Thứ 5, 14/11/2024, 23:33[GMT+7]

Công ty Điện lực Thái Bình Nhiều giải pháp giảm tổn thất điện năng

Thứ 2, 17/02/2014 | 19:24:55
1,742 lượt xem
Xác định giảm tổn thất điện năng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình sản xuất kinh doanh, những năm qua, Công ty Điện lực Thái Bình đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đối với việc vận hành, quản lý hệ thống đo đếm, đầu tư cải tạo lưới điện, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình chuẩn bị dây cáp điện vặn xoắn phục vụ công tác sửa chữa lưới điện.

Năm 2013, cùng với sự đổi mới trong công tác quản lý và nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công nhân viên, Công ty Điện lực Thái Bình đã hoàn thành khá toàn diện các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chỉ tiêu tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) thực hiện 8,76%, giảm nhanh và bền vững nhất so với các năm; giảm 0,39% kế hoạch và 0,61% so với năm 2012.

Theo Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình Trần Quốc Tuấn: Để đạt được kết quả đó, ngay từ đầu năm, Công ty đã xây dựng chương trình giảm TTĐN, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và đề ra những biện pháp chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc. Với phương châm: tất cả những việc làm đều thể hiện bằng các con số cụ thể chứ không dừng lại ở “khẩu hiệu” chung chung. Phòng Kỹ thuật Công ty đã thực hiện tính toán tổn thất kỹ thuật đường dây trung thế trên hệ thống phần mềm của ngành, từ đó xác định rõ từng loại tổn thất, trên cơ sở đó giao chỉ tiêu cho từng điện lực, gắn kết quả thực hiện giảm TTĐN với tiền lương, thưởng của các đơn vị.

Tại các điện lực, bố trí cán bộ phụ trách công tác giảm TTĐN, hàng tháng sau khi chốt chỉ số công tơ phải giải trình nguyên nhân và biện pháp xử lý các trạm biến áp có tổn thất bất thường về Công ty. Trong việc giải trình tổn thất, phải báo cáo cụ thể bằng những con số, sự việc như: công tơ cháy, hỏng; khách hàng lắp mới chưa ghi số; khách hàng trộm cắp điện; phóng sứ; cây va quệt vào đường dây... Từ đó, lãnh đạo Công ty kịp thời chỉ đạo giải quyết từng vụ việc cụ thể; đồng thời, có các hình thức xử lý đối với từng cá nhân liên quan.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, vận hành lưới điện cũng được chú trọng, với việc đầu tư nhiều hạng mục công trình cao, trung, hạ thế. Trong năm 2013, Công ty đã hoàn thiện nâng dung lượng máy biến áp (MBA) trạm 110 kV Thành phố từ 25 MVA lên 63 MVA, trạm 110 kV Hưng Hà từ 1x40 MVA lên 2x40 MVA; cải tạo, sửa chữa lớn một số đường dây trung thế 35 kV, 10kV huyện Hưng Hà, Thái Thụy, Vũ Thư, Tiền Hải, Quỳnh Phụ… Hàng tháng, Phòng Kế hoạch, Kỹ thuật, các đội quản lý vận hành đường dây… phối hợp kiểm tra các đường dây, các trạm biến áp có tổn thất bất thường, từ đó đề xuất các biện pháp xử lý triệt để, không để các MBA vận hành non tải, quá tải trên lưới điện. Trong năm, Công ty đã luân chuyển, nâng dung lượng chống quá tải 172 MBA, thay thế 26 MBA cách điện thấp, sửa chữa, xử lý 35 MBA chênh lệch điện trở một chiều, có khuyết điểm phần vỏ.

Ngoài ra, điện lực các huyện, thành phố đã tập trung lập kế hoạch sửa chữa, thực hiện các giải pháp kỹ thuật ngăn ngừa nguy cơ sự cố. Nhờ đó, số sự cố đã giảm so với cùng kỳ năm trước, với 494 sự cố thoáng qua, giảm 24 vụ; 86 vụ sự cố vĩnh cửu, giảm 11 vụ; không có sự cố MBA trung gian. Đối với lưới điện hạ áp nông thôn, để giải được bài toán giảm TTĐN, những năm qua, Công ty đã tranh thủ mọi nguồn vốn thực hiện nâng cấp, cải tạo lưới điện, với trên 800 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân.

Trong kinh doanh, Công ty đẩy mạnh kiểm tra, rà soát hệ thống đo đếm trên lưới điện để kịp thời thay thế hệ thống đo đếm hết hạn kiểm định. Trong năm 2013, Công ty đã thực hiện thay định kỳ 59.300 công tơ, đạt 250% kế hoạch Tổng Công ty giao; đồng thời tiến hành kiểm tra việc sử dụng điện đối với các khách hàng, phát hiện 108 trường hợp lấy cắp điện, truy thu 147.670 kWh, với số tiền 416 triệu đồng; hơn 1.100 vụ hư hỏng đo đếm, truy thu 375.900 kWh, tương ứng với hơn 600 triệu đồng. Trong ghi chỉ số công tơ, Công ty thường xuyên chấn chỉnh và xử lý kịp thời các trường hợp ghi sai, nhờ vậy chất lượng ghi chỉ số ngày càng được nâng cao, bảo đảm ghi đúng lộ trình, chu kỳ theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra những khách hàng có sản lượng lớn, các cơ sở tư nhân, hợp tác xã điện năng, công ty cổ phần điện năng, các khách hàng đã vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm lấy cắp điện.

Với các giải pháp cụ thể, đồng bộ, hy vọng mục tiêu giảm tỷ lệ TTĐN xuống dưới 8,75% trong năm 2014 của Công ty Điện lực Thái Bình sẽ sớm hoàn thành.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa