Thứ 6, 15/11/2024, 13:50[GMT+7]

Thu hoạch vụ mùa 2013 Nông dân chưa trọn niềm vui

Thứ 3, 15/10/2013 | 08:51:00
1,350 lượt xem
Trong những ngày qua, các địa phương trong tỉnh tập trung thu hoạch lúa mùa đại trà. Nhiều nơi nông dân phấn khởi được mùa, song cũng có nơi nông dân kém vui do lúa mùa có tỷ lệ lép khá cao. Dự kiến năng suất lúa mùa bình quân đạt trên 59 tạ/ha; trong đó nhiều huyện, thành phố dự kiến năng suất giảm so với vụ mùa trước, như Thành phố Thái Bình, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Đông Hưng, Kiến Xương...

Nông dân xã Vũ Lễ (Kiến Xương) thu hoạch lúa mùa.

Vụ mùa năm 2013, toàn tỉnh gieo cấy được 81.338 ha, trong đó nhóm giống năng suất cao 63.044 ha, như lúa lai 989, BC15; nhóm lúa chất lượng 18.294 ha…Ngay khi bước vào sản xuất vụ mùa, các địa phương gặp khá nhiều yếu tố thuận lợi để thực hiện gieo cấy, chăm sóc giúp lúa sinh trưởng, phát triển trong điều kiện tốt nhất. Trước hết, tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ kịp thời cho nông dân mua máy nông nghiệp, hỗ trợ thuốc trừ cỏ đối với diện tích gieo thẳng để đẩy nhanh tiến độ sản xuất.

Đồng thời, lúa xuân thu hoạch sớm hơn vụ trước từ 10 - 15 ngày, tạo điều kiện cho các địa phương có quỹ đất làm mạ, cày lật, dậm rạ, làm đất gieo cấy lúa mùa nhanh, gọn. Cuối tuần 2, đầu tuần 3 tháng 7 có nhiều ngày mưa vừa, giúp bà con nông dân chăm sóc đợt 1 thuận lợi, lúa sinh trưởng, phát triển tốt… Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 lúa trong giai đoạn trỗ bông tập trung đã gặp mưa lớn kéo dài ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, kết hạt của 56.000 ha, trong đó trên 15.000 ha bị ảnh hưởng rõ rệt, lúa bị đen, tỷ lệ lép cao, từ 20 - 25%.

Đặc biệt, các đợt mưa lớn từ ngày 19 - 21/8, 27/8 -  2/9, 6 - 11/9 trùng với đợt phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, đục thân, bạc lá nên một số diện tích phun không đạt hiệu quả. Sau phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, toàn tỉnh có hơn 7.000 ha bị thiệt hại nặng do bạc lá, sâu đục thân và sâu cuốn lá nhỏ. Do lúa trỗ vào thời điểm thời tiết bất thuận, cùng với các loại sâu bệnh gây hại nên nhiều diện tích cấy một số giống lúa có tỷ lệ lép khá cao.

Bà Phạm Thị Kim Hoàn, Trưởng phòng Trồng trọt – Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Cán bộ của Sở đã tiến hành điều tra về năng suất ở một số giống lúa cho thấy, tại 4 điểm kiểm tra về giống BC15 thì tỷ lệ lép dao động từ 31% đến gần 40%; giống Bắc thơm 7 tỷ lệ lép từ 19% đến gần 21%; giống RVT tỷ lệ lép từ 18% đến gần 20%... Mặc dù giống BC15 có tỷ lệ lép khá cao, nhưng do số bông/m2 và số hạt/bông nhiều nên năng suất vẫn đạt cao, dự kiến trung bình đạt 70 tạ/ha; giống RVT bình quân đạt 61 tạ/ha. Một số giống lúa đạt năng suất thấp, như Nếp địa phương trên 44 tạ/ha, BT7 đạt 52,50 tạ/ha và một số giống khác đạt 53 tạ/ha.

Ông Trần Văn Phác, thôn Thượng Đạt, xã Đông Dương (Đông Hưng) cho biết: Nhìn chung lúa mùa năm nay tỷ lệ lép khá cao, không chỉ xảy ra ở một vài hộ mà rất nhiều hộ trong xã, nhà nào năng suất cao thì đạt khoảng 2 tạ/sào. Nhà ông Phác cấy 6 sào, trong đó cấy giống BC15 là 2,5 sào, còn lại cấy giống Nếp địa phương; dự kiến giống BC15 năng suất đạt 1,5 tạ/sào, nếp địa phương đạt trên 1,3 tạ/sào.

Các vụ trước, thời tiết thuận lợi, không bị sâu bệnh gây hại nặng, giống lúa BC15 cho năng suất khá cao từ 2,5 đến 3 tạ/sào. Hay như hộ gia đình bà Cao Thị Oanh, thôn Phương Cúc, xã Đông Dương (Đông Hưng), cấy 4 sào BC15, cả vụ đã phun 4 lần thuốc trừ sâu nhưng vẫn bị đục thân gây hại, đồng thời lúa thụ phấn kém do mưa nên tỷ lệ bông bạc nhiều, năng suất ước chỉ đạt trên 1,3 tạ/sào.

Thực tế cho thấy, ngay cả những địa phương có truyền thống thâm canh lúa và hàng năm luôn đứng trong tốp đầu huyện về năng suất thì vụ mùa năm nay cũng giảm năng suất rõ rệt. Điển hình như xã Điệp Nông (Hưng Hà), năng suất bình quân dự kiến đạt 65 tạ/ha (cao hơn mục tiêu của tỉnh 3 tạ/ha), giảm 2 tạ/ha so với vụ mùa năm 2012.

 Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Điệp Nông cho biết: Vụ mùa năm 2013, toàn xã gieo cấy được 360 ha, trong đó giống BC15 chiếm 50% diện tích, còn lại là các giống TBR1, TBR225, Hương thơm, Bắc thơm…Do Điệp Nông có truyền thống gieo đậu tương vụ đông trên đất hai lúa, nên mùa vụ ở đây gắn kết khá chặt chẽ, toàn bộ diện tích lúa mùa cơ bản đã gieo cấy kết thúc trước 30/6. Chính vì vậy, trên 90% diện tích lúa mùa của Điệp Nông đã trỗ trong tháng 8 nên gặp mưa ít hơn, lúa thụ phấn tốt, phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả. Riêng giống BC15 và TBR1 trỗ khá sớm nên năng suất bình quân đạt trên 67 tạ/ha.

Ngoài ra, một số địa phương giảm năng suất còn do cấy các giống lúa dài ngày năng suất thấp, do thời gian lúa sinh trưởng trên đồng ruộng dài ngày tạo điều kiện cho các đối tượng sâu bệnh gây hại và gặp thời tiết bất thuận khi trỗ, kết hạt. Bà Nguyễn Như Tích, xã Vũ Lễ (Kiến Xương) cho biết: Hộ gia đình bà gieo cấy 5 sào bằng giống Q5, trong đó 3 sào thuộc vùng chua trũng nên bông bị bạc gần hết, năng suất chỉ đạt 10 kg/sào; 2 sào còn lại cấy ở vùng tốt hơn nhưng cũng chỉ đạt trên 50 kg/sào.

Hộ ông Vũ Ngọc Tứ, xã Vũ Lễ gieo cấy 4 sào bằng giống Q5, mặc dù cả vụ phun 4 - 5 lần thuốc trừ sâu nhưng do lúa trỗ vào thời điểm thời tiết bất thuận và sâu bệnh gây hại nhiều nên năng suất chỉ đạt 1,3 tạ/sào. Giống Q5 không nằm trong cơ cấu giống gieo cấy của tỉnh, nhưng nhiều hộ dân vẫn gieo cấy, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến năng suất lúa mùa giảm. Theo kết quả điều tra của ngành Nông nghiệp, giống Q5 ở vụ mùa này có số hạt chắc/bông chỉ từ 89 - 94,2 hạt, trong khi đó giống BC15 đạt từ 140 đến 153,8 hạt.

Bài, ảnh: Nguyên Bình

  • Từ khóa