Thứ 6, 15/11/2024, 10:57[GMT+7]

Toàn tỉnh trên 70% diện tích cây vụ đông bị thiệt hại do bão số 14

Thứ 2, 11/11/2013 | 18:51:57
2,000 lượt xem
Do ảnh hưởng của bão số 14 (Haiyan), vào lúc 1 giờ sáng ngày 11/11, tại Thái Bình có gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10; lượng mưa trung bình trong tỉnh là 50 mm. Theo báo cáo ban đầu của các ngành, huyện, thành phố không có thiệt hại về người do bão gây ra, nhưng đã gây thiệt hại trên 70% diện tích cây màu vụ đông và làm sạt lở một số vị trí đê, kè.

Nông dân xã Vũ Phúc (Thành phố Thái Bình) dựng lại diện tích ngô bị đổ sau bão. Ảnh: Thành Tâm

Nhận định đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh và diễn biến rất phức tạp, Ban chỉ huy PCLB tỉnh đã triển khai cấp bách nhiều nhiệm vụ quan trọng để ứng phó, do đó đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Trước bão, 1.202 tàu, thuyền, với 3.461 lao động đánh bắt ven biển Thái Bình và tỉnh ngoài đã được các ngành chức năng kêu gọi, tổ chức vào nơi neo đậu an toàn. Đồng thời, di dời 3.914 lao động ở trên 3.252 chòi canh ngao, nuôi trồng thủy, hải sản và 3.323 người dân sinh sống ngoài đê chính, trong các nhà xung yếu vào nơi tránh trú chắc chắn, an toàn.

 

Bên cạnh đó, việc triển khai chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện… được thực hiện khá nghiêm túc nên không xảy ra sập nhà, tốc mái. Toàn bộ hệ thống trục tiêu, nước đệm nội đồng được rút kiệt, do đó không có địa phương nào xảy ra ngập úng cây màu vụ đông. Mặc dù bão số 14 di chuyển nhanh, phức tạp, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên việc chuẩn bị được thực hiện rất khẩn trương, sẵn sàng ứng phó ở mức cao nhất.

 

Nông dân xã Tân Hòa (Vũ Thư) khơi rãnh thoát nước cho diện tích khoai tây mới xuống giống. Ảnh: Ngọc Trâm

 

Tuy nhiên, bão số 14 đã gây sự cố mất điện 67/99 lộ dây trung thế, làm vỡ nhiều quả sứ, nổ chì và đứt dây điện… gây mất điện tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh; trong đó các huyện ven biển: Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương xảy ra nhiều sự cố nhất. Ngay sau khi ngớt gió, Công ty Điện lực Thái Bình đã khẩn trương tổ chức kiểm tra, xử lý sự cố trên cơ sở bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người, thiết bị; ưu tiên những đường dây cấp điện cho các trạm bơm chống úng; các cơ quan, đơn vị quan trọng của tỉnh và các huyện, thành phố.

 

Đến 13 giờ ngày 11/11 đã khôi phục đóng điện 63/67 đường dây bị sự cố đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Còn 4 đường dây bị sự cố, dự kiến sẽ khôi phục xong trong ngày 11/11. Đối với lưới điện hạ áp nông thôn, hầu hết các huyện, thành phố đã đóng điện, tuy nhiên tại một số xã bị sự cố do cành cây và các vật thể khác bay vào, Công ty Điện lực Thái Bình đang khẩn trương tổ chức khắc phục ngay để cấp điện lại cho nhân dân. Đến 17 giờ ngày 11/11 Công ty Điện lực Thái Bình đã khôi phục lại toàn bộ đường dây hạ thế.

 

Công nhân Điện lực Thái Thụy khắc phục sự cố lưới điện sau bão tại Trạm biến áp xã Thụy Dương. Ảnh: Đức Dũng

 

Bão số 14 cũng đã gây sạt lở một số vị trí đê, kè, một số diện tích cây vụ đông bị dập nát. Đó là đê Nam Hải từ K1+00 - K1+900 (cửa sông Hồng), kè Vũ Lăng từ K3+500 - K3+690 (cửa sông Trà Lý)… thuộc huyện Tiền Hải; kè Thái Phúc từ K46+350 - K46+500 (đê tả Trà Lý), đê Thụy Dũng (cửa sông Hóa)… thuộc huyện Thái Thụy. Đối với cây màu vụ đông, toàn tỉnh đã trồng được 34.126 ha, bão đã gây thiệt hại trên 70% diện tích.

 

Mức độ thiệt hại ở từng loại cây trồng đang được các địa phương phân loại đánh giá, trong đó xác định những diện tích có khả năng phục hồi và diện tích hỏng hoàn toàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, một số diện tích đầm nuôi cá, tôm, cua phía ngoài đê biển bị ngập, sạt lở, hư hỏng bờ bao. Đối với thông tin liên lạc, có 2 cột viễn thông tại xã An Mỹ bị đổ và tuyến cáp quang từ Thị trấn Quỳnh Côi đến Thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) bị đứt.

Nguyên Bình - Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa