Thứ 5, 14/11/2024, 23:36[GMT+7]

Triển vọng từ dự án lớn  

Thứ 5, 20/02/2014 | 08:40:35
1,039 lượt xem
Những năm gần đây tỉnh ta có những bước phát triển đột phá về công nghiệp, đặc biệt đã khởi công nhiều dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia. Dự án xây dựng Trung tâm Ðiện lực Thái Bình ở xã Mỹ Lộc (Thái Thụy) là một điển hình trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Lễ ký hợp đồng EPC dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 giữa Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam với Tập đoàn Marubeni ( Nhật Bản).

 

Ngày 22/2 tới, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 là một trong 2 nhà máy của Trung tâm Ðiện lực Thái Bình, nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN)  làm chủ đầu tư sẽ chính thức được khởi công.

 

Dự án mang tầm cỡ quốc gia

 

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 có diện tích khoảng 115ha, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 600MW. Theo thiết kế, sản lượng điện phát hàng năm là 3,6 tỷ KW, vận hành trung bình 6.000 giờ/năm và sẽ phát điện lên lưới điện quốc gia qua đường dây 220kV mạch kép từ Trung tâm Ðiện lực Thái Bình - Trạm biến áp 220kV Thái Bình. Ðây là dự án lớn có tổng mức đầu tư là 26,5 nghìn tỷ đồng, tương đương với 1,27 tỷ USD, trong đó vốn vay ODA của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chiếm 85% (là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp 1,2%/năm), 15% còn lại là vốn đối ứng của EVN.

 

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi thông số cận tới hạn, là công nghệ được áp dụng nhiều trên thế giới, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Nhiên liệu sử dụng cho Nhà máy là than Antracite nội địa ở tỉnh Quảng Ninh với lượng tiêu thụ khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Xác định được tầm quan trọng của dự án, Ban quản lý dự án đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các hạng mục dùng chung của hai nhà máy là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 và Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với tổng tiến độ đến nay đạt 32,86%, trong đó phần thiết kế đạt 60,68%, lựa chọn thầu phụ đạt 81,43%, chế tạo, sản xuất, vận chuyển đạt 45,51%, thi công đạt 3,22%.

 

Ðối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam làm chủ đầu tư sẽ thực hiện các hạng mục gồm gói thầu EPC (tổng thầu chính), các gói thầu tách ra từ gói thầu EPC, khu công nhân vận hành và sửa chữa, nạo vét luồng lạch trước bến... Từ 29/5/2013, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã bàn giao mặt bằng của dự án cho Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam về các hạng mục dùng chung như đường giao thông vào Trung tâm, đê ngăn giữa bãi thải xỉ của 2 nhà máy, kênh dẫn nước vào trạm bơm nước tuần hoàn, cửa xả nước làm mát...

 

Đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện

 

Theo dự báo, nhu cầu điện nước ta tăng ở mức 17%/năm (phương án cơ sở), 20%/năm (phương án cao), trong đó xác định phương án cao là phương án điều hành, chuẩn bị phương án 22%/năm cho trường hợp tăng đột biến. Như vậy việc phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay là rất cần thiết. Những năm qua, chính sách phát triển nguồn điện được hoạch định là ưu tiên thủy điện, tuy nhiên tiềm năng thủy điện ở Việt Namon> đã được khai thác phần lớn.

 

Theo Tổng sơ đồ VII, cơ cấu nguồn điện năng năm 2020 gồm thủy điện chiếm 23,1%, thủy điện tích năng 2,4%, nhiệt điện than 48,0%, nhiệt điện khí đốt 16,5%, nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo 5,6%, điện hạt nhân 1,3% và nhập khẩu điện 3,1%. Ðể giảm bớt sự phụ thuộc vào điện nhập khẩu, tăng tính bền vững và bảo đảm an toàn cung cấp điện theo cơ cấu nguồn điện năm 2020, Tổng sơ đồ VII sẽ phát triển thêm nhiều dự án nhiệt điện than công suất lớn ở cả 3 miền. Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 với quy mô công suất 600MW là một điển hình. Sau khi xây dựng đưa vào vận hành sẽ đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của hệ thống điện Việt Namon> trong giai đoạn 2017 trở đi. Mặt khác Dự án sẽ làm tăng tỷ trọng giữa nguồn nhiệt điện và nguồn thủy điện trong hệ thống điện Việt Namon>, góp phần ổn định việc cung cấp điện cho nền kinh tế.

 

Triển vọng sau khi dự án hoàn thành

 

Theo kế hoạch, tổ máy số 1 sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại sau 43 tháng và tổ máy số 2 sẽ đưa vào vận hành sau 49 tháng kể từ ngày khởi công. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Hồng. Qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện. Ðặc biệt sẽ tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện vào mùa khô và các năm thiếu nguồn nước. Ðồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Dự án còn là cơ hội để phát triển nhiều ngành kinh tế khác trong vùng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định.

Thu Thủy

 

 

  • Từ khóa