Thứ 6, 15/11/2024, 09:06[GMT+7]

Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững ở Quỳnh Giao

Thứ 6, 22/11/2013 | 08:41:45
1,430 lượt xem
Là một trong 10 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Quỳnh Phụ, Quỳnh Giao đang phấn đấu “cán đích” trước kế hoạch. Một trong những yếu tố tạo nên kết quả này là xã đã lựa chọn được hướng đi đúng, lấy phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại làm “đòn bẩy”, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Phát triển kinh tế VAC đem lại lợi nhuận cao cho người dân xã Quỳnh Giao(Quỳnh Phụ). Trong ảnh: Nông dân xã Quỳnh Giao chăm sóc đàn cá nuôi.

Xuất phát điểm là một xã thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, những năm  qua, cấp ủy, chính quyền xã Quỳnh Giao luôn trăn trở làm gì và làm như thế nào để cải thiện đời sống nhân dân. Với vùng bãi bồi ven sông Luộc trải rộng gần 3 km, đây không chỉ là cơ hội để người dân mở rộng diện tích trồng các loại cây màu mà còn là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình VAC.

Với lợi thế đó, năm 2001 nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn nhận thầu ven triền sông Luộc để phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Men theo con đường giữa bạt ngàn các loại cây rau màu như: ngô, dưa, bí, chúng tôi đến trang trại của vợ chồng anh Phạm Tiến Nhung. Nhâm nhi chén trà nóng, anh Nhung hồi tưởng lại những ngày đầu ra khu “đồng không mông quạnh” làm kinh tế cách đây hơn 10 năm: “Ngày ấy, cuộc sống gia đình tôi cũng như bao gia đình khác đều khó khăn, vất vả. Dù cả hai vợ chồng đều “đầu tắt mặt tối” với mong muốn có cái ăn, cái mặc và nuôi con nhưng cuộc sống vẫn mãi nghèo.

Năm 2001, khi xã có chủ trương cho người dân nhận thầu vùng bãi bồi ven sông Luộc để phát triển kinh tế trang trại theo mô hình VAC,  vợ chồng tôi đã thử sức mình với việc nhận thầu trên diện tích 3,7 ha”. Là hộ đầu tiên xây dựng trang trại của xã, anh Nhung không khỏi lo lắng, bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với quan điểm “không mạnh dạn không thể làm giàu”, những ngày đầu, anh chỉ nuôi vài trăm con vịt, đào 1 ao thả cá kết hợp với chăn nuôi vài chục con lợn thịt.

 

Trang trại của gia đình anh Phạm Tiến Nhung mỗi năm mang lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng.

Dần dần tích lũy được chút vốn cộng với nguồn vay từ ngân hàng, các tổ chức đoàn thể, vợ chồng anh bắt tay vào cải tạo, xây dựng mở rộng quy mô sản xuất. Suốt 3 năm dồn hết tâm sức đào ao thả cá kết hợp với nuôi vịt, xây dựng chuồng chăn nuôi lợn, trồng chuối, đất đã không phụ công người. Thành quả mang lại là nguồn thu nhập của gia đình ngày càng tăng, không chỉ thoát được nghèo, đủ tiền nuôi các con ăn học, anh chị còn mua sắm được các trang thiết bị hiện đại trong gia đình. Nhận thấy mô hình VAC mang lại hiệu quả cao, năm 2010, anh Nhung đã nhận thầu thêm gần 5 ha ngay liền kề trang trại của gia đình để đầu tư phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện, gia đình anh có gần 2.000 con vịt đẻ, trên 150 con lợn thịt, 4 ao cá diện tích trên 3 ha mỗi năm xuất bán ra thị trường trên 40 tấn cá thịt các loại. Lợi nhuận mỗi năm đạt từ 200 - 250 triệu đồng.

Ngoài ra, trang trại của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Nhung chia sẻ: “Chăn nuôi không phải lúc nào cũng thuận lợi, giá cả không ổn định, nhất là dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Nhưng mỗi lần thất bại lại là một lần tôi rút ra kinh nghiệm, vì vậy nhiều năm nay, đàn gia súc, gia cầm của gia đình không bị dịch bệnh”. Cũng với chí làm giàu như anh Nhung, anh Hoàng Hữu Thủy đầu tư đào ao thả cá kết hợp với nuôi trên 1.000 con vịt trên diện tích 5 ha; trong đó gần 3 ha thả các loại cá truyền thống, như: rô phi, trôi, chép, trắm. Mỗi năm cũng mang lại nguồn thu trên 150 triệu đồng.

Ông Nguyễn Quang Mô, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm gần đây, tỷ trọng chăn nuôi luôn chiếm trên 40% giá trị sản xuất nông nghiệp. Toàn xã có gần 70 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó 6 trang trại đạt chuẩn; hàng trăm hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ từ 5 - 10 con lợn, vài chục con gia cầm. Hầu hết các mô hình chăn nuôi đều được lắp đặt hệ thống bể khí bioga để xử lý ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn chất đốt. Tổng đàn lợn toàn xã có trên 2.000 con, đàn gia cầm 25.300 con.

Để người dân mở rộng chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, hàng năm, Ban chăn nuôi thú y và các đoàn thể thường xuyên phối hợp với Trạm Thú y huyện, Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình… tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho bà con nông dân; hỗ trợ tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm; đồng thời nghiêm túc thực hiện quy trình chăn nuôi, thú y và bảo vệ môi trường, từng bước giảm dần chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Quyết tâm của cấp ủy, chính quyền xã Quỳnh Giao đó là từng bước phát triển  chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa