Chủ nhật, 17/11/2024, 04:29[GMT+7]

Chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình Vang mãi bài ca "năm tấn" để tiến lên 13 tấn/năm

Thứ 2, 04/10/2010 | 09:27:55
2,265 lượt xem
Niềm tự hào của mảnh đất Thái Bình khi năng suất lúa đạt 5 tấn/ha/ 2 vụ lúa đầu tiên ở miền Bắc vào năm 1966. Thành tích đó luôn vang vọng và ăn sâu vào tiềm thức không chỉ người dân trong tỉnh mà mỗi người dân trong cả nước, bởi khi nhắc tới quê hương " Năm tấn", ai cũng nghĩ tới Thái Bình. Và bài ca đó vẫn sống mãi với thời gian, để Thái Bình làm động lực phấn đấu đưa năng suất lúa tăng lên không ngừng, từ 7 tấn (1974), 10 tấn (1990) và giờ đây đạt trên 13 tấn/ha/năm.

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy UBND tỉnh và lãnh đạo ngành nông nghiệp kiểm tra sự sinh trưởng của giống lúa mới tại Xí nghiệp giống cây trồng Đông Cường. Ảnh: Trung Đức

Khi Thái Bình đạt năng suất lúa 5 tấn đầu tiên ở miền Bắc, Bác Hồ đã có thư khen ngợi và căn dặn “... Đây mới là thành tích bước đầu. Bác mong rằng đồng bào và cán bộ không chủ quan tự mãn, tiếp tục cố gắng hơn nữa, ra sức thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện...”. Và lời căn dặn đó của Bác đã được Đảng bộ và nhân dân Thái Bình mãi khắc ghi, luôn nỗ lực phấn đấu để sản xuất nông nghiệp phát triển không ngừng trên từng lĩnh vực.

 

Ông Trần Xuân Định, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho hay, trong những năm qua ngành nông nghiệp đã có những bước đột phá đưa trồng trọt, chăn nuôi phát triển tương đối toàn diện. Chuyển biến rõ nét nhất là từ năm 2000 trở lại đây, khi Tỉnh ủy đã cụ thể hóa chủ trương của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI bằng Nghị quyết 04-NQ/TU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, Nghị quyết 08 về xây dựng cánh đồng đạt giá trị sản xuất 50 triệu đồng/ ha/ năm, tiếp đó là Nghị quyết 02 (khóa XVII) về đẩy mạnh phát triển cây màu, cây vụ đông giai đoạn 2006  2010...

 

Giờ đây, riêng hai vụ lúa đã đạt 132,35 tạ/ha (2009), tính bình quân giá trị sản xuất các vụ trong năm trong đạt gần 75 triệu đồng/ ha/ năm. Để đạt được kết quả này, ngay khi có các nghị quyết về phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời, đồng bộ nhiều cơ chế chính sách và bổ sung các chính sách mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể, với chức năng nhiệm vụ được giao đã tham mưu cho tỉnh xây dựng đề án, cơ chế chính sách, đồng thời hướng dẫn địa phương thực hiện và tháo gỡ khó khăn.

 

Các huyện, thành phố tổ chức cho các đoàn thể, hộ nông dân trực tiếp đi tham quan, học tập rút kinh nghiệm từ các mô hình hay trong và ngoài tỉnh để vận dụng. Ông Trần Xuân Định cho biết thêm, chuyển đổi cơ cấu giống lúa và mùa vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ, được thể hiện qua năng suất, tăng vụ, giống mới luôn được bổ sung.

 

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

 

Đối với hai vụ lúa, tỉnh đã có chủ trương giảm dần, tiến tới loại bỏ giống dài ngày trà xuân sớm, tăng nhanh giống ngắn ngày trà xuân muộn có năng suất cao, chất lượng tốt, như lúa thuần Trung Quốc. Cụ thể, trước thời kỳ chuyển đổi (1995  2000), cơ cấu lúa ngắn ngày chiếm từ 55  66% ở vụ xuân, 50% ở vụ mùa; năng suất đạt 116 tạ/ ha/ năm. Sau khi chuyển đổi, cơ cấu giống ngắn ngày xuân muộn đã tăng từ 65,58% (2001) lên trên 93% (năm 2009); vụ mùa giống ngắn ngày lên trên 95%; năng suất năm 2008 đạt 131,33 tạ/ ha/ năm, năm 2009 đã đạt 132,35 tạ/ ha/ năm.

 

Cùng với việc chuyển đổi giống lúa, đưa các giống ngắn ngày có năng suất cao vào sản xuất, tỉnh còn tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích lúa chất lượng cao để làm hàng hóa, nhằm tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Năm 2000, lúa chất lượng của tỉnh gieo cấy 11.488 ha, năm 2009 đã tăng lên 38.923 ha. Một số địa phương có diện tích lúa chất lượng chiếm trên 40% diện tích, như Tây Tiến (Tiền Hải). Khi so sánh giữa hai giống Bắc thơm 7 (BT 7) với Q5; sau khi trừ chi phí, giống BT 7 cho thu cao hơn 2.268 nghìn đồng/ ha.

 

Góp phần cho năng suất trên, hàng năm ngành nông nghiệp đã tổ chức khảo nghiệm hàng trăm các loại giống để tuyển chọn, đưa vào sản xuất, như lúa lai Nhị ưu 63, NƯ 838, DƯ 527, TH3; giống thuần Q5, TBR1, BC15; giống chất lượng BT 7, HT1, T10...Đạt trên 13 tấn/ ha/ năm, đây mới chỉ tính hai vụ lúa, nếu tính giá trị trên đơn vị sản xuất quy ra thóc, trong đó có vụ hè, vụ đông, vùng chuyển đổi thì có lẽ Thái Bình đã đạt trên 15 tấn/ ha/ năm.

 

Trước năm 2001, cả tỉnh trồng cây màu hè đạt gần 500 ha, do phát triển manh mún, tự phát nên giá trị đem lại không đáng là bao. Song, sau khi có Nghị quyết về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều địa phương đã ứng dụng giống cây mới có thời gian sinh trưởng ngắn, đem lại giá trị kinh tế cao, nên cây vụ hè ngày càng được mở rộng. Từ năm 2001  2005, diện tích cây màu hè trung bình đạt gần 1000 ha; năm 2007 đã tăng lên 2.146 ha, đến năm 2009 đã đạt 3.360 ha. Qua các năm, thực tế cho thấy cây màu hè đã cho giá trị gấp nhiều lần so với cấy lúa, như năm 2009 đã đạt trên 90 tỷ đồng.

 

Từ khi có Nghị quyết 02 về đẩy mạnh phát triển sản xuất cây màu, cây vụ đông, sản xuất vụ đông đã thực sự trở thành cuộc cách mạng có hiệu quả. Các cấp, các ngành và bà con nông dân đã coi đây là vụ sản xuất chính  thứ 3 trong năm. Diện tích vụ đông đã không ngừng được mở rộng, cơ cấu cây trồng ngày càng phong phú, như đậu tương, ngô, khoai tây, ớt, rau củ, quả các loại, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, góp phần không nhỏ để nâng cao cuộc sống của người dân. 

 

Năm 2008, sau gần hai năm triển khai NQ 02, diện tích cây vụ đông đã đạt 35 nghìn ha; năm 2009 đã đạt trên 40 nghìn ha, đây là vụ có diện tích gieo trồng lớn nhất từ trước tới nay. Một số loại cây trồng cho giá trị cao được mở rộng tối đa diện tích, như đậu tương 13.779 ha, ngô 6.430 ha, ớt 1.170 ha... Năm 2009, giá trị sản xuất cây vụ đông đã đạt trên 733 tỷ đồng, tăng so với mục tiêu NQ 02 trên 33 tỷ đồng.

Mặc dù trong những năm gần đây diện tích cấy lúa giảm trung bình 3.409 ha/ năm so với diện tích lúa năm 2000, song nhờ chuyển đổi cơ cấu giống nên sản lượng lương thực của tỉnh vẫn giữ ổn định trên 1 triệu tấn/ năm. Hiện nay, Thái Bình đang tập trung xây dựng nông thôn mới, trong đó đã và đang quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hướng tới những cánh đồng đạt giá trị hàng trăm triệu đồng/ ha/ năm.

Như vậy, với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ và thực tế đã có rất nhiều cánh đồng đạt trên 100 triệu đồng/ ha như hiện nay, thì quê hương “ Năm tấn” có nhiều cơ sở để đạt trên 15 tấn/ ha/ năm trong những năm tới.

Nguyên Binh

  • Từ khóa