Thứ 6, 15/11/2024, 08:48[GMT+7]

Phong trào phát triển kinh tế VAC ở Đông Hưng

Thứ 2, 09/12/2013 | 15:41:58
1,250 lượt xem
Những năm qua, phong trào VAC phát triển sâu rộng trên địa bàn huyện Ðông Hưng. Nhờ có phong trào này, nhiều hội viên Hội Làm vườn đã tích cực cải tạo vườn tạp, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trồng cây giống ở Hồng Việt (Ðông Hưng).

 

Ðến nay, Hội Làm vườn huyện Ðông Hưng có 238 chi hội với 4.250 hội viên. Xác định phát triển kinh tế VAC là nguồn thu nhập chính của gia đình nên Ban Chấp hành Hội phối hợp với Hội Nông dân phát động hội viên chủ động đổi mới nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, xây dựng gia trại, trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

Kết quả, 5 năm qua toàn huyện đã chuyển đổi được 50 vùng chuyên màu với diện tích 499,7ha ở 26 xã và 51 điểm chăn nuôi tập trung với diện tích 448ha ở 32 xã, 89 vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp với chăn nuôi ở 36 xã, cải tạo 925ha ao, 85% diện tích vườn tạp. Ðặc biệt đã hình thành một số vùng chăn nuôi quy mô lớn theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp gắn với vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Ðã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại giá trị thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm như trang trại nuôi lợn nái ngoại của ông Nhâm Sỹ Tiến (xã Ðông Á), trang trại nuôi gà thương phẩm của ông Nguyễn Năng Thành (xã Ðông Xuân), trang trại nuôi lợn nái ngoại của ông Vũ Cao Sản (xã Ðô Lương)... Nhiều trang trại, gia trại đã mạnh dạn đưa các con vật mới, đặc sản, có giá trị kinh tế cao vào chăn nuôi.

 

Gia trại của ông Lưu Sỹ Ðoán (xã Phong Châu) là một điển hình. Với diện tích gần 1,5ha, hơn 10 năm nay ông đã thay đổi nhiều giống vật nuôi đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Từ mô hình nuôi lợn nái ngoại đến nuôi thỏ giống Newdeli và Califonia tới gà thuốc, gà Ðông Tảo, gà sao, gà tre, gà 9 cựa, giun quế, trồng nấm linh chi, nấm sò. Ngoài ra, ông còn kết hợp làm thêm nghề đúc ép và cung cấp cho thị trường khoảng 20 vạn cọc bê tông/năm. Không dừng lại ở đó, năm 2012 ông còn thuê 50ha ở xã Thái Tân (Thái Thụy) để thực hiện mô hình cá - lúa kết hợp, làm dịch vụ nông nghiệp đồng bộ từ khâu làm đất, gieo mạ đến khâu thu hoạch. Với mô hình này, trung bình mỗi năm ông Ðoán thu nhập vài trăm triệu đồng.

 

Nhiều cơ sở hội chú trọng phát triển phong trào trồng cây cảnh, cây thế và cây hoa các loại đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm. Ðiển hình như xã Minh Tân, các hội viên đã làm giàu từ mô hình trồng cây sanh, cây lộc vừng, đào, quất, hoa các loại và đặc biệt là cây phát lộc. Trung bình mỗi năm, các hội viên xuất ra thị trường hàng trăm cây cảnh, cây chơi tết, hàng vạn tháp phát lộc đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Xã Hồng Việt, phong trào trồng các loại cây giống, cây chơi tết đã trở thành nguồn thu nhập chính của các gia đình hội viên, bình quân mỗi năm Hội Làm vườn xã Hồng Việt xuất hàng vạn cây giống, hàng nghìn cây chơi tết, trung bình mỗi gia đình thu lãi vài chục triệu đồng.

 

Các cấp hội đã xây dựng thành công nhiều mô hình VAC như mô hình cải tạo và xây dựng vườn cây ăn quả, mô hình chăn nuôi lợn nái, nuôi cá sấu, nuôi nhím, ong mật và nuôi cá cảnh... Ðiều đáng mừng là những mô hình này đã trở thành trung tâm hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, cây con giống và là đầu mối tiêu thụ sản phẩm giúp đỡ hội viên ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đến đầu ra sản phẩm. Nhiều cơ sở hội còn đứng ra đảm nhận trồng cây vụ đông đem lại thu nhập ổn định cho gia đình hội viên, điển hình như Hội Làm vườn xã Lô Giang, Phú Châu, An Châu, Ðồng Phú.

 

Ðể có được kết quả trên, trong nhiệm kỳ qua Hội Làm vườn huyện Ðông Hưng đã phát động, tuyên truyền mạnh mẽ các phong trào thi đua, trong đó lấy phong trào thi đua làm kinh tế VAC là mũi nhọn. Ðẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cải tạo vườn ao. Cùng với đó, các cơ sở hội còn tích cực tổ chức cho cán bộ, hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình trong và ngoài tỉnh. Chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp như công ty sản xuất thức ăn gia súc gia cầm, Sở Khoa học & Công nghệ, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như cung ứng thức ăn, cây con giống cho hội viên. Hội đã tiếp nhận 3 dự án của Hội cấp trên về trồng cây ăn quả đặc sản đó là dự án thâm canh bưởi diễn, nhãn chín muộn và chuối tiêu hồng ở 6 cơ sở hội. Ðể giúp đỡ các hội viên có vốn phát triển kinh tế, Hội còn phối hợp với Hội Nông dân tín chấp cho trên 3.500 lượt hội viên vay với số vốn trên 100 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn vận động các hội viên giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi và cho vay vốn không lấy lãi. Qua đó nhiều hội viên có thêm kinh nghiệm trong chăn nuôi, thêm vốn để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

 

Trong thời gian tới, các cấp Hội Làm vườn huyện Ðông Hưng tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế VAC. Vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Tăng cường tổ chức tham quan, học tập, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, tuyên dương kịp thời những điển hình tiên tiến, những cách làm hay để mọi người làm theo.

Thu Thủy

 

  • Từ khóa