Thứ 6, 15/11/2024, 08:59[GMT+7]

Hội Làm vườn huyện Kiến Xương Đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC

Thứ 2, 02/12/2013 | 09:36:20
2,262 lượt xem
Huyện Kiến Xương có đặc điểm nhiều sông ngòi, trong đó có hệ thống sông Trà Lý và sông Hồng chảy qua các xã phía nam và phía bắc huyện. Điều kiện tự nhiên đó đã mang lại cho huyện nhiều thuận lợi trong thâm canh cây lúa, hoa màu và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời có nhiều diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, có diện tích bãi bồi phù sa màu mỡ để phát triển các vườn cây trù phú.

Mô hình VAC của anh Bùi Minh Ngọc (xã Nam Bình, Kiến Xương) cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo đồng chí Phạm Thị Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân đồng thời là Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Kiến Xương, trong phát triển kinh tế VAC (vườn – ao – chuồng), kinh tế vườn ở Kiến Xương có bước phát triển khá mạnh và bền vững. Toàn huyện hiện có 528 ha vườn. Cách đây vài năm, còn nhiều vườn tạp thì đến nay hầu hết các vườn đã được cải tạo, đưa vào trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao như: hòe, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Thanh Hà, na dai, hồng không hạt, ổi, hoa, mây, gấc, quất cảnh…

Nhiều hộ hội viên các xã nội đồng mạnh dạn cải tạo vườn tạp, đồng thời chuyển đổi diện tích cấy lúa năng suất thấp đưa vào trồng các loại cây cảnh và cây ăn trái, cây nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công cho thu nhập cao. Hội làm vườn các xã duyên giang phát huy lợi thế đất màu mỡ, hệ thống tưới tiêu thuận lợi, vận động hội viên trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như chuối tiêu hồng, xoài, ổi Thái Lan, thanh long, cam ngọt, nhãn lồng Hương Chi như vườn ở các xã Bình Định, Quang Trung, Hồng Tiến, Bình Thanh, Quang Hưng… Tuy bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai bão lụt, song tính riêng năm 2012, giá trị thu nhập từ kinh tế vườn ở Kiến Xương đạt trên 43,6 tỷ đồng, chiếm 11% cơ cấu kinh tế ngành trồng trọt.

Cũng do đặc điểm địa hình, Kiến Xương có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với 935 ha, trong đó diện tích chuyển đổi nuôi trồng thủy sản tập trung tại các xã Bình Thanh, Hồng Tiến, Trà Giang là 235 ha. Phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế ao, hồ năm 2012, sản lượng nuôi trồng thủy sản ở Kiến Xương đạt 3.858 tấn, sản lượng khai thác đạt 1.358 tấn. Giá trị thu từ thủy sản đạt trên 45 tỷ đồng, chiếm 5% giá trị sản lượng ngành nông nghiệp.

Song song với phát triển kinh tế vườn, ao, lĩnh vực chăn nuôi những năm qua cũng được các cấp hội làm vườn chú trọng phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ở Kiến Xương, chăn nuôi đang phát triển theo hướng sản xuất tập trung, chăn nuôi nhỏ lẻ dần bị thu hẹp. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư tiền vốn xây dựng chuồng trại và mua con giống mới, nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi. Đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn sinh học, phát triển các gia trại, trang trại theo mô hình kinh tế VAC. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều hội viên phát triển kinh tế hiệu quả còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều hội viên khác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đến nay, Kiến Xương có 2556 trang trại và gia trại, trong đó có 88 trang trại quy mô lớn, 216 trang trại chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản. Tổng đàn gia súc gia cầm đạt 115.875.000 con, trong đó đàn trâu bò 5.485 con, đàn lợn có 133.265 con, còn lại là đàn gia cầm. Giá trị ngành chăn nuôi ở Kiến Xương chiếm 36%. Phong trào phát triển VAC những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh tế vườn có hiệu quả, cho thu nhập cao. Điển hình như hộ ông Trần Văn Lưỡng (thôn Tây Nghĩa, xã Quang Hưng) phát triển trang trại tổng hợp, nuôi thủy sản và cấy lúa với tổng diện tích 12 ha, cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Doãn Hạo (xã Vũ Trung) nuôi cá và ấp trứng kinh doanh con giống gia cầm, thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Ông Hoàng Hùng (thôn Trần Phú, xã Bình Định) trồng cây cảnh cho thu khoảng 100 triệu đồng/năm. Ông Đỗ Xuân Quý (thôn Bằng Trạch, xã An Bình) nuôi ba ba gai thương phẩm, cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/năm….

Các cấp hội làm vườn huyện Kiến Xương đã bám sát nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia hoạt động Hội và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Trong phát triển kinh tế, Hội đã phát huy tốt lợi thế, tiềm năng, cùng hội viên áp dụng hiệu quả mô hình phát triển kinh tế VAC; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, đa dạng hóa các sản phẩm hàng hóa, kích thích chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi trong nông nghiệp, làm tăng hiệu quả trên diện tích đất ruộng, vườn, đồng thời làm cho kinh tế VAC có bước phát triển mới.

Hà Dung

 

  • Từ khóa