Chủ nhật, 17/11/2024, 04:43[GMT+7]

Vấn đề tam nông Cách làm của Thụy Ninh trong phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung

Thứ 6, 10/09/2010 | 09:58:35
4,200 lượt xem
Từ nhiều năm nay, Thụy Ninh luôn là điển hình của Thái Thụy trong phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung.

Mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp của hộ nông dân. Ảnh: Ngọc Trâm

Địa phương được huyện  chọn là đơn vị xây dựng thí điểm khu chăn nuôi tập trung của tỉnh từ năm 2006, tại cánh đồng Chiều Tô và sau 4 năm đầu tư sản xuất đến nay khu chăn nuôi tập trung này được đánh giá có hiệu quả nhất trong số 7 khu chăn nuôi tập trung của tỉnh. Cũng nhờ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ gia đình ở Thụy Ninh có thu nhập, thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Văn Ngọ kể lại: đầu những năm 2000, phong trào chăn nuôi của Thụy Ninh, nhất là chăn nuôi lợn nái ngoại phát triển rất mạnh. Có thời điểm, toàn xã nuôi 2.000 lợn nái, 3.000 đến 4.000 lợn thịt, 35 đến 45 ngàn con gia cầm các loại, nhưng hầu hết phân tán trong khu dân cư. Chăn nuôi phát triển đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con, nhiều gia đình trở nên giàu có nhờ mở rộng chăn nuôi. Song bên cạnh những lợi ích về kinh tế thì việc phát triển chăn nuôi với số lượng lớn, phân tán trong khu dân cư đã gây  ô nhiễm môi trường, dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc, gia cầm.

Trước thực tế trên, năm 2004, Đảng bộ xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển chăn nuôi, chủ trương  tập trung chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại theo vùng quy hoạch. Vận động nhân dân dồn đổi ruộng cho nhau, chuyển đổi những diện tích úng trũng, cấy lúa kém hiệu quả ven sông Hoá sang xây dựng mô hình VAC tổng hợp: trên bờ xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tận dụng nguồn phân nuôi cá kết hợp trồng cây ăn quả nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Xã yêu cầu những hộ đăng ký ra vùng chăn nuôi phải có đơn cam kết, xây dựng đề án sản xuất, hướng đầu tư cụ thể, tự chủ vươn lên, không trông chờ, ỉ lại các cấp, các ngành hoặc bỏ cuộc giữa chừng.

Kết quả, Thụy Ninh đã chuyển đổi được 40 ha diện tích sang đầu tư xây dựng các mô hình VAC kết hợp. Những hộ đầu tư phát triển chăn nuôi với số lượng lớn được tạo điều kiện giao đất, đầu tư xây dựng trang trại. Mỗi năm, địa phương phối hợp với một số đơn vị, các công ty chế biến thức ăn gia súc tổ chức khoảng 10 đợt tập huấn, chuyển giao  các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi cho người dân.  Nhờ đó, mỗi chủ gia trại, trang trại đều là những cán bộ thú ý tại gia đình, nắm chắc, thực hành thuần thục các kiến thức chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, tự tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của mình.

Phong trào chăn nuôi của Thụy Ninh cũng vì thế mà được duy trì ổn định ngay cả thời điểm dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi và hiện tại phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Toàn xã hiện có 102 gia trại, trang trại, trong đó 81 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận. Hầu hết các trang trại đều tổ chức chăn nuôi đa dạng, theo hướng sản xuất hàng hoá, ngoài nuôi lợn còn có gia cầm và thả cá nước ngọt. Tổng đàn lợn nuôi thả toàn xã hàng năm đạt trên 4.000 con, đàn gia cầm đạt trên 50 ngàn con. Trong đó, riêng số lượng gia súc, gia cầm trong các gia trại, trang trại chiếm từ 70 đến 80%.  Năm 2009, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của Thụy Ninh đạt 6,6 tỷ đồng, năm 2010 ước đạt 8,23 tỷ đồng, chiếm 42% tổng thu ngành nông nghiệp.

Theo chân anh Vũ Văn Tuấn,  chủ nhiệm  HTX dịch vụ nông nghiệp, đến thăm khu chăn nuôi tập trung  cánh đồng thôn Chiều Tô. Khu chăn nuôi này hiện có 23 hộ đầu tư sản xuất theo mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây ăn quả với tổng diện tích 11,7 ha, bình quân mỗi hộ quản lý 5.000m2. Trang trại nào cũng bạt ngàn một màu xanh của cây cối, ao cá rộng mênh mông, nuôi hàng trăm gia súc, hàng ngàn gia cầm.

Anh Tuấn cho biết: đến nay tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Nhà nước đầu tư cho khu chăn nuôi tập trung đạt đến 4 tỷ đồng, bình quân mỗi chủ trang trại cũng đã bỏ ra từ 300 đến 500 triệu đồng để sản xuất theo quy mô lớn. Tất cả các hộ trong khu chăn nuôi tập trung đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bà con rất yên tâm đầu tư cho sản xuất. Đến nay, hầu hết các hộ đều có thu, hộ nào mới đầu tư mỗi năm cũng lãi vài chục triệu đồng, còn những hộ ra đợt đầu, tổ chức sản xuất quy mô lớn có nguồn thu cả trăm triệu đồng.

Tôi cùng chủ nhiệm Tuấn đến thăm trang trại của ông Nguyễn Văn Hồng đúng lúc ông đang cặm cụi một mình xây thêm chuồng nuôi gà, mở rộng quy mô sản xuất. Ông  Hồng cho biết: ông có thâm niên nuôi lợn đã 20 năm nay. Trước đây  ở trong khu dân cư, đất chật nuôi nhiều lợn ô nhiễm môi trường lắm. Khi xã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, hai vợ chồng dồn hết vốn liếng nhận 2 mẫu đầu tư xây dựng trang trại, trong đó dành 1 mẫu đào ao thả cá, còn lại xây dựng chuồng trại thường xuyên nuôi từ 100 đến 150 lợn thịt, 15 lợn nái, 500 gà thịt. Với tổng nguồn vốn đầu tư đến nay đạt khoảng 500 triệu đồng, sản xuất theo quy mô lớn nên chăn nuôi được bảo đảm an toàn, không xảy ra dịch bệnh. Hai  năm 2007- 2008, mỗi năm ông Hồng có nguồn thu 100 triệu đồng, năm 2009 thu được 80 triệu đồng tiền bán lợn, không kể nguồn thu từ gà và cá.

Bí thư Ngọ cũng khẳng định thêm với chúng tôi: từ khi Thụy Ninh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại theo quy mô tập trung cái lợi được lớn lắm. Trước hết,  tính bình quân 1 ha vùng chuyển đổi  cho hiệu quả kinh tế gấp từ 3 đến 4 lần cấy lúa. Khi xây dựng các gia trại, trang trại ở đây, chăn nuôi phân tán trong các khu dân cư giảm dần, hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường. Hơn thế, sản xuất chăn nuôi theo quy mô lớn, hầu hết các hộ dân đã nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Vì vậy, từ khi đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung, Thụy Ninh chưa để xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Nguyễn Hình

  • Từ khóa