Thứ 5, 14/11/2024, 23:38[GMT+7]

Đông Hưng Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất

Thứ 4, 12/02/2014 | 15:20:52
1,220 lượt xem
Ngoài các huyện được tham gia Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa đất đai Việt Nam (VLAP), Ðông Hưng là một trong những huyện có tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDÐ) đạt cao, với 100% các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Ðến nay, toàn huyện đã lập được gần 72.000 hồ sơ ở cấp xã; trong đó có trên 30.000 hồ sơ đủ điều kiện xét duyệt.

Nhân viên Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất Ðông Hưng hoàn thiện thủ tục để cấp GCNQSDÐ.

 

Ðể đạt được kết quả đó, ngay sau khi nhận được văn bản của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về đẩy mạnh việc cấp GCNQSDÐ cho các hộ gia đình, cá nhân, huyện Ðông Hưng đã nhanh chóng triển khai các văn bản như: Nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XIII; Kế hoạch số 09, Quyết định số 06 của UBND tỉnh; Hướng dẫn số 01 của Sở TN&MT và nhiều văn bản khác của tỉnh về công tác cấp GCNQSDÐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện xuống xã.

 

Ðồng thời, UBND huyện cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận (GCN) lần đầu. Ðặc biệt, huyện đã tổ chức hội nghị ký cam kết giữa huyện với Sở TN&MT, giữa chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về việc cơ bản hoàn thành việc cấp GCN lần đầu trong năm 2013. Thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ công tác cấp GCN; phân công nhiệm vụ cho cán bộ cơ quan chuyên môn phụ trách các xã, thị trấn và mỗi tháng họp Ban chỉ đạo một lần để kiểm điểm tiến độ công việc.

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một trong những khó khăn lớn đối với Ðông Hưng là huyện vẫn còn 16/44 xã, thị trấn chưa được đo đạc địa chính, hiện đang sử dụng tài liệu cũ từ năm 1982 - 1984, chủ yếu là bản đồ địa chính, sổ địa chính (không chính quy, không có tọa độ VN). Do đó hiện trạng sử dụng đất đã thay đổi rất nhiều, không bảo đảm so với các tiêu chí cấp GCN. Trong khi kinh phí thực hiện đo đạc mỗi xã cần trên 1 tỷ đồng, nguồn kinh phí trích từ 10% tổng số tiền thu sử dụng đất của các xã, thị trấn. Nhưng trên thực tế, không phải xã nào cũng bán được đất, hơn nữa giá trị tiền đất của những xã vùng sâu vùng xa rất thấp. Trước thực trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời hỗ trợ kinh phí từ 30 - 70 triệu đồng/xã để các địa phương tập trung triển khai công tác tuyên truyền, rà soát, lập hồ sơ cấp GCNQSDÐ.

 

Phong Châu, một trong những địa phương sớm vào cuộc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc cấp GCNQSDÐ, với việc thành lập Ban chỉ đạo, hội đồng tư vấn và tổ chức triển khai tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ công tác làm nhiệm vụ cấp GCN. Ông Bùi Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, xóm, hệ thống loa truyền thanh phát sóng 2 buổi/ngày để tuyên truyền, phổ biến quyền và nghĩa vụ của người dân khi được cấp GCNQSDÐ.

 

Ðồng thời, UBND xã xác định việc cấp GCN đối với đất nông nghiệp sẽ thuận lợi hơn nên tập trung làm trước. Sau khi hoàn thành ở ngoài đồng sẽ tập trung vào đất ở. Bởi, việc dựa vào bản đồ địa chính cũ với sổ mục kê, sổ địa chính đã quá cũ nát, ố nhòe, lạc hậu, dữ liệu thông tin không đầy đủ, độ chính xác của số liệu và giá trị pháp lý không cao, việc lập hồ sơ, thẩm định nguồn gốc sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các biến động về đất không được cập nhật, chỉnh lý, bổ sung kịp thời trong khi chính sách của Nhà nước thường xuyên thay đổi.

 

Ðến nay, toàn xã lập được 2.050 hồ sơ đất nông nghiệp và đã chuyển lên Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất huyện. Cũng như Phong Châu, việc cấp GCN đồng loạt tại các xã được tỉnh hỗ trợ kinh phí đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính chính quy triển khai nhanh, đúng tiến độ. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương này tập trung đo đạc đất nông nghiệp trước, đo đến đâu triển khai hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp GCN đến đó. Ðến nay, xã Trọng Quan đã xét duyệt được gần 4.700 hồ sơ đủ điều kiện cấp GCN, trong đó gần 4.200 GCN đất nông nghiệp, còn lại là đất ở. Ðối với xã Ðông Phương, đơn vị tư vấn đã hoàn thiện xong việc chỉnh lý bản đồ, đã phối hợp với UBND xã lập hơn 5.300 hồ sơ và đã chuyển lên Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất huyện, trong đó gần 1.000 hồ sơ đất ở.

 

Mặc dù Ðông Hưng là một trong những huyện có tiến độ cấp GCNQSDÐ đạt cao của tỉnh, song số GCN đối với đất ở còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 12%, với 3.850 hồ sơ đã xét duyệt đủ điều kiện. Vì vậy, trong năm 2014, huyện Ðông Hưng cần tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDÐ đối với đất ở. Bởi, chỉ khi GCNQSDÐ đến tay người dân thì tình trạng khiếu nại, khiếu kiện về đất đai mới giảm; các cơ quan quản lý nhà nước mới có đủ căn cứ pháp lý để quản lý chặt chẽ tài nguyên đất và có “sổ đỏ” thì người dân mới dễ tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ðức Dũng

 

  • Từ khóa