Thứ 6, 15/11/2024, 11:23[GMT+7]

Công ty TNHH Hưng Cúc Bạn đồng hành của nhà nông

Thứ 3, 15/10/2013 | 08:55:43
3,160 lượt xem
Công ty TNHH Hưng Cúc (phường Tiền Phong, Thành phố Thái Bình) là đơn vị chuyên chế biến, tiêu thụ lúa gạo quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, doanh nghiệp này đã thực hiện mô hình liên kết doanh nghiệp - HTX - nông dân để thu mua nông sản bước đầu đạt kết quả tích cực, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Dây chuyền chế biến lương thực tại Công ty TNHH Hưng Cúc (phường Tiền Phong, Thành phố Thái Bình).

Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty cho biết: Ông đã gắn bó với nghề kinh doanh lương thực mấy chục năm nay nhưng ban đầu hoạt động quy mô nhỏ, trung bình mỗi năm chỉ thu mua từ 3.000 đến 4.000 tấn thóc về chế biến rồi bán gạo cho các cửa hàng, đại lý.

Năm 2003, ông thành lập Công ty TNHH Hưng Cúc, tăng năng lực thu mua lên khoảng 10.000 tấn/năm. Quá trình kinh doanh lúa gạo, gắn bó với người nông dân, ông Hưng nhận ra một nghịch lý: Thái Bình là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng nhưng bao năm qua vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo riêng cho mình. Người nông dân quanh năm gắn bó với ruộng đồng nhưng lại canh tác theo tập quán, thói quen truyền thống mà chưa được hỗ trợ sản xuất lúa hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp thường chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh và không tránh khỏi quy luật “được mùa thì rớt giá” nên thu nhập của nông dân không cao.

Năm 2007, ông đặt hàng với một số đại lý thu gom thóc tám truyền thống của huyện Tiền Hải về chế biến, bán gạo cho các đại lý, siêu thị ở các thành phố lớn với mong muốn xây dựng một thương hiệu gạo chất lượng riêng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cây lúa không được sản xuất theo một quy trình chuẩn, thóc tám lẫn với nhiều giống khác nên chất lượng gạo không ngon, doanh nghiệp thu mua về không bán được sản phẩm, mất một nguồn chi phí khá lớn.

Bài học này đã giúp ông Lý Thái Hưng rút ra kinh nghiệm: muốn có nguồn cung nguyên liệu thóc ổn định, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được nhu cầu khách hàng trong nước, yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu nhất thiết Công ty phải thực hiện tốt mối liên kết doanh nghiệp - HTX - nông dân. Năm 2009, Hưng Cúc đã ký hợp đồng với HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Tây Tiến (Tiền Hải) cấy 60 ha giống lúa chất lượng cao T10, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Kết quả vụ mùa năm đó, doanh nghiệp đã thu mua 150 tấn thóc cho nông dân với giá ổn định, lợi nhuận tăng hơn 300 triệu đồng so với lúa thịt bán trên thị trường.

Năm 2011, Công ty tiếp tục tham gia mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên diện tích 60 ha với HTX Tây Tiến, kết quả đã thu mua được gần 230 tấn thóc hàng hóa có chất lượng. Trong 2 năm 2011 - 2012, doanh nghiệp tiếp tục phối hợp với các HTX thu mua giống lúa thơm RVT cấy trên một số mô hình cánh đồng mẫu của tỉnh.

Đặc biệt, vụ mùa năm 2013 được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học - Công nghệ và tỉnh, Hưng Cúc đã ký hợp đồng hỗ trợ toàn bộ nguồn thóc giống, một phần phân bón lót và bón thúc xây dựng 2 mô hình cấy lúa hàng hóa gồm: 10 ha lúa D68 tại xã Tây Phong (Tiền Hải) và 50 ha lúa DS1 tại xã Thái Sơn (Thái Thụy) và thu mua sản phẩm cho nông dân. Quá trình sản xuất, nông dân được cán bộ kỹ thuật xuống tận ruộng tập huấn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên lúa cấy ở cả 2 mô hình đều sinh trưởng tốt, đến thời điểm này đã cho thu hoạch, đạt năng suất cao. Anh Bùi Công Thoán, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thái Sơn cho biết: “Toàn xã có 230 hộ nông dân cấy lúa DS1 cung ứng sản phẩm cho Công ty TNHH Hưng Cúc.

 Khi xã viên tham gia mô hình không chỉ được hỗ trợ vật tư đầu vào, quan trọng hơn là thóc thu hoạch về đến đâu Công ty cân tươi ngay đến đó với giá bằng giá thóc Q5 đã phơi khô bán trên thị trường nên tiết kiệm công, chi phí sản xuất, không bị tư thương ép giá. Năng suất trung bình  đạt từ 2,8 đến 3 tạ/sào, dự kiến vụ này HTX sẽ bán cho doanh nghiệp khoảng 200 tấn thóc DS1. Nông dân ai cũng phấn khởi, vụ xuân năm 2014 chúng tôi sẽ xây dựng cánh đồng mẫu mở rộng diện tích cấy 100 ha giống lúa này để cung ứng cho doanh nghiệp”.

Ngoài thu gom nguyên liệu từ các đại lý, đến thời điểm này Công ty TNHH Hưng Cúc đã liên kết với 40 HTX dịch vụ nông nghiệp thu mua thóc cho xã viên. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp mua của nông dân Thái Bình từ 21.000 đến 25.000 tấn thóc các loại. Do chú trọng chọn giống, nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất, kết hợp đầu tư máy móc thiết bị hiện đại khi chế biến, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm quảng bá giới thiệu sản phẩm nên gạo chế biến của doanh nghiệp được nhiều bạn hàng ở trong và ngoài nước tìm đến ký hợp đồng thu mua.

Gạo của Hưng Cúc đã được tiêu thụ nhiều ở các cửa hàng, siêu thị lớn ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và xuất sang Trung Quốc. Doanh nghiệp đã tạo việc làm cho 130 lao động với mức lương bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng, chưa kể hàng trăm lao động vệ tinh thu gom thóc của các đại lý. Để tăng năng lực sản xuất, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng và đi vào vận hành Nhà máy xay xát chế biến lương thực và nông sản công suất 100.000 tấn/năm tại Cụm công nghiệp Xuân Quang (xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng).

Đặc biệt, vừa qua Công ty TNHH Hưng Cúc đã được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Theo ông Hưng: “Đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn. Vì vậy, thời gian tới ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, chúng tôi mong muốn tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ, quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, định hướng cho nông dân sản xuất những gì nhu cầu thị trường cần, tạo điều kiện để Công ty thu mua được nguồn nguyên liệu có chất lượng phục vụ cho chế biến xuất khẩu nhưng đồng thời giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định ngay trên chính mảnh ruộng của mình”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa