Thứ 4, 16/04/2025, 14:55[GMT+7]

Hội Nông dân huyện Thái Thụy: Đồng hành với hội viên

Thứ 4, 16/04/2025 | 08:50:45
514 lượt xem
Xác định nguồn vốn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân huyện Thái Thụy đã tạo điều kiện giúp hội viên tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, qua đó phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

Hội Nông dân huyện Thái Thụy có hơn 15.000 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Nâng cao thu nhập cho hội viên 

Năm 2018, ngoài số vốn tích lũy hơn 200 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Phướn, thôn Vũ Đông, xã Thụy Xuân được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay gần 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư mô hình ương nuôi tôm, cua giống. Ban đầu bà chỉ sử dụng 2 ao phục vụ nhu cầu con giống cho gia đình. Sau một thời gian ương nuôi, con giống phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp, hiệu quả nuôi thương phẩm cao, bà mạnh dạn đầu tư thêm ao, mở rộng mô hình. Nhờ chăm chỉ tìm tòi, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, hiệu quả kinh tế từ mô hình ngày càng tăng. Hiện nay, trên diện tích hơn 6.000m2, bà Phướn quy hoạch 9 ao chuyên ương nuôi tôm, cua giống. Đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương, cuối tháng 3/2025 bà đã xuống giống hơn 30 vạn tôm, cua. Sau khoảng 20 - 30 ngày, cua đạt kích cỡ sẽ được xuất bán với giá từ 2.000 - 6.000 đồng/ con. Bà Phướn chia sẻ: Từ khi tập trung đầu tư vào nghề ương nuôi tôm, cua giống, gia đình tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp hội nông dân. Vốn tích lũy của gia đình chủ yếu dành để xây dựng, cải tạo ao nuôi còn vốn vay ngân hàng được dùng mua con giống. Bên cạnh đó, tôi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, tiếp cận kiến thức về tiêu chuẩn ao nuôi, xử lý ao trước khi thả giống, kỹ thuật thả giống, phòng bệnh và thời điểm thu hoạch... Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, tổng doanh thu hàng năm đạt trên 1 tỷ đồng. 

Tại xã Thụy Liên, ông Bùi Văn Vương, thôn Cam Hòa được nhiều người biết đến bởi sự năng động, sáng tạo, chăm chỉ lao động, sản xuất, làm giàu từ mô hình nuôi cá lóc bông. Ông tâm sự: Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá cộng với học hỏi kinh nghiệm từ mô hình nuôi cá lóc bông thành công ở địa phương, đầu năm 2018, tận dụng diện tích đất trũng của gia đình, tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng cải tạo, quy hoạch 3 ao bán nổi nuôi cá lóc bông. Nhận thấy sử dụng các loại cá tạp tươi sống để làm thức ăn cho cá theo phương thức truyền thống sẽ gặp khó khăn do nguồn thức ăn bị thiếu hụt và không ổn định về chất lượng, tôi đã sử dụng thức ăn công nghiệp nuôi cá. Tuy nhiên, vốn đầu tư quá lớn, trong 1 năm nuôi thả tôi phải đầu tư hơn 700 triệu đồng tiền giống, thức ăn. Được Hội Nông dân xã hỗ trợ vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đã đầu tư mua con giống. Năm 2024, tôi xuất bán hơn 20 tấn cá lóc bông, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. 

Ông Lê Văn Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Liên chia sẻ: Xã có 15ha chuyển đổi từ cấy lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hơn 200 hội viên với số tiền trên 14 tỷ đồng. Tất cả các tổ tiết kiệm và vay vốn đều duy trì tăng trưởng và quản lý tốt nguồn vốn, thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác. 

Tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn vay

Hội Nông dân huyện Thái Thụy hiện có hơn 38.000 hội viên, chiếm 68% tổng số hộ nông dân toàn huyện. Nhằm khích lệ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững, các cấp hội đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức tín dụng, tranh thủ nhiều nguồn vốn hỗ trợ. Tính đến nay, tổng nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp do huyện quản lý đạt hơn 4,8 tỷ đồng, cho 105 hộ vay. Hội còn phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện tạo điều kiện cho hơn 8.700 hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 630 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hội viên có điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Vân Khánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, năm 2024, toàn huyện có hơn 15.000 hội viên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Tuy nhiên, chất lượng phong trào chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn; hoạt động vay vốn sản xuất, kinh doanh ở một số nơi vẫn còn hạn chế. Để tiếp tục đồng hành cùng hội viên, Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát động và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi; hỗ trợ hội viên quảng bá, tiêu thụ nông sản; tăng cường công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức, hướng dẫn hội viên tạo tài khoản và tiếp cận với sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn, giúp hội viên chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quỹ hỗ trợ nông dân được duy trì và phát triển gắn với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Nguyễn Thắm