Thứ 5, 14/11/2024, 23:43[GMT+7]

Nông dân nỗ lực vượt khó hoàn thành gieo cấy lúa xuân

Thứ 5, 06/03/2014 | 08:47:54
1,488 lượt xem
Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, đến ngày 3/3 toàn tỉnh có 6.758 ha lúa xuân bị ảnh hưởng nặng, trong đó 3.478 ha phải cấy lại hoàn toàn, còn lại phải cấy dồn và tỉa dặm. Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và bà con nông dân, đến nay đã cơ bản khắc phục được diện tích lúa bị chết rét.

Nông dân xã Phú Châu (Đông Hưng) tập trung gieo cấy lại lúa xuân

 

Ðến ngày 3/3, toàn tỉnh gieo cấy được 80.320 ha, vượt 0,61% so với kế hoạch sản xuất của các huyện, thành phố; gieo thẳng đạt 28.295 ha, tăng 28,72% so với vụ xuân năm 2013.

 

Nỗ lực từ đầu vụ

 

Ðể vụ xuân giành thắng lợi toàn diện theo mục tiêu của tỉnh đã đề ra, ngay trong những ngày đầu tháng 12/2013 khi một số địa phương đã lấy nước, gieo mạ dài ngày, có nơi cày lật, vệ sinh đồng ruộng chậm tiến độ, ngành Nông nghiệp đã đề nghị các huyện, thành phố phải chỉ đạo quyết liệt để nông dân thực hiện theo đề án sản xuất đã được phê duyệt. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngành Nông nghiệp đã có công văn đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng thực hiện các giải pháp theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Theo đó, các địa phương đã tổ chức kiểm tra, thẩm duyệt đề án sản xuất của các xã, thị trấn, phường theo đề án của huyện, thành phố đã ban hành. Ðồng thời chỉ đạo quyết liệt, cụ thể theo tinh thần làm từ sớm, ngăn chặn từ đầu, nhất là đối với các địa phương có truyền thống gieo cấy mạ dài ngày. Các huyện, thành phố đã có các biện pháp chỉ đạo kiên quyết, cụ thể tới từng thôn, xóm và gắn trách nhiệm của cán bộ phụ trách xã, cụm xã, cán bộ chủ chốt ở xã với việc thực hiện đề án sản xuất của tỉnh, huyện. Ngoài ra còn vận động nhân dân huy động lao động, máy móc để đẩy nhanh tiến độ cày lật đất trên những ruộng không trồng cây vụ đông để phơi ải, tăng dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất.

 

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương nên tình trạng gieo mạ dài ngày được hạn chế; tiến độ làm đất, nước đổ ải, gieo mạ theo lịch thời vụ cơ bản được bảo đảm. Ngay sau những ngày Tết Giáp Ngọ, các hộ nông dân đã tích cực bám đồng, thực hiện sản xuất vụ xuân theo chỉ đạo của HTX DVNN. Ðến ngày 6/2/2014 (mùng 7 Tết Giáp Ngọ), toàn tỉnh đã lấy nước và trữ nước được  trên 90% diện tích, gieo mạ được hơn 1.000 ha đủ cho 90% diện tích lúa cấy.

 

Vượt qua thách thức

 

Ngay sau đợt rét đậm, rét hại trong tháng 2 kết thúc, nhìn những thửa mạ, ruộng lúa trước đây xanh non là vậy giờ đây nhiều diện tích mạ chỉ còn là nắm bùn đen, lá lúa táp sát mặt ruộng chờ nhổ đi cấy lại mà lòng ai nấy đều xót xa. Theo đánh giá của các địa phương đến ngày 20/2, toàn tỉnh có khoảng 10.500 ha lúa cấy, gieo thẳng có nguy cơ bị chết, hoặc phải tỉa dặm lại. Mặc dù sau ngày 20/2 nhiệt độ tăng dần, thời tiết ấm hơn, nhưng trời vẫn mưa nặng hạt, song không vì thế mà nông dân nản lòng. Ði khắp các xứ đồng trong tỉnh, đâu đâu cũng có bóng dáng những người nông dân đang cặm cụi, cần mẫn khắc phục những diện tích lúa xuân bị chết và gieo cấy mới để kịp thời vụ.

Nông dân xã Song Lãng (Vũ Thư) nhổ mạ gieo cấy lại diện tích lúa xuân bị chết.

 

Bà Ðặng Thị Sính, thôn Tràng, Thị trấn Hưng Hà cho biết: Chồng hiện đang công tác tại UBND huyện Hưng Hà, các con đi công tác và đi học, chỉ còn mình bà ở nhà cấy 3 sào; vụ xuân cấy chủ yếu bằng giống BC15, BT7, nhưng đợt rét đậm, rét hại vừa qua làm chết cả 3 sào lúa, phải cấy lại hoàn toàn. Bà Sính không phải diện khó khăn, thấy lúa bị chết, các con thương mẹ đều khuyên bà bỏ ruộng, vụ sau cấy tiếp, nhưng bà nhất quyết không nghe, dù vất vả, tốn kém thêm bà vẫn bám ruộng để sản xuất.

 

Thực tế cho thấy, đợt rét đậm, rét hại vừa qua người nông dân không chỉ tốn thêm công sức mà còn thiệt hại khá lớn về kinh tế. Theo tính toán của các hộ nông dân, chi phí cho một sào lúa phải cấy lại tổng là trên 1 triệu đồng, bao gồm công cấy 2 lần tốn 400.000đồng, làm đất 160.000 đồng, 120.000 đồng tiền thóc giống, 300.000 đồng phân lân và các chi phí khác. Cực nhọc, tốn kém là vậy, nhưng với những người nông dân mảnh ruộng đã gắn bó và nuôi sống không biết bao thế hệ, nên dù có khó khăn, vất vả đến đâu họ vẫn bám ruộng để sản xuất. Không chỉ có bà Sính, còn rất nhiều hộ nông dân mà chúng tôi gặp như ông Lâu ở Phú Châu (Ðông Hưng), ông Chiêm ở Văn Lang (Hưng Hà), bà Quế ở Song Lãng (Vũ Thư)... dù khó khăn đến mấy họ vẫn quyết tâm khắc phục để gieo cấy lại, với niềm tin vụ xuân sẽ giành thắng lợi để góp phần ổn định cuộc sống.

 

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, kịp thời của UBND tỉnh, các huyện, thành phố và đoàn cán bộ tăng cường của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 3/3 toàn tỉnh đã khắc phục được trên 6.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng do rét đậm, rét hại. Cụ thể, 85% diện tích lúa chết rét hoàn toàn đã được gieo cấy lại, chỉ còn 15% chưa khắc phục xong do chờ mạ; dự kiến đến ngày 5/3 có mạ để cấy lại, riêng huyện Tiền Hải đến ngày 8/3. Như vậy, so với kế hoạch gieo cấy của các huyện, thành phố thì diện tích đã gieo cấy xong vượt 0,61%; những diện tích nằm ngoài kế hoạch đã cơ bản gieo cấy xong; một số diện tích gieo cấy sớm, nông dân đang tiến hành chăm sóc đợt 1.

Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa