Thứ 5, 14/11/2024, 23:28[GMT+7]

Hiệu quả nguồn vốn khuyến công ở Đông Hưng

Thứ 3, 18/03/2014 | 08:56:02
1,155 lượt xem
Những năm qua, nghề và làng nghề ở Ðông Hưng tiếp tục chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Nhờ đó tỷ lệ lao động có việc làm ngày càng tăng, thu nhập của người dân ngày càng ổn định. Nghề và làng nghề đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Kết quả đó có sự đóng góp đáng kể từ nguồn vốn khuyến công của huyện.

Cơ sở may công nghiệp Tuấn Hương (Đông Vinh) đào tạo nhiều lao động học nghề may công nghiệp

Lãnh đạo Phòng Công Thương huyện Ðông Hưng cho biết: Ðể tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân lúc nông nhàn, hàng năm UBND huyện đã trích hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ đào tạo nghề cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trong làng nghề. Ðặc biệt, để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua huyện đã đưa nguồn vốn khuyến công tập trung vào những xã phấn đấu đạt tiêu chí số 12 để nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.

Từ nguồn vốn này, trung bình hàng năm các xã đã đào tạo thêm được từ 500 - 700 lao động có việc làm với thu nhập bình quân từ 700.000 đồng - 1 triệu đồng/người/tháng. Ðiển hình như nghề mây tre đan, nghề may, đan bèo tây có thu nhập bình quân từ 1 - 1,8 triệu đồng/người/tháng, nghề  móc sợi bình quân từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2012, huyện đã triển khai 6 dự án đào tạo nghề với tổng số vốn 220 triệu đồng. Năm 2013, huyện đã trích 340 triệu đồng cho hoạt động khuyến công, trong đó 240 triệu đồng hỗ trợ đào tạo nghề ở 8 xã, bình quân mỗi xã được thụ hưởng 30 triệu đồng. Với nguồn vốn này, các cơ sở sản xuất trong làng nghề vừa giảm bớt được một phần kinh phí về đào tạo, vừa có thêm được nguồn lao động có tay nghề, chất lượng cao, góp phần đưa tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của địa phương ngày càng lớn. Ngoài nguồn vốn khuyến công của huyện, hàng năm có từ 3 - 4 dự án được thụ hưởng nguồn vốn khuyến công của tỉnh với số vốn từ 30 - 40 triệu đồng/dự án. Ðiển hình như năm 2013 đã có 4 cơ sở sản xuất ở xã Ðông Phương, Ðông Kinh, Ðông Cường sau khi nhận được nguồn vốn khuyến công của tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 300 lao động.

Ðặc biệt, để khuyến khích phát triển nghề và làng nghề, những năm qua Ðông Hưng cũng đã tập trung vốn khuyến công vào một số nghề mới như nghề đan bèo tây, nghề làm song mây. Cách làm đó đã giúp cho nhiều xã từ chỗ không có nghề phụ đến nay đã xuất hiện các cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Minh Châu vốn là xã không có ngành nghề truyền thống, từ năm 2010 cơ sở đan bèo tây Ðặng Văn Tiệp xuất hiện đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013 được nhận 30 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công của huyện, cơ sở đã mở 2 lớp dạy nghề đan hộp bằng bèo tây cho 100 lao động. Theo đánh giá của lãnh đạo xã Minh Châu, nghề đan hộp bằng bèo tây không những đem lại nguồn thu nhập lớn cho chủ cơ sở sản xuất mà tỷ lệ hộ nghèo của xã đến nay giảm còn 96 hộ, chiếm 7,4%.

 

Nhờ có 40 triệu đồng nguồn vốn khuyến công của huyện, Cơ sở sản xuất tăm hương Hoàng Thị Báu, xã Ðông Phương đã dạy nghề cho hàng trăm lao động địa phương.

Một số nghề yêu cầu kỹ thuật cao đối với người lao động, Ðông Hưng cũng đã chú trọng quan tâm để các cơ sở đào tạo dạy nghề. Cơ sở sản xuất gỗ lũa nghệ thuật Nguyễn Gia Thành, xã Ðông La là một điển hình. Khác với những ngành nghề khác, sản xuất gỗ đòi hỏi chi phí nguyên liệu, dụng cụ và thuê giáo viên khá tốn kém. Do đó năm 2013 huyện đã hỗ trợ cho cơ sở 30 triệu đồng để đào tạo nghề cho 20 lao động. Sau khi được đào tạo, các lao động đã được nâng cao tay nghề, sản xuất ra những mặt hàng nghệ thuật độc đáo như tượng ông Thần Tài, ông Thọ Ðào, bàn ghế phục vụ thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Kết quả đã không những giúp người lao động có thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng mà còn giúp cơ sở đạt doanh thu từ 4 - 5 tỷ đồng/năm. Năm 2013, cơ sở vinh dự được nhận giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua đã có nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tới việc đào tạo nghề cho người lao động trong làng nghề ở Ðông Hưng. Hầu hết các cơ sở trong làng nghề đều làm hàng xuất khẩu, mẫu mã sản phẩm thay đổi thường xuyên nên các lao động gặp không ít khó khăn trong việc hành nghề. Ngoài ra, nhiều lao động học xong nhưng không phát huy được nghề, thu nhập thấp nên chuyển sang làm nghề khác đã dẫn tới một số cơ sở thiếu hụt lao động, phải đào tạo lại. Bình quân hàng năm có khoảng 5 - 10% số lao động không duy trì làm nghề đã được đào tạo.

Năm 2014, huyện Ðông Hưng dự kiến sẽ trích 240 triệu đồng hỗ trợ cho 8 dự án để đào tạo cho khoảng 500 lao động, tập trung chủ yếu vào nghề mây tre đan và móc sợi. Theo đó các cơ sở sẽ đào tạo khoảng 50% lao động mới, còn lại sẽ tập trung đào tạo lao động làm các mặt hàng tinh xảo.

Thu Thủy

  • Từ khóa