Thứ 6, 15/11/2024, 11:32[GMT+7]

Hội Nông dân xã An Mỹ Ðồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

Thứ 2, 21/10/2013 | 09:52:19
1,259 lượt xem
Những năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng của Hội Nông dân xã An Mỹ (Quỳnh Phụ) ngày càng có sức lan tỏa, thu hút nhiều hội viên tham gia. Nhiều mô hình, cách làm hay đã giúp hội viên từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Hội viên Hội nông dân xã An Mỹ chăm sóc cây vụ đông.

Hiện, số hội viên của Hội Nông dân chiếm gần 71% tổng số hộ nông nghiệp trong toàn xã, với gần 1.600 hội viên. Xác định sản xuất nông nghiệp vẫn là thế mạnh của địa phương nên trong các phong trào, hoạt động, Hội luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên từng bước xóa bỏ giống lúa dài ngày chuyển sang gieo cấy giống ngắn ngày, sớm tạo quỹ đất trồng cây vụ đông. Ngay sau khi Ðảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi cơ cấu giống lúa, với mục tiêu từng bước loại bỏ dần các giống dài ngày, Hội Nông dân xã đã tích cực tham gia trong Ban chỉ đạo; chủ động tuyên truyền, vận động các hộ gia đình là cán bộ, hội viên gương mẫu thực hiện nghị quyết cũng như đề án sản xuất của UBND xã.

 

Nếu như năm 2004, gần 20% hội viên tham gia cấy lúa ngắn ngày, thì năm 2005 là 40% và từ năm 2007 đến nay 100% hội viên cấy lúa xuân ngắn ngày, góp phần đưa An Mỹ là một trong những xã đầu tiên ở Quỳnh Phụ chính thức loại bỏ hoàn toàn nhóm giống dài ngày trong cả hai vụ sản xuất, chuyển sang cấy 100% diện tích bằng các giống lúa ngắn ngày, trong đó riêng giống BC15 thường xuyên chiếm từ 90 - 97% diện tích. Ðây là một trong những giống lúa giúp nhiều hội viên nông dân An Mỹ làm giàu hiệu quả. Bởi, từ nhiều năm nay, gần 100 ha cấy giống BC15 đã được Công ty Giống cây trồng Thái Bình thu mua làm thóc giống, với giá chênh lệch so với thị trường từ 25 - 30%.

 

Ðể hội viên yên tâm gắn bó với đồng ruộng, hàng năm, Hội thường xuyên phối hợp với 2 hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa, rau màu… cho hội viên. 5 năm qua, Hội đã tổ chức 18 lớp tập huấn, thu hút gần 2.000 lượt hội viên. Ngoài ra, Hội còn đứng ra làm dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp với số lượng từ 60 - 70 tấn phân bón/năm.

 

Có mặt trên cánh đồng thôn Tô Hải khi mặt trời đã xế bóng nhưng bà con ai nấy vẫn đang rất tất bật với công việc đồng áng. Chị Ðặng Thị Thu cho biết: “Vụ mùa này, nông dân chúng tôi chẳng ai ngờ lúa lại được mùa lớn như vậy. Bởi, chỉ cách đây chưa lâu, sâu cuốn lá nhỏ bùng phát mạnh với mật độ từ 100 - 200 con/m2, nhiều nơi 500 - 700 con/m2. Vậy mà, với sự chỉ đạo tích cực, thường xuyên của HTX dịch vụ nông nghiệp, các hội đoàn thể, nhất là Hội Nông dân trong việc tuyên truyền bà con thường xuyên thăm đồng, phun thuốc phòng trừ đúng cách, đúng liều lượng nên đã dập được dịch sâu cuốn lá. Gia đình tôi cấy 8 sào, 100% giống lúa BC15, năng suất đạt từ 2,2 tạ - 2,5 tạ/sào. Hơn nữa, 3 sào BC15 của gia đình tôi nằm trong vùng sản xuất giống cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình nên giá bán cao hơn thị trường, nhờ vậy mà tôi luôn yên tâm gắn bó với đồng ruộng”.

 

Cách đó vài thửa ruộng, bác Trần Văn Huân, hội viên nông dân thôn Tô Hải đang nhanh tay trồng những bầu bí cuối cùng chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, nông dân xã chúng tôi đã coi vụ đông là vụ sản xuất chính trong năm, với các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, như: dưa, bí, ớt, rau quả các loại. Vụ đông năm nào gia đình tôi cũng trồng khoảng 6 sào, trong đó 4 sào bí, còn lại là ớt”.

 

Với phương châm giúp hội viên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Hội Nông dân xã luôn quan tâm tạo nguồn vốn giúp hội viên đầu tư phát triển sản xuất. Hội đã chủ động phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện tín chấp cho trên 700 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra, các chi hội gây quỹ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lấy lãi với số tiền hàng trăm triệu đồng, 11 tấn thóc… Hầu hết, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả. Toàn Hội có 13 mô hình chuyển đổi từ cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy  sản, cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần cấy lúa; gần 10 mô hình chăn nuôi lợn, dế và hàng chục hội viên phát triển thương mại, dịch vụ  tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

 

Cùng với các địa phương, những năm qua, nông dân xã An Mỹ đang tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, nhất là nỗ lực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Trong thời gian tới, huyện Quỳnh Phụ cũng như xã An Mỹ cần có chính sách khuyến khích, khen thưởng kịp thời để động viên nhân dân, tạo động lực cho phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển, nhất là từng bước mở rộng mô hình cánh đồng mẫu.

Bài, ảnh: Đức Dũng

  • Từ khóa