Thứ 6, 15/11/2024, 09:04[GMT+7]

Kiến Xương Người dân hưởng lợi từ dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm

Thứ 2, 23/12/2013 | 09:39:49
1,284 lượt xem
Hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng công trình bể bioga, nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống. Dự án LIFSAP không chỉ mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi lớn.

Dự án LIFSAP mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi TT Thanh Nê

Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) được triển khai thực hiện từ  năm 2010. Thái Bình là một trong 12 tỉnh tham gia Dự án với mục tiêu ngắn hạn đưa 3.200 - 3.500 hộ gia đình chăn nuôi theo vùng, tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng công trình bể bioga, nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống. Dự án LIFSAP không chỉ mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi lớn.

Triển khai từ năm 2010, huyện Kiến Xương đã có 3 xã, thị trấn bao gồm Thị trấn Thanh Nê, xã Quang Trung và xã Thanh Tân được chọn thực hiện Dự án LIFSAP. Bước đầu có gần 200 hộ chăn nuôi trong huyện được lựa chọn tham gia xây dựng mô hình nhóm áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học (VietGAP) gắn kết với thị trường tiêu thụ. Các nhóm chăn nuôi áp dụng VietGAP được cung cấp những kiến thức cần thiết nhằm áp dụng thực tế quy trình chăn nuôi, trang bị các dụng cụ kỹ thuật phục vụ cho chăn nuôi, tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn về chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn, quản lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng thương hiệu cho ngành chăn nuôi…

Thị trấn Thanh Nê là địa phương đầu tiên của huyện Kiến Xương được triển khai dự án. Hiện nay Thanh Nê đã xây dựng được 3 nhóm chăn nuôi VietGAP với 46 hộ chăn nuôi tham gia. Ông Nguyễn Quốc Trinh, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Thanh Nê, phụ trách Dự án LIFSAP tại thị trấn cho biết: “Sau khi được huyện chọn làm điểm thực hiện dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi, chúng tôi đã rà soát trên địa bàn, lựa chọn các hộ chăn nuôi tiêu biểu, đúng tiêu chí để tham gia dự án. Sau đó xây dựng các nhóm chăn nuôi tại các khu dân cư. Mỗi nhóm có 1 nhóm trưởng đứng ra quản lý 15 hộ chăn nuôi.

Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã phát huy được hiệu quả, năng suất, chất lượng chăn nuôi tăng lên”. Cho đến nay, nhiều hộ gia đình đã xây dựng được hệ thống chuồng trại khép kín an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. 100% các hộ tham gia nhóm VietGAP được hỗ trợ các đồ dùng như: găng tay, ủng, áo bảo hộ lao động đến thuốc khử trùng chuồng trại, tham gia các lớp tập huấn ngắn và dài hạn về chuyển giao công nghệ, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào quá trình chăn nuôi, hỗ trợ vốn xây dựng hầm bioga, nâng cấp chuồng trại...

Ðể đáp ứng yêu cầu từ Dự án, năm 2011 xã Quang Trung được chọn tham gia Dự án LIFSAP nằm trong vùng mở rộng của Thị trấn Thanh Nê. Theo đó, xã Quang Trung đã thành lập được 7 nhóm VietGAP với khoảng 20 hộ/nhóm. Ðối tượng tham gia chủ yếu là các hộ chăn nuôi lợn với quy mô gia trại, trang trại. Theo ông Vũ Ðức Namon>, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung, phụ trách Dự án tại địa phương thì hiện nay cả xã có 120 hộ chăn nuôi đang được hưởng lợi từ Dự án. Từ khi triển khai thực hiện Dự án, ô nhiễm môi trường được hạn chế do các hộ chăn nuôi trong nhóm VietGAP được hỗ trợ xây dựng hầm bioga. Các hộ chăn nuôi vận dụng hiệu quả kiến thức qua các lớp tập huấn vào thực tế, từ đó chất lượng đầu ra của sản phẩm luôn cao hơn so với chăn nuôi ngoài Dự án. 

Bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2013, đến nay xã Thanh Tân đã xây dựng được 3 vùng chăn nuôi áp dụng VietGAP tại các thôn Tử Tế, An Cơ và Thống Nhất với hơn 50 hộ tham gia.  Không chỉ mang lại hiệu quả cho người chăn nuôi, Dự án LIFSAP còn mang lại tiện ích rất lớn cho người tiêu dùng. Các chợ: Cao Mại (Quang Hưng), chợ Nụ (Lê Lợi), chợ Nê (Thị trấn Thanh Nê) đã được Dự án hỗ trợ kinh phí nâng cấp đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Các quầy hàng thực phẩm tươi sống được thiết kế đáp ứng điều kiện về liên kết chuỗi sản phẩm, kiểm soát vệ sinh môi trường… Ðến nay các quầy hàng đều hoạt động tốt, nền nếp, các chủ quầy đều chú trọng tới chất lượng sản phẩm, VSATTP theo tiêu chí thực phẩm sạch từ chuồng nuôi đến bàn ăn.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kiến Xương đánh giá: Dự án LIFSAP triển khai trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả rất lớn cho người chăn nuôi. Sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn gốc trong chuỗi giá trị sản xuất đến tay người tiêu dùng. Ðồng thời, đưa công nghệ sinh học vào chăn nuôi, thân thiện với môi trường, tạo hướng đi bền vững.                                                             

Tất Ðạt

  • Từ khóa