Thứ 6, 15/11/2024, 08:29[GMT+7]

Nông dân An Quý Được mùa vụ đông

Thứ 6, 06/12/2013 | 08:10:07
1,257 lượt xem
Những ngày này, khi nông dân nhiều nơi vẫn đang tập trung chăm sóc cây màu vụ đông thì nông dân An Quý (Quỳnh Phụ) đã bắt đầu thu hoạch những lứa bí, ớt đầu tiên. Với nông dân An Quý, từ nhiều năm nay, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, đem lại nguồn thu nhập cao hơn so với cấy lúa.

Nông dân An Quý (Quỳnh Phụ) thu hoạch ớt.

Vụ đông năm nay, nông dân An Quý trồng trên 50 ha ớt các loại, trong đó chủ yếu là ớt kim. Với kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc đã đúc rút từ nhiều năm nay nên ớt ở đây được thu hoạch sớm, bán đầu vụ có giá cao. Anh Nguyễn Văn Đương, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp cho biết: “Cây vụ đông của xã chủ yếu là ớt, chiếm gần 50% diện tích, còn lại là bí, ngô, khoai.

Cùng với một số xã có phong trào trồng cây vụ đông trong huyện, nông dân An Quý không cho đất nghỉ, ranh giới giữa thời vụ chính xuân hè, hè thu và vụ đông hàng năm bị xóa nhòa. Ngay từ đầu tháng 9, khi mà nhiều địa phương trong tỉnh, nông dân đang tập trung phun thuốc phòng trừ sâu bệnh thì bà con xã viên nơi đây đã thu hoạch lúa mùa để làm vụ đông ưa ấm.

Hơn nữa, để rút ngắn thời gian chiếm đất của các loại cây màu đông, HTX hướng dẫn nông dân làm 100% bầu ớt, ngô, bí trước khi đưa ra trồng; huy động nhân lực, máy móc gặt lúa và làm đất khẩn trương để buổi sáng gặt lúa buổi chiều có thể đặt ớt, ngô xuống trồng được ngay. Bởi, nếu trồng sớm, thu hoạch đầu vụ, người nông dân có thể thu nhập cao hơn lúc chính vụ”.

Những ngày này, dạo quanh một vòng qua các cánh đồng thôn Sà, Lai Ổn… đâu đâu cũng thấy nông dân đang hối hả thu hoạch bí, ớt. Bà Trần Thị Hạnh, thôn Sà cho biết: “Đã từ nhiều năm nay, gia đình tôi đều xem cây bí đông sớm là cây trồng chính và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cấy hai vụ lúa bởi cây bí dễ trồng, dễ chăm sóc, tốn ít công, ít sâu bệnh, thời gian trồng và chăm sóc ngắn, chỉ 2 tháng đã cho thu hoạch, thu hoạch dễ dàng, giá bán cao.

Vụ đông này, gia đình tôi trồng hơn 3 sào bí. Cây bí bắt đầu cho thu hoạch được hơn 2 tuần thì bão số 14 đổ bộ đúng vào thời điểm bí ra hoa, đậu quả rộ nên đã ảnh hưởng đến năng suất. Vì vậy, gia đình tôi tập trung ra đồng chăm sóc, phun thuốc phòng trừ bệnh héo rủ, nhờ đó cây đã nhanh chóng phục hồi và phát triển trở lại. Hiện giá bán dao động từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, lại dễ tiêu thụ, thương lái về tận nhà, ra tận ruộng để thu mua cho nông dân. Ước tính gia đình tôi thu hoạch từ cây bí  xanh được hơn 10 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí”.

Khác với bà Hạnh, chị Trần Thị Hương, thôn Lai Ổn lại lựa chọn trồng gần 5 sào ớt kim. Chị Hương khoe: “Ớt là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân chúng tôi. Vụ đông năm trước, bão số 8 đã làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, hơn nữa giá ớt chính vụ lại sụt giảm, chỉ bằng 1/3 đầu vụ nhưng nông dân vẫn có lãi, dù không nhiều như mọi năm.

Nhưng năm nay, mưa thuận gió hòa, ớt không chỉ cho năng suất cao mà giá cũng luôn ổn định ở mức cao. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu về gần 40 triệu đồng, cao hơn rất nhiều lần so với cấy 2 vụ lúa nên gần 1 tháng nay chồng tôi đã nghỉ làm công việc xây dựng ở Quảng Ninh về phụ giúp cùng tôi thu hoạch ớt. Nếu giá ớt cứ ổn định như hiện nay, vụ đông năm nay nông dân chúng tôi sẽ trúng lớn”.

Mặc dù thời điểm này giá sản phẩm các loại cây vụ đông, như: ớt, dưa, bí, rau đã giảm nhưng theo nhiều nông dân thì vẫn còn cao hơn so với cùng kỳ các năm trước và dễ tiêu thụ. Nhưng thị trường tiêu thụ nông sản suốt vụ chưa ổn định, hầu hết sản phẩm làm ra đều là tự tiêu thụ với giá bán lên xuống thất thường. Bên cạnh đó, hiện tượng bị tư thương ép giá vào mỗi kỳ thu hoạch vẫn diễn ra ảnh hưởng tới thu nhập của người nông dân.

Trên khắp các cánh đồng trồng rau màu vụ đông ở Quỳnh Phụ, người nông dân đang khẩn trương thu hoạch với niềm vui được mùa nhưng lo đầu ra ngày mai có ổn định như ngày hôm nay không? Vì vậy, để người nông dân được trọn niềm vui được mùa, để những cánh đồng xanh ngút ngàn các loại cây vụ đông trở thành những cánh đồng xanh màu no ấm, ngoài những nỗ lực của người nông dân thì rất cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn tạo mối liên kết “4 nhà” giúp hạn chế tình trạng tư thương ép giá cũng như hiện tượng “mất mùa được giá, được mùa rớt giá”.

Đức Dũng

  • Từ khóa