Thứ 6, 15/11/2024, 11:18[GMT+7]

Sôi động nghề mộc làng vế

Thứ 3, 05/11/2013 | 08:45:16
9,126 lượt xem
Người đời vẫn truyền nhau câu ca: “Làm đình Cao Đà/Làm nhà Vế, Diệc”. Nếu như cánh thợ làng mộc thôn Diệc, xã Tân Hòa (Hưng Hà) chuyên đi dựng đình, chùa, nhà cổ thì cánh thợ làng Vế, xã Canh Tân (Hưng Hà) lại là những người thợ chuyên làm đồ dân dụng như bàn, ghế, tủ, sập... Đồ gỗ của làng Vế hiện có mặt khắp thị trường trong Nam ngoài Bắc và được nhiều người ưa chuộng.

Phụ nữ làng Vế tích cực tham gia một số công đoạn của nghề mộc.

Những tháng cuối năm, cả thôn Vế thêm phần nhộn nhịp hơn bởi nhu cầu mua sắm đồ gỗ dân dụng tăng cao. Nhất là các mặt hàng như giường, tủ, bàn, ghế… Ông Nguyễn Văn Bằng, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Thanh Bằng cho biết: Thôn Vế làm mộc dễ chừng cũng ngót 300 năm nay. Trước đây các gia đình làm với quy mô nhỏ, chủ yếu bán trong huyện. Từ khi cơ chế mở cửa, nhiều xưởng gỗ mua sắm máy móc về sản xuất nên quy mô mở rộng, có thời điểm 3/4 hộ gia đình trong làng làm gỗ.

Trên trục tỉnh lộ 226 chạy qua thôn Vế tới trung tâm xã có rất nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ dân dụng, gỗ mỹ nghệ. Ông Trần Văn Thuật, Chủ tịch UBND xã Canh Tân hồ hởi nói: Năm  2005, làng Vế vinh dự được công nhận là làng nghề. Làm mộc giờ đỡ vất vả hơn vì đường rộng rãi, máy móc thay thế sức người. Đến nay có gần 600 hộ gia đình trong thôn làm nghề mộc, chiếm 78% số hộ của thôn, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động trong xã và các địa phương lân cận như: Liên Hiệp, Tân Hòa, Thị trấn Hưng Nhân…

Những tháng cuối năm, để kịp hàng xuất đi các tỉnh, nhiều chủ xưởng gỗ phải khoán sản phẩm cho các tổ sản xuất trong xã Canh Tân và các xã lân cận để gia công sản phẩm. Cả xã như một xưởng sản xuất khép kín, mỗi tổ nhận gỗ từ xưởng về chế biến, sau đó tổ khác lắp ráp, mài bóng, phun sơn… Những năm trở lại đây, thu nhập chính của người dân thôn Vế nói riêng và của xã Canh Tân nói chung chủ yếu từ nghề, chiếm 61% giá trị sản xuất. Trong khi đó giá trị sản xuất từ nông nghiệp chỉ chiếm 20%, còn lại 19% từ dịch vụ. Xã Canh Tân xác định duy trì và phát triển nghề mộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đưa Canh Tân trở thành xã nghề năm 2015.

Nếu như trước đây, hoạt động sản xuất gỗ tại thôn Vế diễn ra manh mún, nhỏ lẻ với mẫu mã, chủng loại sản phẩm đơn giản thì nay nghề mộc ở thôn Vế phát triển theo chiều sâu. Người thợ mộc đã có sự chuyên môn hóa sản xuất, họ biết sử dụng máy móc hiện đại để sản xuất nhiều chủng loại mặt hàng. Ông Trần Văn Thuật, Chủ tịch UBND xã Canh Tân chia sẻ: Nếu biết đầu tư đúng, nắm bắt thị trường tiêu thụ thì các sản phẩm gỗ dân dụng, thủ công mỹ nghệ ở thôn Vế luôn có đầu ra ổn định. Đã có nhiều tỷ phú gỗ trong xã khi tuổi đời còn rất trẻ. Bên cạnh việc khuyến khích các cơ sở mộc đưa các mẫu mã mới vào sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, mở các trung tâm giới thiệu sản phẩm thì việc xử lý môi trường làng nghề, an toàn vệ sinh lao động luôn được xã quan tâm.

Bên cạnh đó, để các hộ kinh doanh gỗ có điều kiện và môi trường hoạt động thuận lợi, chính quyền địa phương đã dành 8,5 ha đất tạo mặt bằng giúp các cơ sở mở rộng nhà xưởng. Thu nhập của cánh thợ mộc khá ổn định, tùy từng công đoạn sản xuất mà thu nhập khác nhau. Với những người chủ yếu đánh bóng, phun sơn cũng có mức thu nhập từ 80.000 – 120.000 đồng/ngày. Những thợ trực tiếp sản xuất theo cơ chế khoán sản phẩm trung bình có thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Mức thu nhập bình quân của người dân toàn xã là 24 triệu đồng/người/năm.

Để có được những kết quả trên chính là nhờ sự mạnh dạn đầu tư, đổi mới kỹ thuật, hiện đại hóa làng nghề của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ gia dụng, mỹ nghệ trên địa bàn xã.

Tất Đạt

  • Từ khóa