Thứ 6, 15/11/2024, 05:12[GMT+7]

Hai dự án lớn tạo bước đột phá cho công nghiệp Thái Bình

Thứ 3, 31/12/2013 | 08:57:10
1,216 lượt xem
Tháng 5/2010, cơ sở hạ tầng Trung tâm Ðiện lực Thái Bình được khởi công; sau đó hơn 1 năm vào tháng 11/2011, Nhà máy sản xuất Amon nitrat cũng được đầu tư xây dựng trên cùng địa điểm huyện Thái Thụy. Ðây là 2 dự án trọng điểm, khi đi vào sản xuất, vận hành sẽ tạo bước đột phá cho phát triển công nghiệp đồng thời từng bước hình thành một tổ hợp các dự án công nghiệp lớn tầm cỡ quốc gia trên đất Thái Bình.

Ðồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm công trường thi công Trung tâm Ðiện lực Thái Bình (xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy).

Những ngày cuối năm 2013, trên công trường thi công Trung tâm Ðiện lực Thái Bình, không khí thi đua lao động rất khẩn trương, tích cực. Ðây là dự án công nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đầu tư vào tỉnh ta, được xây dựng trên diện tích 254 ha tại xã Mỹ Lộc (Thái Thụy). Tổng công suất thiết kế 1.800 MW gồm 2 nhà máy: Nhiệt điện Thái Bình 1 (công suất 600 MW) do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam làm chủ đầu tư. So với Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chủ động được nguồn vốn nên có tiến độ thi công nhanh hơn. Theo lời ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2: Thời gian qua, Ban quản lý Dự án cùng tổng thầu là Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã tích cực, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Hết năm 2013, công tác thiết kế đã hoàn thành 90% khối lượng thiết kế cho cọc, móng lò hơi, tuabin, máy phát của hai tổ máy; 95% khối lượng thiết kế kết cấu thép lò hơi, 65% khối lượng thiết kế công nghệ lò hơi... Công tác chế tạo, mua sắm và vận chuyển thiết bị đã triển khai chế tạo kết cấu thép lò hơi và bao hơi tổ máy số 1; 2 chuyến hàng bu-lông móng lò hơi, kết cấu thép lò hơi tầng 1, 2, 3 và các chi tiết đặt sẵn cho hạng mục tuabin, máy phát được vận chuyển về đến công trường.

Công tác thi công đã hoàn thành 93% khối lượng xử lý nền khu vực nhà máy chính (trong đó các khu vực lò hơi, tuabin 2 tổ máy đã hoàn thành), thi công giai đoạn 1 xử lý nền khu vực kho than; cơ bản hoàn thiện cảng tạm, các hạng mục điện, nước phục vụ thi công, lán trại tạm, đường nội bộ, hệ thống thoát nước, nhà bảo vệ, nhà thường trực, hàng rào... Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã chủ động cấp vốn kịp thời cho dự án và đến hết tháng 12/2013, số vốn đã thực hiện được 8.516 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư 34.295 tỷ đồng, đạt 24,8%.

Với tiến độ thi công như thời gian qua, năm 2014 Ban quản lý Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sẵn sàng tăng tốc đưa Nhà máy vận hành theo đúng kế hoạch. Ðối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, cuối tháng 12/2013 vừa qua, EVN và Tập đoàn Marubeni Coporation (Nhật Bản) đã tổ chức lễ ký hợp đồng gói thầu số 11, theo hình thức EPC (Thiết kế - Cung cấp vật tư thiết bị - Xây dựng) cho nhà máy chính với tổng mức đầu tư là 26,5 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 85%, 15% còn lại là vốn đối ứng của EVN. Giá trị hợp đồng được ký kết là 819,6 triệu USD và 20 tỷ Yên (Nhật Bản).

Theo kế hoạch, sau khi hợp đồng được ký kết, nhà máy sẽ khởi công vào quý I/2014, tổ máy đầu tiên của nhà máy sẽ được đưa vào vận hành sau 43 tháng lắp đặt,  xây dựng (dự kiến quý IV/2017), tổ máy thứ 2 sau tổ máy thứ nhất khoảng 6 tháng (dự kiến cuối quý II/2018). Như vậy, chỉ sau vài năm nữa Trung tâm Ðiện lực Thái Bình đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động và đóng góp cho ngân sách tỉnh khoảng 900 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 10 tỷ KWh/năm.

Chỉ cách công trường thi công Trung tâm Ðiện lực Thái Bình vài ki-lô-mét, khí thế lao động tại công trường Nhà máy sản xuất Amon nitrat (xã Thái Thọ) cũng rất khẩn trương, tích cực. Ðây là dự án có quy mô công nghiệp lớn ở Việt Nam, công suất 200.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư 5.762 tỷ đồng, thuộc loại công trình công nghiệp đặc biệt. Toàn bộ máy móc, thiết bị lắp đặt tại Nhà máy đều được nhập khẩu từ các nước G7 thuộc loại hiện đại nhất thế giới hiện nay. Sau hơn 2 năm nỗ lực đầu tư, đến hết năm 2013, cả 4 gói thầu đang gấp rút được thi công với tổng giá trị công việc thực hiện đạt hơn 3.000 tỷ đồng, đạt 63%.

Trong đó, toàn bộ phần thi công nền đã hoàn thành. Gói thầu thi công nhà máy chính đã hoàn thành 68% khối lượng công việc gồm: bê tông cốt thép, gia công chế tạo và lắp dựng kết cấu thép, thi công các đường ống ngầm, lắp đặt thiết bị. Gói thầu xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị các hạng mục phụ trợ nhà máy cũng hoàn thành 60% khối lượng công việc. Gói thầu xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị, hệ thống cung cấp điện  hoàn thành 30%.

Ðặc biệt, vừa qua nhà thầu đã hoàn thành lắp đặt tháp hấp thụ và tháp tạo hạt, những thiết bị quan trọng tạo ra sản phẩm là các hạt Amon nitrat. Nhìn tổng thể, dự án đã vượt tiến độ và là một trong những dự án công nghiệp quy mô lớn có thời gian thi công nhanh nhất từ trước tới nay tại tỉnh ta. Dự kiến, đến tháng 1/2014 nhà thầu sẽ cho chạy thử một số hạng mục khu phụ trợ và đến tháng 10/2014 sẽ hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và chạy thử toàn bộ nhà máy.

Khi đi vào vận hành chính thức, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 150 lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 120 tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, trong năm 2014, đơn vị tiếp tục đầu tư xây dựng cảng thủy nội địa để tàu 2.000 tấn có thể cập cảng trên sông Trà Lý vừa cung cấp nguyên liệu đầu vào vừa tiêu thụ sản phẩm; chuẩn bị các điều kiện xây dựng Nhà máy sản xuất Natri Nitrat trên phần diện tích đất dự phòng của Nhà máy sản xuất Amon nitrat hiện nay. 

Nguyễn Hình

  • Từ khóa