Thứ 6, 15/11/2024, 14:12[GMT+7]

Phong trào phát triển kinh tế VAC ở Thành phố Thái Bình

Thứ 6, 11/10/2013 | 08:49:42
1,708 lượt xem
Những năm qua, nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC, Hội Làm vườn Thành phố Thái Bình đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế của hội viên mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện đời sống và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Vườn quất của gia đình anh Phạm Văn Toán, thôn Trung Nghĩa, xã Đông Hòa (Thành phố Thái Bình).

Theo ông Vũ Minh Sơn, Chủ tịch Hội Làm vườn Thành phố Thái Bình: Kinh tế VAC được xác định là nguồn thu nhập chính của hội viên Hội Làm vườn, vì vậy, những năm qua, Hội đặc biệt chú trọng đẩy mạnh phong trào ở  các cơ sở hội giúp hội viên hăng hái sản xuất nhằm tận dụng và khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, nhân lực: Khuyến khích hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang sản xuất hàng hóa.

Cùng với vận động hội viên thay đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, Hội Làm vườn Thành phố Thái Bình còn đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên với các nội dung phong phú, đa dạng như: kỹ thuật nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng cây cảnh, cây ăn quả, cải tạo vườn tạp… Hội đã phối hợp với Hội Nông dân và các đoàn thể mở 121 lớp tập huấn về kỹ thuật và kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi thu hút 5.812 lượt người tham gia.

Liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống cho hội viên; Hội thường xuyên tổ chức cho cán bộ, hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất tại các mô hình trong và ngoài tỉnh; tổ chức nhiều hoạt động họp nhóm, họp tổ… qua đó, các hội viên trao đổi, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm sản xuất, về cây, con giống và vốn phát triển sản xuất. Ngoài việc hỗ trợ về kỹ thuật, Hội đã phối hợp với Hội Nông dân tín chấp cho 571 hội viên vay 16 tỷ đồng phát triển sản xuất.

Có vốn, có kiến thức về sản xuất, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư vốn, mở rộng quy mô sản xuất VAC. Những năm qua, hội viên Hội Làm vườn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả để xây dựng các trang trại chăn nuôi, kết hợp trồng cây ăn quả, cây dược liệu cho hiệu quả cao. Đến nay, toàn Thành phố đã cải tạo 100% diện tích ao hoang, vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung như nuôi trồng thủy sản, hoa, cây cảnh cho thu nhập cao. Hội Làm vườn Đông Hòa đã chuyển đổi gần 75 ha đất cấy lúa kém hiệu quả  sang trồng hoa, cây cảnh cho thu nhập trên 15 tỷ đồng/năm.

Gia đình ông Nguyễn Công Tuyến, xã Vũ Chính với diện tích 2 ha, ông xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm đào ao nuôi cá cho thu nhập 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 10 lao động; gia đình ông Hà Văn Thứ, xã Đông Hòa với diện tích 3.000m2 trồng cây cảnh cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2 lao động; gia đình ông Vũ Ngọc Thân, xã Đông Mỹ kết hợp trồng cây ăn quả, rau màu và nuôi cá cho thu nhập 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động; ông Phạm Văn Phượng, xã Vũ Phúc, với diện tích 3.000m2 kết hợp trồng cây ăn quả, rau màu, nuôi cá, gà, vịt cho thu nhập 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2-4 lao động…

Hội Làm vườn Thành phố Thái Bình có 11 hội cơ sở với 61 chi hội và 2.110 hội viên. Trong đó, có nhiều hội cơ sở có quỹ cao, hoạt động hiệu quả như phường Hoàng Diệu, xã Đông Hòa, Đông Thọ… Phát huy kết quả đạt được, những năm tới, Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC, kết hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… tăng cường hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật cho hội viên phát triển các mô hình có giá trị kinh tế cao.

Bài, ảnh: Thùy Linh

  • Từ khóa