay vốn không tính lãi.              

Bài, ảnh: Đức Dũng

  • Từ khóa