Thứ 6, 15/11/2024, 10:56[GMT+7]

Nông dân Vũ Đông Gắn bó với nghề trồng rau gia vị

Thứ 3, 19/11/2013 | 08:31:09
3,572 lượt xem
Với truyền thống thâm canh cây rau màu, những năm qua, nông dân xã Vũ Đông (Thành phố Thái Bình) đã khai thác tối đa diện tích đất ruộng, đất vườn, đất ven sông Trà Lý để trồng rau nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Người dân thôn Nguyễn Trãi, xã Vũ Đông thu hoạch rau gia vị.

Những diện tích đất vườn, đất ruộng, ven sông được các hộ dân trong xã trồng các loại rau gia vị như húng, mùi tàu, kinh giới… và các loại rau ngắn ngày như: xà lách, rau diếp, rau cải… Đó là những loại cây rất dễ trồng, nhất là các loại cây gia vị, chi phí đầu tư sản xuất thấp, cho thu nhập cao. Vùng đất bãi ven sông, các hộ dân gieo trồng luân canh 5 - 6 vụ rau màu/năm.

Trong các loại cây gia vị,  húng đang được trồng nhiều hơn cả và là cây làm giàu của bà con nông dân trong xã. Rau húng Vũ Đông có thân tròn, được trồng thành từng khóm, lá nhỏ, mặt lá màu xanh thẫm, cuống lá, gân lá và thân cây có màu tím, mép lá có răng cưa hơi thưa. Khi ăn thấy lúc đầu có vị hơi cay, sau đó dậy mùi thơm man mát lan tỏa rất dễ chịu.

Theo sự chỉ dẫn của người dân trong xã, chúng tôi ghé qua khu đất bãi trồng rau. Mặc dù thời tiết âm u, có mưa phùn lất phất nhưng người dân vẫn ra đồng  làm cỏ, cắt rau để chuẩn bị cho phiên chợ hôm sau. Anh Hà Văn Nguyên, thôn Nguyễn Huệ là hộ có diện tích trồng rau nhiều nhất thôn. Ngừng xén rau, anh cho chúng tôi biết: Vợ chồng anh ngày nào cũng có mặt ở đồng, vào những ngày thu hoạch rau phải đi từ rất sớm và khi trời tối mới về nhà. Rau mang về  đến nhà còn phải phân loại, xếp vào từng sọt. Rồi hai vợ chồng dậy từ sớm, chuẩn bị xe để chở rau ra chợ bán.

Trồng rau hay buôn rau đều vất vả nhưng nhờ đó mọi người cũng có đồng ra đồng vào. Ngoài ruộng của gia đình, anh Nguyên còn mượn của bà con trong thôn để trồng hơn 5 sào rau. Khi được hỏi về bí quyết trồng và chăm sóc rau của gia đình, vợ anh Nguyên chia sẻ kinh nghiệm: Trồng rau cần dọn cỏ thường xuyên. Với đặc tính các loại rau gia vị dễ bị các loài sâu ăn lá tấn công gây hại, do đó ngay từ khi cây rau bắt đầu phát triển lá nên theo dõi tình hình sâu bệnh để kịp thời phòng trị.

Chính nhờ biết tận dụng quỹ đất, lách thời vụ, nên ngày nào gia đình anh Nguyên cũng có rau để bán. Mỗi luống thường cho thu hoạch trên 10 kg, giá bán giao động  từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Cũng nhờ trồng rau mà cuộc sống của gia đình anh chị được cải thiện, thu nhập hàng năm tăng lên đáng kể.

Còn bác Hà Thị Phượng, thôn Nguyễn Trãi có gần 3 sào đất vườn và đất bãi trồng húng. Bác Phượng cho biết: Để rau húng non, to ngọn và năng suất cao thì đất phải được làm thật kỹ, tơi xốp, san bằng, làm sạch cỏ và chủ động được nguồn nước tưới. Khi trồng lứa rau mới nên dọn sạch cỏ dại, khử nguồn sâu bệnh gây hại. Rau giống, có thể tận dụng những luống rau vừa phá đi, chọn những nhánh húng vẫn còn to ngọn, nhiều nhánh để trồng theo hàng, mỗi hàng cách nhau khoảng 5 - 10 cm. Rau húng là loại phát triển rất nhanh, từ khi trồng đến lúc thu hoạch lứa đầu chỉ khoảng hơn 20 ngày, sau 10 - 15 ngày lại được hái lứa tiếp theo và được trồng quanh năm. Sau khi thu hoạch được 1 - 2 lượt nên mồi thêm đất cho cây húng lên nhanh và đều hơn.

Do có kinh nghiệm trồng rau hơn chục năm nay nên cánh đồng rau của xã Vũ Đông luôn xanh tốt, nhưng rau ở Vũ Đông chưa có thương lái đến mua tận nhà vì vậy người dân phải mang đến chợ Bồ Xuyên (Thành phố Thái Bình) để bán. Bác Phượng tâm sự: Không đi được xe máy, hàng ngày bác vẫn phải đi chợ bằng xe đạp, dù mùa hè hay mùa đông, ngày nào cũng vậy cứ 1 giờ sáng ở các ngõ xóm lại sáng ánh đèn, mọi người í ới gọi nhau đi chợ. Những ngày rau được giá khi bán hết bác trở về  nhà cũng tầm 3 giờ sáng, còn nếu ế hàng thì phải ngồi chợ bán hết rau mới về. Hiện nay, rau Vũ Đông chủ yếu tiêu thụ tại các chợ đầu mối, sau đó các thương lái đem đi tiêu thụ ở Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội...

Từ nghề trồng rau, đời sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao. Với mong muốn để nghề trồng rau màu ở Vũ Đông phát triển bền vững, địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh rau cho các hộ nông dân, đưa các loại rau, củ, quả mới, có chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt vào sản xuất; từng bước hình thành các vùng chuyên canh trồng rau an toàn đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Vũ Hảo

  • Từ khóa