Thứ 5, 14/11/2024, 11:18[GMT+7]

Công tác thú y thủy sản Còn nhiều thách thức

Thứ 5, 03/04/2014 | 09:38:25
1,346 lượt xem
Các giải pháp về công tác thú y thủy sản do Chi cục Thú y xây dựng khá chi tiết, cụ thể ở từng vấn đề từ việc củng cố công tác quản lý vùng nuôi, thanh tra, kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển, giám sát và báo cáo dịch bệnh... nhưng để thực hiện được cũng còn nhiều thách thức.

Các tư thương thu mua ngao tại Cảng cá Cửa Lân thuộc xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

 

Diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm trong toàn tỉnh đạt gần 15.000 ha, trong đó nuôi nước lợ 3.350 ha, nước mặn gần 3.000 ha, nước ngọt trên 8.500 ha, với trên 57.000 hộ nuôi trồng thủy sản. Năm 2013, sản lượng thủy sản đạt 117.959 tấn, giá trị đạt trên 740 tỷ đồng.

 

Mặc dù sản lượng, giá trị nuôi trồng thủy sản hàng năm đều có sự tăng trưởng khá, song sản xuất vẫn chưa bền vững, do dịch bệnh xảy ra còn nhiều và chưa được một số chính quyền địa phương chú trọng. Trong khi đó lực lượng cán bộ thú y chuyên về thủy sản từ tỉnh đến cơ sở còn quá mỏng để đảm nhiệm việc này, do đó công tác thú y thủy sản đang đặt ra nhiều thách thức.

 

Ông Nguyễn Văn Ðức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Hiện nay Chi cục Thú y chỉ có 3 cán bộ có trình độ đại học về nuôi trồng và bệnh học thủy sản, trong đó 1 cán bộ thuộc Phòng Dịch tễ thú y, 2 cán bộ thuộc Trạm Thú y Tiền Hải và Thái Thụy; lực lượng cán bộ thú y còn lại chủ yếu mới được tập huấn về công tác thú y thủy sản. Chính vì vậy, lực lượng thú y chuyên về việc này từ tỉnh đến cơ sở còn quá mỏng so với yêu cầu thực tế đặt ra. Ngoài ra, những địa phương có ít diện tích nuôi thủy sản thì chính quyền hầu như buông lỏng, không tổ chức, triển khai hướng dẫn, quản lý về công tác thú y thủy sản.

 

Thực tế cho thấy, những diện tích ao, đầm nằm xen kẽ với các thổ cư, hoặc trên đất ở của các hộ gia đình rất ít khi thực hiện cải tạo ao đầm, giống thả không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, việc giám sát, kiểm tra dịch bệnh của người nuôi thủy sản vẫn còn thờ ơ nên không phát hiện sớm dịch bệnh, thậm chí khi xảy ra dịch bệnh các hộ nuôi thủy sản vẫn không chấp hành các quy định, xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở. Ðặc biệt có những mô hình khuyến nông về nuôi trồng thủy sản của tỉnh khi nhập giống nuôi về cũng chưa thực hiện khai báo kiểm dịch và nguồn gốc xuất xứ giống theo quy định. Ðối với Chi cục Thú y, do lực lượng cán bộ thú y thủy sản ít nên việc kiểm tra, kiểm dịch còn thấp hơn nhiều so với thực tế lượng giống các hộ nuôi thả.

 

Năm 2013, Chi cục mới thực hiện kiểm tra, kiểm dịch được 3,05 triệu con tôm sú giống, 12.500 con tôm thẻ chân trắng giống, 2 triệu con cá rô phi và 5.400 con cá song giống. Ðối với việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y ở các cơ sở sản xuất giống thủy sản mới thực hiện được 6/22 cơ sở, đồng thời chưa kiểm tra được các cơ sở kinh doanh giống thủy sản; việc kiểm tra, quản lý kinh doanh thuốc thú y thủy sản cũng chưa được thực hiện.

 

Với những hạn chế về công tác thú y thủy sản trên, thực tế đã trả lời bằng việc dịch bệnh xuất hiện trên nhiều đối tượng nuôi như cá, ngao, tôm. Cụ thể, tháng 3/2013 qua giám sát tại cơ sở của Chi cục Thú y đã phát hiện 1 ao ương giống cá điêu hồng thả được 3 ngày nhập từ tỉnh Ðồng Tháp bị chết của trang trại ông Phạm Bá Vang, xã Vũ Vân (Vũ Thư); diện tích ao có cá chết là 3.200m2/22.000m2 tổng diện tích ao nuôi; nguyên nhân cá chết do nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

 

Ðối với ngao, từ ngày 20 - 23/3/2013, tại xã Nam Phú (Tiền Hải) có khoảng 3 ha/179 ha nuôi ngao của toàn xã có ngao chết, kích cỡ khoảng 200 - 350 con/kg. Qua điều tra của Chi cục Thú y, nguyên nhân ngao chết do mật độ nuôi cao, khi ngao mới chết với tỷ lệ thấp, người nuôi ngao không thực hiện vệ sinh, thu dọn xác ngao chết kịp thời; khi ngao chết nhiều mới tập trung thu, xử lý vỏ ngao, nhưng không thực hiện theo quy định.

 

Từ ngày 6/5 - 11/6/2013, Chi cục Thú y phát hiện tôm nuôi ở 265 hộ, thuộc xã Thái Ðô (Thái Thụy), Ðông Minh, Nam Cường, Nam Thịnh (Tiền Hải) bị bệnh đốm trắng chết, với tổng diện tích tôm bị bệnh là 50,745 ha, lượng giống đã thả 8,157 triệu con.

 

Năm 2014, để chủ động phòng ngừa dịch bệnh phát sinh trên động vật thủy sản, góp phần bảo đảm cho nghề này phát triển ổn định, Chi cục Thú y đã xây dựng kế hoạch và đề ra nhiều giải pháp. Những xã có vùng nuôi thủy sản tập trung cần tăng cường sự chỉ đạo, củng cố, nâng cao vai trò của HTX DVNN, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản. Thực hiện thanh tra, kiểm tra về việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh, điều kiện vệ sinh thú y đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, giống thủy sản. Kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện kiểm dịch đối với tất cả các loại giống thủy sản trước khi xuất khỏi trại, cơ sở sản xuất.

 

Người nuôi thủy sản khi phát hiện đối tượng nuôi nghi nhiễm bệnh, hoặc chết bất thường cần phải báo ngay cho chính quyền địa phương, đồng thời thông báo cho các tổ chức, cá nhân nuôi xung quanh biết để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh... Các giải pháp về công tác thú y thủy sản do Chi cục Thú y xây dựng khá chi tiết, cụ thể ở từng vấn đề từ việc củng cố công tác quản lý vùng nuôi, thanh tra, kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển, giám sát và báo cáo dịch bệnh... nhưng để thực hiện được cũng còn nhiều thách thức. Bởi thực trạng dịch bệnh thủy sản hàng năm vẫn xảy ra ở một số địa phương và chưa có sự quan tâm của chính quyền cơ sở đối với quản lý dịch bệnh nuôi trồng thủy sản, cũng như lực lượng cán bộ thú y thủy sản còn thiếu thì việc phòng, chống dịch bệnh thủy sản khó có thể thực hiện được một cách hiệu quả.

 

Thiết nghĩ chỉ khi nào chính quyền địa phương thực hiện chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và người nuôi trồng thủy sản nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh để phối hợp với các cơ quan chức năng thì công tác thú y thủy sản mới phát huy được hiệu quả.

    Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa