Thứ 6, 15/11/2024, 10:40[GMT+7]

Tiền Hải Nỗ lực giúp người trồng lúa thoát nghèo

Thứ 5, 21/11/2013 | 08:35:22
1,430 lượt xem
Với diện tích cấy lúa đạt gần 11.000 ha, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nên năng suất lúa của Tiền Hải luôn đạt mức trên 13 tấn/ha/năm, trở thành một trong những huyện có năng suất lúa cao của tỉnh. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cho Tiền Hải là làm thế nào để người trồng lúa (hiện đang chiếm 70% số lao động) thoát nghèo?

Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, nông dân Tiền Hải mạnh dạn đầu tư máy gặt nâng cao hiệu quả thu hoạch lúa.

Những năm qua, tuy thời tiết diễn biến phức tạp, là huyện ven biển chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, dịch bệnh thường xuyên bùng phát, nhưng sản xuất lúa của Tiền Hải luôn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Với diện tích cấy lúa đạt gần 11.000 ha, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nên năng suất lúa của Tiền Hải luôn đạt mức trên 13 tấn/ha/năm, trở thành một trong những huyện có năng suất lúa cao của tỉnh. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cho Tiền Hải là làm thế nào để người trồng lúa (hiện đang chiếm 70% số lao động) thoát nghèo?

Có thể nhận thấy rõ rệt, nông nghiệp của Tiền Hải dần chuyển sang xu hướng sản xuất hàng hóa và huyện đã có nhiều giải pháp, chính sách tích cực hỗ trợ nông dân trồng lúa. Tiền Hải có 4 nhóm đất chính: đất cát, đất cát pha, nhóm đất phù sa được bồi hàng năm, nhóm đất phèn mặn, yêu cầu cần có một bộ giống lúa phong phú, thích hợp với từng chân đất để bảo đảm năng suất và chất lượng.

Phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Tiền Hải đã tuyển chọn được bộ cơ cấu giống lúa mới thay thế dần những giống lúa cũ, bao gồm bộ giống lúa thuần chất lượng như DT68, DT69, QR1, QR2, JO2  và hai giống lúa lai ba dòng C. ưu đa hệ số 1 và Hương ưu 98. Nếu diện tích lúa chất lượng cao năm 2006 chỉ chiếm 28%, không tập trung theo vùng thì đến nay lúa chất lượng cao ở cả hai vụ đạt 50% diện tích và có 13 xã thực hiện gieo trồng trên cánh đồng mẫu, đặc biệt có những xã như Nam Thắng, Đông Quý, Tây Tiến quy hoạch được vùng sản xuất 100 ha trở lên.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Tiền Hải đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, làm giao thông, thủy lợi nội đồng, hình thành được các vùng sản xuất tập trung. Ngoài ra, Tiền Hải chỉ đạo các địa phương tích cực đưa máy móc vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho nông dân. Đến nay, toàn huyện đã có 140 máy làm đất đa năng (75 máy không thuộc diện hỗ trợ), 1.154 máy cày tay, 2 máy cấy, 3 máy phun thuốc trừ sâu, 153 máy gặt đập liên hợp và nhiều hộ đầu tư các phương tiện vận tải lớn tham gia vận chuyển tiêu thụ nông sản cho nông dân.

 

Hỗ trợ giống lúa và thuốc bảo vệ thực vật cho các xã của huyện Tiền Hải.

Thực hiện Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đến nay, sau 5 năm, chỉ tính riêng trồng trọt, Tiền Hải đầu tư hỗ trợ gần 31,5 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật ứng dụng đề tài khoa học, nhân rộng các mô hình sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao. Các ứng dụng khoa học được đưa vào sản xuất nông nghiệp như: Chế phẩm sinh học nấm xanh, nấm trắng diệt trừ rầy gây hại lúa, phòng trừ truyền virus lây lan bệnh lùn xoắn lá, lùn sọc đen...

Toàn huyện có 37 HTX DVNN được cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện hoạt động, cơ bản làm tốt các khâu phục vụ sản xuất nông nghiệp, số HTX hoạt động dịch vụ thỏa thuận có xu hướng tăng và liên kết giữa hợp tác xã với các tổ chức kinh tế khác theo hướng xây dựng mối quan hệ ổn định. Cùng với chọn bộ giống, huyện  triển khai mô hình 30 ha cấy lúa tại xã Vũ Lăng phục vụ xây dựng thương hiệu gạo Tiền Hải, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao giá trị thu nhập cho người nông dân.

Đặt mục tiêu hàng đầu sản xuất lúa bảo đảm an ninh lương thực, Tiền Hải đã có nhiều giải pháp căn cơ, đầu tư đồng bộ cho vùng cấy lúa. Song có một thực tế không thể phủ nhận, đó là đời sống của người trồng lúa vẫn chưa hết khó khăn. Thu nhập thấp, lao động ở nông thôn không tha thiết bám ruộng đồng và cùng với lý do ruộng trũng, nhiễm mặn, ô nhiễm... là nguyên nhân dẫn đến Tiền Hải có diện tích ruộng không cấy hơn 1.500 sào.

Qua thực tế khảo nghiệm mô hình tại xã Vũ Lăng, tổng chi cho 1 ha lúa thơm gồm giống lúa, phân bón các loại, cày bừa, thuốc trừ sâu, công lao động là 19.633.000 đồng. Với năng suất dự kiến đạt 57 tạ/ha, giá bán 8.000 đồng/kg, tổng thu 1 ha lúa thơm 45.600.000 đồng, phần lợi nhuận được 25.967.000 đồng. Tính bình quân một lao động có 1,2 sào, theo thu nhập của mô hình, trong 4 tháng người trồng lúa thu khoảng 11 triệu đồng, tương ứng 2,75 triệu đồng/tháng. Song đây chỉ là con số mô hình, thực tế người trồng lúa thu nhập ít hơn nhiều, hoặc dù có thể lãi trên 30%  nhưng do nông hộ nhỏ, diện tích nhỏ, sản lượng ít, nên thu lãi ít.

Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người dân, để họ được hưởng các điều kiện lao động sản xuất, sinh sống tốt hơn. Đến nay, so với năm 2008, thu nhập bình quân đầu người của Tiền Hải gấp 1,6 lần, nhưng số hộ nghèo vẫn cao, tỷ lệ gần 7,03%.  Không thể chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền người nông dân “hát bài ngợi ca cây lúa” mà cần phải có biện pháp để nâng cao thu nhập cho nông dân, chỉ có thế họ mới gắn bó với ruộng đồng, với nông thôn.

Muốn vậy, phải đầu tư thích đáng và đồng bộ cho vùng trồng lúa; tăng liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước), trong đó, chú trọng mô hình nông dân được tham gia cổ phần, cùng chịu trách nhiệm với sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng và được chia sẻ lợi nhuận hợp lý; áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững, sản phẩm lúa gạo sạch, chất lượng cao. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển chế biến lúa gạo thành các sản phẩm giá trị cao… Nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân bao gồm cả hoạt động quản lý kinh tế hộ, tiếp thị - quảng bá... Các chính sách hỗ trợ cũng nên giản tiện, chẳng hạn, hiện nay để lĩnh kinh phí hỗ trợ cho người trồng lúa, mức 9.000 đồng/sào, ngoài đơn của hộ trồng lúa, UBND xã phải làm 4 loại giấy tờ, UBND huyện 6 loại, rồi trình tự chi trả mới quay ngược trở lại...

Phan Lợi

  • Từ khóa