Thứ 6, 15/11/2024, 14:04[GMT+7]

Mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi ở Vũ Thư Hướng mở cho phát triển chăn nuôi bền vững

Thứ 4, 09/10/2013 | 09:06:06
1,278 lượt xem
Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi của huyện Vũ Thư có những bước phát triển khá nhanh, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều nông dân. Hàng năm, giá trị chăn nuôi của huyện đạt 309,07 tỷ đồng. Bên cạnh lợi ích kinh tế thì chăn nuôi trên địa bàn Vũ Thư cũng đang nảy sinh vấn đề về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Ứng dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại hộ gia đình anh Lại Xuân Vẻ, xã Tự Tân (Vũ Thư).

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi đối với môi trường nông thôn, huyện Vũ Thư phối hợp với Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông và Khuyến ngư tỉnh triển khai ứng dụng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng chất độn chuồng sinh học tại một số hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện. Mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học là phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh nhằm tạo ra các quần thể vi sinh vật sống để xử lý chất thải của vật nuôi, làm sạch môi trường, giúp đàn lợn ăn nhiều, lớn nhanh, tỷ lệ mắc bệnh tiêu hóa giảm. Chi phí cho xử lý môi trường theo phương pháp này rất thấp, dùng được trong nhiều năm.

Nguyên liệu sử dụng chủ yếu là các phụ phẩm nông nghiệp như mùn cưa, trấu, cám ngô nghiền để làm chất độn chuồng, kết hợp với phun chế phẩm sinh học lên bề mặt nền đệm lót để tạo thành chất men vi sinh giúp phân giải phân, nước tiểu, làm giảm mùi hôi thối, hạn chế ruồi muỗi. Với diện tích chuồng nuôi 20m2, chi phí làm đệm lót khoảng 3 triệu đồng. Đệm lót có thời gian sử dụng khoảng 4 năm cho nhiều lứa lợn. Sau đó đệm lót trở thành phân bón cho cây trồng.

Chúng tôi về xã Tự Tân là địa phương thứ hai của huyện Vũ Thư mạnh dạn tiếp thu dự án sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn. Đến thời điểm này, toàn xã có 10 hộ tham gia mô hình trên trong chăn nuôi lợn. Đến thăm gia đình anh Phạm Quang Triều, thôn Phú Lễ anh cho biết: Trước đây, mỗi năm gia trại của anh Triều nuôi 2 - 3 lứa, mỗi lứa từ 10 - 30 con lợn. Gia trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư, chất thải của gia súc không được xử lý thải trực tiếp ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm khu vực dân cư.

Nhằm giảm thiểu mùi hôi thối, anh Triều thường xuyên thu dọn chất thải mà vẫn không thể hết mùi, nên việc chăn nuôi cũng phần nào bị hạn chế. Khi được Hội Nông dân xã giới thiệu về dự án sử dụng đệm lót vi sinh trong chăn nuôi lợn, anh mạnh dạn đăng ký ứng dụng mô hình vào gia trại. Qua gần 5 tháng áp dụng phương pháp xử lý mới này, hiệu quả đã được khẳng định. Chuồng nuôi lợn của gia đình không có mùi hôi, thối, đàn lợn của gia đình không mắc bệnh ngoài da.

Cùng ứng dụng mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, ông Phạm Văn Chính chia sẻ thêm: “Nuôi lợn theo mô hình này thấy nhàn hơn hẳn so với nuôi lợn theo phương thức truyền thống. Trong quá trình chăn nuôi chỉ việc rửa máng ăn chứ không cần tắm cho lợn. Một tuần 2 - 3 lần dùng cào đảo đệm lót chuồng một lần. Gia đình chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều công lao động mà môi trường vẫn được bảo đảm, không có mùi hôi, lợn lớn nhanh hơn. Thời gian nuôi giảm xuống còn 4 tháng, thay vì nuôi theo truyền thống phải mất 5 tháng lợn mới đạt 1 tạ/con”.

Qua thời gian triển khai mô hình cho thấy đã giúp giảm tới 60% sức lao động (do không phải dọn phân lợn), tiết kiệm tới 80% nước vệ sinh chuồng trại và 10% thức ăn. Đặc biệt áp dụng mô hình này, chuồng trại chăn nuôi không có chất thải ra môi trường xung quanh và không có mùi hôi thối, tỷ lệ sống của vật nuôi ở những hộ tham gia mô hình đều đạt 100%, hiệu quả kinh tế cao hơn so với chăn nuôi ngoài mô hình khoảng 40.000 đồng/con/3 tháng nuôi; đồng thời nâng cao sức đề kháng, chống lại bệnh tật và nâng cao chất lượng thịt của vật nuôi. Môi trường xung quanh chuồng trại chăn nuôi không bị ô nhiễm, hạn chế được ruồi muỗi và các mầm bệnh cho vật nuôi.

Để nhân rộng mô hình này, ông Bùi Gia Khương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vũ Thư cho biết: Công tác tuyên truyền cần triển khai sâu rộng tới những hộ chăn nuôi. Thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn do mô hình chăn nuôi này khá mới, chưa được phổ biến rộng rãi. Sau khi triển khai đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại các địa phương cho kết quả rất khả quan trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường. Đến nay, nhiều hộ chăn nuôi khi thấy được hiệu quả của mô hình đã đăng ký ứng dụng vào trang trại, gia trại để xử lý chất thải của vật nuôi.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

  • Từ khóa