Thứ 6, 15/11/2024, 05:24[GMT+7]

Phát triển CN-TTCN ở Quỳnh Phụ Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động

Thứ 6, 07/02/2014 | 10:32:01
1,259 lượt xem
Không chỉ là huyện có thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, những năm gần đây công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã có bước phát triển khá, các ngành nghề truyền thống tiếp tục phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Công nhân Công ty May Hà Thành hoàn thiện sản phẩm.

 

Xác định phát triển (CN-TTCN) là yếu tố quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Quỳnh Phụ đã chú trọng công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp. Cùng với đó, trong quy hoạch nông thôn mới các địa phương đều dành từ 5 - 10 ha đất có vị trí gần trung tâm xã, đường giao thông… để phát triển CN - TTCN. Nếu như năm 2001, toàn huyện Quỳnh Phụ mới chỉ có vài chục doanh nghiệp nhỏ lẻ, hàng năm giá trị sản xuất chỉ vài tỷ đồng, năm 2007 với hơn 60 doanh nghiệp, giá trị sản xuất hơn 350 tỷ đồng thì  đến năm 2013, có trên 150 doanh nghiệp, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt gần 2.162 tỷ đồng, tăng gấp hơn 6 lần so với 5 năm trước, tăng 10,7% so với năm 2012.

 

Huyện Quỳnh Phụ đến nay có 1 Khu công nghiệp Cầu Nghìn, 5 cụm công nghiệp, mỗi xã có từ 10 cơ sở sản xuất kinh doanh trở lên, nhất là ở các xã nghề, làng nghề đã và đang thu hút, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương. Năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tìm hướng mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề nhằm tạo nên sức bật mới.

 

Ðặc biệt, một số ngành phát triển mạnh, như: may xuất khẩu, chế biến lương thực thực phẩm, giầy da, sản xuất khung xe đạp xuất khẩu… Công ty TNHH Sao Vàng là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu, đóng góp vào quá trình phát triển CN-TTCN của huyện Quỳnh Phụ. Với phương châm lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu trong việc giữ chữ tín với khách hàng nên liên tiếp nhiều năm qua, Công ty đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Năm 2013, tạo việc làm ổn định cho trên 3.500 người, với thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng; đồng thời đóng góp vào ngân sách địa phương 15 tỷ đồng. Còn cơ sở sản xuất khung xe đạp Dương Văn Tuấn, xã Quỳnh Minh cũng đã có bước phát triển nhanh, bền vững. Nếu như năm 2006, khi mới thành lập cơ sở sản xuất khoảng 4.000 sản phẩm,  tạo việc làm cho 7 người thì đến năm 2013, sản lượng đạt trên 4 vạn sản phẩm, doanh thu hơn 8 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho 60 người, với mức thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Ðể tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thời gian qua, huyện Quỳnh Phụ đã  tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như: làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh huy động các nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển các cụm công nghiệp; khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề. Tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất cho các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp, nhất là những dự án có công nghệ tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều lao động. Cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ sở áp dụng vào sản xuất. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho các cơ sở sản xuất, dạy nghề cho người lao động. Chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, nhất là trong thủ tục về thuế nhằm thu hút các dự án đầu tư mới thân thiện với môi trường. Phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho lãnh đạo các doanh nghiệp và chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh.

 

Hàng năm, huyện đều tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn để cùng đánh giá thực trạng hoạt động trong năm, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp để kịp thời đề ra các giải pháp phát triển cho năm tiếp theo, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2013, 2 doanh nghiệp đã được hưởng nguồn vốn khuyến công của tỉnh, với kinh phí hỗ trợ 85 triệu đồng. Tuy đã đạt được những kết quả ban đầu, nhưng tốc độ tăng trưởng CN - TTCN của Quỳnh Phụ vẫn tăng chậm, giá trị sản xuất chỉ đạt 96,7% kế hoạch năm. Các mặt hàng sản xuất còn đơn điệu, mẫu mã chưa được cải tiến, các loại hàng thủ công mỹ nghệ giá trị cao chưa được chú trọng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực sự đầu tư chiều sâu, chưa có sự liên kết chặt chẽ với nhau nhằm tăng năng lực cạnh tranh cũng như nâng cao giá trị sản xuất của doanh nghiệp.

 

Năm 2014, mục tiêu huyện Quỳnh Phụ đặt ra là giá trị sản xuất CN - TTCN, xây dựng tăng 12,52%. Ðể đạt được kết quả đó, trong thời gian tới huyện Quỳnh Phụ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh về mặt bằng, vốn vay; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa. Ðôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trên địa bàn sớm đưa vào sử dụng. Ðồng thời, thực hiện tốt công tác khuyến khích đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư, góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

            Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa