Thứ 6, 15/11/2024, 08:54[GMT+7]

Kinh tế VAC ở Vũ Thư Giúp nông dân vươn lên làm giàu

Thứ 5, 05/12/2013 | 09:14:35
1,427 lượt xem
Tuy còn gặp không ít khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, kinh tế suy giảm nhưng phong trào phát triển kinh tế VAC ở huyện Vũ Thư đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu chính đáng.

Bác Trịnh Văn Kim, xã Song An (Vũ Thư) chăm sóc đàn gà trong gia trại.

Để phong trào xây dựng các mô hình kinh tế VAC phát triển mạnh trên phạm vi toàn huyện, các cấp chính quyền huyện Vũ Thư luôn tích cực đổi mới cách nghĩ, cách làm, tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế VAC theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Chính sự chủ động chuyển hướng này đã tạo ra bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế rất đáng mừng. Từ độc canh cây lúa, đến nay nông nghiệp Vũ Thư đã phát triển toàn diện theo hướng đa canh.

Khác hẳn với cách tư duy tiểu nông trước kia, nông dân Vũ Thư hiện nay sẵn sàng bỏ công, của để chuyển đổi, cải tạo vườn tạp, vùng cấy lúa kém hiệu quả thành những vùng sản xuất tập trung theo mô hình VAC. Những năm gần đây, nông dân trong huyện đã cải tạo trên 500 ha vườn tạp, hơn 400 ha ao hồ, đầm hình thành 4 vùng chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 211 ha. 

Cùng với phát động nông dân cải tạo vườn ao, các ngành chuyên môn đã tổ chức được 520 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về VAC cho 15.000 lượt nông dân tham gia học tập. Tại các mô hình VAC, bà con đều kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với đào ao nuôi cá và trồng cây ăn quả, rau màu mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế được dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Theo chân cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, chúng tôi đến thăm mô hình VAC của chị Trần Thị Thanh, thôn Song Thủy, xã Vũ Tiến. Đi lên từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, qua 4 năm gây dựng, đến nay chị Thanh đã có gia trại chăn nuôi tổng hợp gà, vịt, lợn. Trung bình mỗi năm, chị nuôi 3 lứa lợn, 2 lứa gà và trên 400 con vịt siêu trứng. Vịt mỗi ngày cho từ 250 - 300 quả trứng, gà, lợn xuất chuồng khoảng 15 tấn một năm. Trừ chi phí, mỗi năm chị thu về từ 250 - 300 triệu đồng.

Có được thành công ấy, ít ai biết được rằng chị đã phải dày công gây dựng, tự lực một mình xoay xở ngược xuôi, vượt qua nhiều khó khăn. Chồng bị bệnh trọng mất đi để lại cho chị 2 đứa con thơ dại đang tuổi học hành. Chị quyết tâm gây dựng kinh tế, khởi nghiệp nhờ vào những đồng vốn ít ỏi vay của anh em, bạn bè. Lúc đầu là mua đôi lợn, vài chục con gà và chạy chợ. Lấy ngắn nuôi dài, chị mạnh dạn mở mang chuồng trại, xây 2 dãy chuồng nuôi lợn, 1 dãy nuôi gà và quy hoạch khu nuôi vịt và trồng cây ăn quả với tổng diện tích trên 1.000 m2. Khi hỏi về kinh nghiệm trong chăn nuôi, chị chia sẻ:

Có được thành quả này là do sự quyết tâm, nỗ lực của bản thân. Cạnh đó, là sự động viên, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể đã tạo điều kiện cho chị được tiếp cận với các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Mặt khác, chị thường xuyên tìm tòi học hỏi, tích lũy, trau dồi kinh nghiệm qua sách, báo. Hay như gia đình anh Tới, chị Lụa, xã Song An cũng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình kinh tế VAC. Sau khi lập gia đình ra ở riêng, cuộc sống của anh Khiếu Trọng Tới và chị Hoàng Thị Lụa gặp nhiều khó khăn. Điều đó khiến anh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm mọi cách để phát triển kinh tế. Tham gia vào Hội Nông dân xã, anh được các hội viên khác động viên, giúp đỡ kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong sản xuất. Anh xin chuyển đổi diện tích đất “Bờ xôi, ruộng mật” của gia đình để lấy diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả ở gần nhà.

Ban đầu, nhiều hộ không khỏi ngạc nhiên và cũng không hiểu anh sẽ làm gì trên diện tích đó. Qua học hỏi, tìm tòi, anh Tới quyết định thực hiện mô hình VAC. Trên diện tích hơn 1 mẫu, anh quy hoạch thành 2 ao. Ao nhỏ anh nuôi cá giống. Ao lớn anh nuôi các loại cá thịt như: trắm, chép, mè, trôi. Trên bờ, anh quy hoạch 8 ô chuồng nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt.

Nếu như năm 2012, anh thu trên 40 triệu đồng từ nuôi cá, thì từ đầu năm đến nay bán một lứa cá anh đã thu về trên 28 triệu đồng. Với 8 ô chuồng, một năm anh nuôi 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa khoảng 40 con. Một năm, mô hình VAC của gia đình anh cho doanh thu trên 200 triệu đồng. Mặc dù công việc bận mải, nhưng anh Tới vẫn luôn tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức. Đây chính là nơi để anh và các hội viên trong CLB cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi.

Những hộ gia đình như chị Thanh, anh Tới và hàng trăm hộ nông dân sản xuất giỏi khác ở Vũ Thư không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà điều quan trọng hơn thông qua họ sẽ tạo động lực để các hộ nông dân khác có thêm niềm tin, năng động vươn lên làm giàu từ phong trào kinh tế VAC.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa