Thứ 6, 15/11/2024, 11:03[GMT+7]

Làm giàu từ trồng gấc lai cao sản

Thứ 2, 18/11/2013 | 14:24:00
12,865 lượt xem
Nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa cây trồng mới hiệu quả cao vào thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình hội viên, từ năm 2011 Hội Phụ nữ xã Hợp Tiến (Đông Hưng) đã phối hợp với Công ty cổ phần Đông Tây (Hà Nội) triển khai mô hình trồng gấc lai cao sản tại 74 hộ. Đến nay, các hộ đang thu hoạch vụ quả thứ hai. Phần lớn các hộ đều khẳng định trồng gấc không chỉ tận dụng được đất vườn mà còn đem lại giá trị kinh tế không nhỏ.

Giàn gấc nhà bà Trịnh Thị Tuyết, thôn Ái Quốc, xã Hợp Tiến (Đông Hưng).

Giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, hầu như gia đình nào ở xã Hợp Tiến cũng có vườn, ao nhưng nhiều gia đình chưa biết tận dụng vào việc nuôi trồng cây, con có giá trị kinh tế cao phục vụ sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập mà chủ yếu trồng một số loại cây để tự cung, tự cấp. Vì thế thu nhập bình quân đầu người còn thấp, từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng (chủ yếu từ làm nghề may, thợ xây, cấy lúa, trồng cây vụ đông). Trong khi đó cây gấc là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, bắt đầu có vị thế đặc biệt, đang trở thành cây xóa nghèo của nhiều gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương. Vì thế, Hội Phụ nữ xã Hợp Tiến đã phối hợp với Công ty cổ phần Đông Tây đưa mô hình trồng gấc lai cao sản về địa phương.

Chị Nguyễn Thị Là, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hợp Tiến cho biết: Các hộ tham gia mô hình được Công ty hỗ trợ 50% tiền giống, được tập huấn chuyển giao kỹ thuật và được bao tiêu sản phẩm với giá 4.000 đồng/kg. Trước khi đưa cây giống về, Hội Phụ nữ xã kết hợp với Công ty cổ phần Đông Tây tổ chức một lớp chuyển giao KHKT trồng gấc lai cao sản trong 2 ngày cho 170 hội viên phụ nữ và nhân dân trong xã. Sau trồng, hàng tháng Công ty đều cử người về xã xuống tận hộ kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây, theo dõi sâu bệnh, hướng dẫn bà con phun thuốc phòng trừ. Chỉ sau 10 tháng cây gấc đã đơm hoa kết trái. Gấc chín, Công ty về tận nơi thu mua theo đúng hợp đồng khiến bà con vô cùng phấn khởi, có hộ thu lứa đầu đã được 3 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Nguyệt, thôn Tân Hòa nhận 35 cây giống về trồng thành 9 khóm trong đó có một số cây đực không cho quả, sau thu hoạch lứa đầu chị đào tận gốc để bỏ đi. Chị cho hay: Vườn nhà trước đây chỉ trồng mấy khóm chuối không cho thu nhập, được Hội Phụ nữ xã triển khai mô hình trồng gấc lai cao sản đã nhận về tận dụng đất ở mé ao, bờ đê, đất vườn để trồng. Các năm trước, khi cây gấc chưa kịp leo giàn, chị tận dụng giàn trồng cây có thời gian sinh trưởng ngắn như: mướp, bí đao, bên dưới trồng rau đay, mồng tơi, bí đỏ, gừng, thu nhập hàng triệu đồng. Năm nay, chị tận dụng bóng râm nuôi hàng trăm con gà và vịt đẻ. Chị phấn khởi: “Lứa gấc đầu thu 2 tạ quả, bán được 800.000 đồng. Năm nay quả sai hơn, mới đầu vụ đã hái được 80 kg, bán giá 5.000 - 5.500 đồng/kg, nếu thu hết cũng được hơn một tấn quả”.

Trên đường chúng tôi từ nhà chị Nguyệt đến nhà bà Trịnh Thị Tuyết, thôn Ái Quốc hầu như trên bờ tường, bờ dậu, mé ngòi, bờ ao, góc vườn, trước hiên nhà nào cũng có giàn gấc, quả sai trĩu trịt đung đưa trước gió, hứa hẹn một vụ gấc bội thu, đến đâu cũng thấy bà con nói về gấc. Vào đến cổng nhà bà Tuyết một giàn gấc có tới gần 100 quả, quả nào cũng dài, to, nặng chừng 2 - 3,5 kg che kín một khoảng sân. Cũng là một trong những gia đình trồng nhiều gấc lai cao sản, bà Nguyễn Thị Xuân, thôn Tân Hòa nhấn mạnh: Trồng gấc tận dụng được đất vườn, ít phải tưới tắm, chăm sóc, nếu thấy sâu ăn lá thì phun thuốc, chú ý cắt dây vào tháng 2 âm lịch để lứa sau cây ra quả vào dịp cuối năm bán được giá hơn, cả một vụ chỉ phải bón phân, tưới đạm một lần lúc cây bắt đầu ra hoa kết trái. Bão gió không bị ảnh hưởng vì giàn gấc thấp (1,5 - 1,8 m).

Mô hình trồng gấc lai cao sản ở Hợp Tiến (Đông Hưng) đã giúp nhiều gia đình chị em tận dụng đất vườn tạp, đất hoang hóa phục vụ mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để có thể phát triển việc trồng gấc lai cao sản theo hướng sản xuất hàng hóa, Công ty cổ phần Đông Tây cần bảo đảm lâu dài về thị trường tiêu thụ để tạo sự ổn định về đầu ra cho bà con trồng gấc.

Thu Hiền

  • Từ khóa