Thứ 4, 20/11/2024, 07:37[GMT+7]

Để ngư dân bám biển đánh bắt xa bờ

Thứ 3, 08/04/2014 | 21:01:35
3,119 lượt xem
Những năm qua, ngư dân trong tỉnh chủ yếu đánh bắt tầm trung và ven bờ, chưa khai thác được nhiều hải sản xa bờ do nhóm tàu có công suất nhỏ hơn 20 CV chiếm tỷ lệ lớn, tàu có công suất trên 90 CV chiếm tỷ lệ nhỏ. Để khai thác hải sản vùng biển Thái Bình nằm trong vịnh Bắc Bộ, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành để ngư dân phát triển phương tiện đánh bắt xa bờ có hiệu quả.

Ngư dân đan vá lại lưới tại Cảng cá Tân Sơn, Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) để chuẩn bị cho chuyến đi biển mới.

Thái Bình có 52 km bờ biển thuộc huyện Tiền Hải, Thái Thụy, cùng với 5 cửa sông lớn gồm: sông Hồng, Trà Lý, Mai Diêm, Thái Bình và sông Lân rất thuận lợi cho việc phát triển khai thác thủy sản. Trong những năm qua, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư kinh phí đóng mới, cải hoán tàu cá để đánh bắt hải sản xa bờ, góp phần không nhỏ nâng cao năng suất, giá trị khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng trên 10%/năm. Tuy nhiên, ngư dân chủ yếu đánh bắt tầm trung và ven bờ, chưa khai thác được nhiều hải sản xa bờ, do nhóm tàu có công suất nhỏ hơn 20 CV chiếm tỷ lệ lớn, tàu có công suất trên 90 CV chiếm tỷ lệ nhỏ. Để khai thác hải sản vùng biển Thái Bình nằm trong vịnh Bắc Bộ, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành để ngư dân phát triển phương tiện đánh bắt xa bờ có hiệu quả.

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.202 tàu đánh bắt cá, với tổng công suất máy là 75.211 CV, trong đó 180 chiếc có công suất máy trên 90CV. Những năm gần đây, công nghệ khai thác hải sản đã có sự thay đổi theo hướng hiện đại, một số ngư dân đã đầu tư các loại lưới đánh bắt hải sản cho hiệu quả kinh tế cao như lưới 3 lớp khai thác mực nang, lưới rê cá dưa, cá đé, lưới rê 2 tầng... Đồng thời, việc đầu tư đóng mới, cải hoán các phương tiện đánh bắt đang có sự chuyển dịch sang nhóm tàu có công suất máy trên 90 CV để khai thác xa bờ. Việc đóng mới, cải hoán các phương tiện đánh bắt đã tác động rất lớn tới năng suất khai thác thủy sản.

Cùng với việc khai thác thủy sản, cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá cũng phát triển khá mạnh, toàn tỉnh hiện có 147 cơ sở chế biến thủy sản, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, cá khô, cá bột... Hàng năm các cơ sở này đã thu mua của ngư dân hàng chục nghìn tấn sản phẩm thủy sản. Mặc dù sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đều có sự tăng trưởng cao, song thẳng thắn nhìn nhận lại thì nghề cá hoạt động vẫn ở quy mô nhỏ, cơ cấu thuyền đánh bắt, dịch vụ hậu cần chưa hợp lý, chưa khai thác hết tiềm năng hiện có.

Cuối tháng 3/2014, chúng tôi có mặt tại Cảng cá Tân Sơn, Thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) nhìn những chiếc tàu neo đậu nằm im lìm tại Cảng, một số ngư dân tranh thủ lúc nhàn rỗi ngồi đan, vá lại lưới... khung cảnh diễn ra thật thanh bình. Trước khi về đây ai cũng nghĩ Cảng cá Tân Sơn sẽ rất tấp nập, nhộn nhịp cảnh tàu, thuyền đánh bắt cá ra, vào, người mua, người bán nhộn nhịp. Được biết, Thái Thụy hiện có 460 phương tiện khai thác hải sản, với tổng công suất là 33.205 CV, vỏ tàu chủ yếu được đóng bằng gỗ, xi măng lưới thép, vỏ nan tre, chỉ có 3 phương tiện đóng bằng vỏ thép.

Anh Nguyễn Văn Đức, Khu 9, Thị trấn Diêm Điền cho biết: Ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt ven bờ, đi lại trong ngày, rất ít tàu đánh bắt xa bờ do công suất tàu không đủ lớn, đồng thời chi phí một chuyến đi quá cao. Hiện nay, 3 anh em gia đình anh Đức có 2 tàu với công suất trên 300 CV, nhưng cũng chỉ đánh bắt ven bờ, chi phí mỗi chuyến đi ra biển khoảng 20 triệu đồng, nếu đánh bắt thuận lợi thì được khoảng 10 tấn hải sản, lợi nhuận được khoảng 20 - 30 triệu đồng; nhưng cũng có chuyến không thuận lợi, đánh bắt chỉ  được vài tấn, may thì hòa vốn, có khi còn bị lỗ.

Cũng theo anh Đức, như cặp tàu của gia đình anh công suất đủ để đánh bắt xa bờ, nhưng không có vốn nên đóng nhỏ, vỏ bằng gỗ, chi phí 1,5 tỷ đồng/tàu; nếu đóng vỏ tàu to thì chi phí khoảng 2 tỷ đồng/tàu. Đồng thời, muốn đánh bắt xa bờ phải có vốn lớn, bởi 1 chuyến đi có khi kéo dài 1 tháng, tổng chi phí từ 500 - 600 triệu đồng nên rất ít ngư dân đánh bắt xa bờ.

Thực tế cho thấy, thiếu vốn đầu tư để đánh bắt hải sản xa bờ đang là vấn đề bức thiết đối với ngư dân có nhu cầu đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu thuyền và mua sắm lưới, ngư cụ. Hiện nay, để đóng mới một phương tiện đánh bắt xa bờ trang bị đầy đủ lưới nghề cần phải đầu tư từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Trong khi đó việc tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại để đóng mới, cải hoán các phương tiện khai thác hải sản hết sức khó khăn. Chính vì vậy ngư trường vùng khơi nhiều chỗ bị bỏ trống, tạo cơ hội cho tàu nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển có chủ quyền của Việt Nam để khai thác trộm hải sản.

Ngoài ra còn nhiều khó khăn cần giải quyết để ngư dân bám biển đánh bắt xa bờ như thiếu nhân lực cho nghề cá. Bởi lao động khai thác hải sản có tính đặc thù, đi biển dài ngày, điều kiện lao động khắc nghiệt, nhiều rủi ro và không ổn định. Phần lớn lao động nghề cá hiện nay chưa qua đào tạo, trình độ chuyên môn kỹ thuật chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, khai thác thủ công là chủ yếu, chưa đầu tư, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại. Mặt khác, một số cảng, bến cá trong quá trình khai thác đã xuống cấp và thiếu trang thiết bị như cầu cảng thiếu hệ thống đệm chống va, cọc neo buộc tàu, luồng tàu bị bồi lắng nên ra, vào khó khăn. Đối với đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đáp ứng được xu thế phát triển của đội tàu đánh bắt xa bờ, do sức chở hạn chế, thiếu sự liên kết giữa dịch vụ hậu cần với tàu khai thác hải sản...

Thực trạng khai thác thủy sản trên cho thấy, để ngư dân bám biển đánh bắt xa bờ trước mắt cần phải tổ chức lại sản xuất từ việc khai thác đến hiện đại hóa đội tàu cho phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường. Hiện nay, tỉnh, ngành Nông nghiệp và các đơn vị chức năng liên quan có những động thái tích cực  xây dựng các giải pháp đồng bộ để phát triển phương tiện đánh bắt xa bờ. Trước mắt, các cấp chính quyền cơ sở đang quản lý tàu khai thác hải sản cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên cho ngư dân nhận thức đúng vai trò của việc phát triển phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ. Đồng thời xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, năng lực quản lý, nhất là quản lý tàu đánh bắt cá xa bờ, hạn chế đóng mới, mua tàu cá dưới 90 CV... Mặt khác, cần tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ khai thác hải sản như máy dò cá, độ sâu, định vị vệ tinh, thông tin liên lạc giúp các chủ phương tiện nâng cao hiệu quả khai thác mỗi lần ra khơi. Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ đủ mạnh, có khả năng vươn khơi để thu mua, sơ chế trên biển, phục vụ đội tàu khai thác hải sản xa bờ trong ngư trường vịnh Bắc Bộ và cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh...

Nguyên Bình

  • Từ khóa