Thứ 6, 15/11/2024, 05:21[GMT+7]

Sản xuất vụ xuân 2014 Cần chỉ đạo sát sao hơn về lịch thời vụ

Thứ 2, 06/01/2014 | 08:46:07
1,243 lượt xem
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch cây màu vụ đông để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân năm 2014. Những diện tích không gieo trồng và đã thu hoạch cây vụ đông, các hộ nông dân tiến hành cày lật đất được trên 50.000 ha. Theo chủ trương của tỉnh, 100% diện tích cấy bằng các giống lúa ngắn ngày để thâm canh giành năng suất và sản lượng cao nhất; Chủ trương của tỉnh là vậy, nhưng hiện nay một số địa phương đã gieo khá nhiều mạ dài ngày.

Làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân tại xã Ðông Hải (Quỳnh Phụ). Ảnh: Ngọc Linh

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch cây màu vụ đông để chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân năm 2014. Những diện tích không gieo trồng và đã thu hoạch cây vụ đông, các hộ nông dân tiến hành cày lật đất được trên 50.000 ha. Theo chủ trương của tỉnh, 100% diện tích cấy bằng các giống lúa ngắn ngày để thâm canh giành năng suất và sản lượng cao nhất; thời vụ gieo mạ xung quanh tiết Lập xuân (4/2/2014).

Chủ trương của tỉnh là vậy, nhưng hiện nay một số địa phương đã gieo khá nhiều mạ dài ngày, tổng là 70,8 ha, như Ðông Hưng 15 ha, Thành phố Thái Bình 15 ha, Kiến Xương 10 ha, Quỳnh Phụ 10 ha…Theo nhận định của một số cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, những diện tích mạ dài ngày đã gieo có khả năng mạ sẽ bị chết do thời tiết rét đậm, rét hại và sương muối.

Vụ xuân năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 80.500 ha trở lên, trong đó gieo thẳng 25.000 ha trở lên; năng suất trên 72 tạ/ha, sản lượng 579.600 tấn trở lên. Cơ cấu giống gồm lúa thuần chất lượng cao gieo cấy 35% diện tích, như Bắc thơm 7, T10, RVT, VS1, TBR45, QR1, N97; lúa thuần năng suất cao 40%, như BC15, TBR1; lúa lai 25% trở lên, như giống TX111, CNR36, ZZD001… Thời vụ gieo mạ xung quanh tiết Lập xuân (4/2/2014); phương thức gieo mạ chủ yếu là mạ non trên nền đất cứng có che phủ nilon trắng, tuổi mạ khi cấy đạt 2,5 - 3 lá và cấy kết thúc trước ngày 25/2/2014. Ðể thực hiện được các mục tiêu trên, các địa phương cần chủ động với mọi loại hình thời tiết, gieo cấy 100% diện tích bằng các giống ngắn ngày.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tăng tỷ lệ các giống lúa ưu thế lai có khả năng chống chịu, thích ứng tốt và chất lượng gạo khá trở lên; bố trí hài hòa, hợp lý tỷ lệ lúa chất lượng và năng suất cao; mở rộng diện tích gieo thẳng, cấy bằng máy. Ðặc biệt, các giống đưa vào gieo cấy phải là giống xác nhận được các cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Ngoài ra, cần thực hiện canh tác theo hướng bền vững bằng việc giảm lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu, lượng nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Từ nay đến lịch thời vụ gieo mạ còn khoảng 1 tháng, nhằm hạn chế các hộ dân không chấp hành theo chủ trương của tỉnh về gieo cấy giống lúa ngắn ngày, các huyện, thành phố cần huy động cả hệ thống chính trị và tăng cường lực lượng cán bộ kỹ thuật xuống các cơ sở chỉ đạo quyết liệt về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác.

Ðồng thời tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nông dân nắm bắt chủ trương, nâng cao nhận thức về sản xuất vụ lúa xuân. Các ngành chức năng cần thực hiện tốt công tác quản lý về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân, đơn vị bán giống cây trồng, phân bón kém chất lượng.

Do vụ xuân hay xảy ra rét đậm, rét hại ở đầu vụ, do đó các hộ nông dân phải chuẩn bị nilon trắng và vòm đỡ để phòng, chống rét cho mạ; đồng thời tăng lượng phân bón NPK tổng hợp, phun các loại phân qua lá có bổ sung lân, kali cho ruộng lúa mới cấy… nếu gặp thời tiết bất thuận xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương cần căn cứ vào mục đích sử dụng đất, trình độ thâm canh, kinh nghiệm và chân đất để bố trí cơ cấu giống, thời vụ hợp lý. Ðối với lúa thuần có chất lượng cao bố trí gieo cấy ở chân đất vàn, đất tốt, thành phần cơ giới nhẹ, pha thịt. Lúa lai cấy trên chân đất trũng, hẩu, tầng canh tác dày ở vùng nội đồng và ven biển; bón phân NPK chuyên lót, chuyên thúc và bổ sung 3-4 kg kali/sào khi lúa đẻ kín đất.

Ðặc biệt đối với giống BC15 các hộ nông dân không cấy ở chân đất trũng hẩu và vùng thường hay bị bệnh đạo ôn gây hại; đồng thời phải gieo đúng lịch chỉ đạo, cấy thưa 32 - 36 khóm/m2, cấy 1-2 dảnh/khóm… Cùng với những việc trên, hiện nay các đơn vị thủy nông đã cơ bản thực hiện xong việc nạo vét, khơi thông dòng chảy trên các sông trục, sông dẫn, đánh sa bồi tại cửa cống; tổ chức làm thủy lợi nội đồng, vớt rau bèo, đăng đó; thực hiện khoán đồng bộ việc quản lý sông trục từ cấp 1 đến cấp 3. Ðồng thời căn cứ vào thời vụ gieo cấy để đổ ải, song cần khoanh vùng để tránh đổ ải tràn lan làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông; vùng đất chua, mặn lấy nước sớm để thau chua, rửa mặn.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Vụ đông xuân năm 2014 được dự báo là vụ ấm, những năm thời tiết ấm thì các giống lúa dài ngày thường cho năng suất thấp, do lúa trỗ sớm gặp rét cuối vụ. Ðể vụ xuân giành thắng lợi toàn diện, ngành Nông nghiệp đã có công văn gửi các huyện, thành phố và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu huy động nhân lực, phân công cán bộ xuống các xã đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm Ðề án sản xuất vụ xuân đã được duyệt. Ðẩy mạnh tuyên truyền để nông dân nhận thức được những bất lợi của việc gieo cấy giống lúa dài ngày.

 Nguyên Bình

  • Từ khóa