Thứ 6, 15/11/2024, 05:03[GMT+7]

Dấu ấn năm bản lề

Thứ 2, 30/12/2013 | 15:43:09
1,445 lượt xem
Năm 2013 là năm thứ ba liên tiếp các doanh nghiệp và người dân tỉnh ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và tác động tiêu cực của thiên tai. Mặc dù một số chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch nhưng với mức tăng trưởng kinh tế 8,8% so với năm 2012 đã thể hiện rõ hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực vượt bậc của người dân, doanh nghiệp. Đây chính là tiền đề quan trọng để tỉnh ta thực hiện thắng lợi

Phần xưởng may áo sơ mi xuất khẩu của Xí nghiệp may Thái Hà. Ảnh: Hiền Trâm

Tổng sản phẩm (GDP) toàn tỉnh năm 2013 ước đạt 37.188 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2012. Tuy không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 10% nhưng đã tăng cao hơn so với năm 2012 (GDP của tỉnh năm 2012 tăng 7,82% so với năm 2011), cao hơn trung bình cả nước (GDP của cả nước năm 2013 ước tăng 5,4%) và cao hơn nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Hồng như: Vĩnh Phúc 6,84%, Hải Dương 7%, Hưng Yên 7,1%, Hải Phòng 7,23%, Quảng Ninh 7,5%, Nam Định 8,5%... Có được kết quả nổi bật đó, trước hết là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ của các cấp, các ngành đưa ra nhiều giải pháp hiệu quả tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường.

Chỉ riêng UBND tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2013 đã xây dựng 98 nội dung công việc trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là kinh tế; ban hành 6.648 văn bản các loại; đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã điều hành 425 cuộc họp thống nhất giải quyết 479 đầu việc... đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện để các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ngành Công Thương chủ trì tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho, đào tạo lao động...

Ngành Ngân hàng một mặt kiểm soát và xử lý nợ xấu, mặt khác tìm hướng hạ mặt bằng lãi suất và tháo gỡ khó khăn về thủ tục để các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, nhất là vốn ưu đãi. Tổng dư nợ tín dụng năm 2013 ước đạt 33.570 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2012. Mặt bằng lãi suất những tháng cuối năm giao động phổ biến ở mức 10 - 12,5%/năm, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2010 - 2011, giảm 3% so với cuối năm 2012 và hiện đã tương đương với mặt bằng lãi suất giai đoạn 2005 - 2006; trong đó dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm còn 9%/năm...

UBND tỉnh cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động bộ phận một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Cùng với đó là nỗ lực vượt khó của người dân, doanh nghiệp. Điển hình là các doanh nghiệp dệt may tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động, đóng góp gần 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD năm 2013...

Nếu so với các ngành, lĩnh vực thì có lẽ năm 2013 ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn cả do ảnh hưởng nặng nề của bão số 8 năm 2012 làm mất trắng hơn 10.000ha cây vụ đông; thị trường tiêu thụ ngao tiếp tục gặp khó, giá bán thấp; đầu ra sản phẩm chăn nuôi thấp khiến cho việc tái đàn chậm; chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2 và 14...

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hữu Rong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì năm 2013 ngành Nông nghiệp vẫn “gặt hái” được 5 thành quả nổi bật. Đó là: Năng suất lúa cả năm ước đạt 130,88 tạ/ha, cao hơn 0,55% so với năm 2012; chỉ đạo mở rộng diện tích cây màu xuân và hè, tăng gần 4.000ha so với năm 2012 giúp bù đắp cho diện tích cây vụ đông bị thiệt hại do bão.

Về chăn nuôi, tuy hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán trong dân gặp khó nhưng bù lại chăn nuôi tập trung phát triển khá mạnh, trong năm có 12 dự án đầu tư trang trại và chăn nuôi gia công quy mô lớn được chấp thuận góp phần đưa giá trị sản xuất chăn nuôi tăng gần 7% so với năm 2012; việc kiểm soát dịch bệnh khá hiệu quả, cùng xuất hiện dịch tai xanh ở đàn lợn vào đầu tháng 4 nhưng tỉnh Nam Định đã phải tiêu hủy trên 4.000 con, còn tỉnh ta đã kiểm soát nhanh chóng và chỉ tiêu hủy 100 con. Lĩnh vực thủy sản phát triển cả về nuôi trồng và khai thác; trong năm đã đưa vào vận hành 68 tàu xa bờ góp phần đưa sản lượng khai thác đạt 54.400 tấn, tăng 9,2%, sản lượng nuôi trồng ước đạt gần 118.000 tấn, tăng 16,7% so với năm 2012.

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã có sự điều chỉnh mạnh về chính sách và cách làm; tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn và các xã NTM từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2013 đạt 1.133 tỷ đồng, các địa phương cân đối thêm 156,6 tỷ đồng, chưa kể vốn do nhân dân đóng góp tạo thêm nguồn lực để 4 xã về đích NTM ngay từ giữa năm, 121 xã đạt từ 11 - 18 tiêu chí. Ngoài ra, ngành đã hoàn thành nâng cấp hơn 30 km đê biển, tương đương khối lượng của 8 năm trước đó cộng lại.

Năm 2013 Công ty CP Dệt sợi Damsan (Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh, Thành phố Thái Bình) duy trì sản xuất ổn định tạo việc làm cho 550 lao động.

Cùng với nông nghiệp, ngành Công Thương cũng đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Theo ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương thì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN- TTCN luôn ở mức quý sau cao hơn quý trước: quý I tăng 5%, quý II tăng 12,4%, quý III tăng 12,5%... góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2013 tăng 11,87% so với năm 2012. Tuy mới gần đạt kế hoạch nhưng đây là năm đầu tiên sau mấy năm suy giảm sâu tốc độ tăng trưởng, công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng ở mức hai con số và tăng gần gấp đôi so với năm 2012 trước đó (năm 2012 tăng 6,15%). Trong số 38 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực có 25 nhóm sản phẩm tăng so với năm 2012, trong đó 8 nhóm tăng trên 10% (bia các loại tăng 16%, xơ tổng hợp tăng 58,6%, áo sơ mi tăng 18%, sứ vệ sinh tăng 15,9%...). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lần đầu tiên đạt mốc 975 triệu USD, vượt 21,7% kế hoạch, tăng 20,8% so với năm 2012. Trong đó tăng mạnh nhất là hàng điện tử 27,8%, dệt may tăng 22,6%... Riêng các doanh nghiệp dệt may hiện đã ký đơn hàng xuất khẩu ổn định đến hết quý I năm 2014, một số doanh nghiệp ký đơn hàng sang quý II năm 2014...

Những kết quả nổi bật nói trên là tiền đề và động lực để tỉnh ta phấn đấu hoàn thành mục tiêu của năm 2014 tổng sản phẩm tăng 10% trở lên so với năm 2013. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 11%; trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng 4,25%, công nghiệp - xây dựng tăng 14,6%, dịch vụ tăng 11%. Tổng kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD. Toàn tỉnh có thêm 30 xã hoàn thành xây dựng NTM.

Vũ Mạnh

  • Từ khóa