Thứ 5, 14/11/2024, 11:18[GMT+7]

Hồi hương làm hương xuất khẩu

Thứ 2, 24/03/2014 | 09:06:09
8,607 lượt xem
Loay hoay đi tìm nghề rồi tự mở xưởng và nhận nông dân vào học nghề, 2 anh em Bùi Duy Tú (sinh năm 1981), Bùi Duy Quý (sinh năm 1983) ở thôn Hưng Ðạo 2, xã An Vinh (huyện Quỳnh Phụ) không những làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn giúp hàng chục người dân ở xã An Vinh có việc làm và thu nhập ổn định từ làm hương xuất khẩu.

Anh Bùi Duy Tú hướng dẫn nhân công sử dụng máy làm hương.

Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Tú đã có mấy năm đi làm công nhân ở trong nam, ngoài bắc, anh Quý thì 8 năm xuất khẩu lao động tại Malaysia và Nga. Ði làm xa, thu nhập có cao nhưng xa gia đình, không đóng góp nhiều cho quê hương nên năm 2010, 2 anh em Tú – Quý quyết định về quê lập nghiệp. Nhưng về quê ruộng ít, nghề thì không có, các anh đã trăn trở rất nhiều để tìm được một nghề vừa thích hợp với địa phương mình, vừa không đòi hỏi vốn lớn.

Tự tìm tòi, nghiên cứu hướng làm giàu. Nhận thấy thị trường tiêu thụ hương ở các nước có đông dân số theo đạo Phật như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Malaysia… có chiều hướng phát triển tốt, 2 anh em “khăn gói” sang Hải Dương, Hưng Yên học nghề, quyết tâm tìm tòi, thử nghiệm để sản xuất ra những que hương phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách nước ngoài. Sau gần 2 tháng học kỹ thuật pha chế nguyên liệu, cách “tút” hương sao cho đều, trở về nhà các anh đã bàn với gia đình đầu tư mua máy móc, nguyên liệu, rồi liên hệ chỗ tiêu thụ để sản xuất hương xuất khẩu sang Ấn Ðộ. Tháng 2/2011, với vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng (vay từ các ngân hàng và vốn huy động của gia đình), xưởng sản xuất hương xuất khẩu của 2 anh em được thành lập. Theo các anh, hương xuất khẩu và hương nội đều có quy trình sản xuất giống nhau là phối trộn nguyên liệu, se hương và phơi khô.

Tuy nhiên, nguyên liệu hoàn toàn khác nhau, hương tiêu thụ nội địa được làm từ nhựa thông, nhựa trám và than của một số thân cây khô, còn hương xuất khẩu làm từ than hoạt tính, mùn... Khách hàng nước ngoài yêu cầu kích cỡ cây hương phải đều nhau, thân hương bóng mịn, cháy đều. Ðể đáp ứng yêu cầu này, người thợ phải tuân thủ quy trình khắt khe khi phối trộn nguyên liệu, chỉ cần sai lệch một chút về tỷ lệ phối trộn là hỏng cả mẻ nguyên liệu. Những que hương được tút qua một loại máy hỗ trợ lăn hương để nguyên liệu làm hương bám chắc vào que. Sau đó, hương được đem phơi nắng và phân loại rồi đóng gói.

Theo anh Quý, mỗi nén hương làm ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng và qua kiểm định của bạn hàng nước ngoài như hương phải đều, nén nhỏ, chắc, không rạn nứt, sản xuất hoàn toàn bằng những nguyên liệu tự nhiên… Ðể đáp ứng những yêu cầu đó, các anh tìm đến nhiều nơi sản xuất hương để tham khảo, tìm hiểu cách làm. Những mẻ hương đầu, hạch toán hiệu quả kinh tế chưa có, thậm chí bị lỗ do năng suất chưa cao, kỹ thuật chưa đạt nhưng các anh không nản. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, một thời gian ngắn sau, kỹ thuật sản xuất hương đã được các anh cải tiến phù hợp, nén hương làm ra đạt chất lượng và được bạn hàng đánh giá cao.

Từ ngày mở xưởng, xưởng của anh Quý, Tú vẫn duy trì 22 máy tút hương tạo việc làm cho gần 30 lao động, chủ yếu là những phụ nữ lớn tuổi ở nông thôn có thể tranh thủ làm những lúc nông nhàn. Các anh cho biết, mỗi tháng, xưởng xuất khẩu từ 10 - 15 tấn hương (tùy theo điều kiện thời tiết nếu nắng thì sản lượng cao hơn), với giá 17.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, lãi 1.000 đồng/kg hương, mỗi năm các anh thu về khoảng 180 triệu đồng, thu nhập của nhân công thì theo sản phẩm (trung bình khoảng 2 triệu/người/tháng). Khi được hỏi về nhãn hiệu hương của cơ sở, anh Tú cho biết: sản phẩm được đóng gói và đánh mã số, chuyển qua công ty trung gian để xuất sang Ấn Ðộ, sản phẩm được xuất khẩu mới chỉ là hàng thô, sẽ được hoàn thiện ở bên nước bạn để phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Anh Quý chia sẻ: Ấn Ðộ là đất nước Phật giáo nên nhu cầu về hương đốt của họ rất lớn, song yêu cầu cũng rất khắt khe. Ðể xuất khẩu hương sang Ấn Ðộ không phải là điều dễ dàng. Khó khăn ban đầu đã vượt qua, với ý chí, lòng quyết tâm và sức trẻ, chúc cho xưởng làm hương xuất khẩu của 2 anh em Bùi Duy Tú, Bùi Duy Quý ngày càng phát triển.

Phương Chi

  • Từ khóa