Thứ 7, 23/11/2024, 17:41[GMT+7]

Nhân rộng các tổ, nhóm diệt chuột có hiệu quả

Thứ 5, 24/04/2014 | 09:47:03
1,944 lượt xem
Trong những năm gần đây, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho các địa phương hàng tỷ đồng/năm để tổ chức chiến dịch diệt chuột đồng loạt. Tuy nhiên, do chuột sinh sản quá nhanh, liên tục nên hiệu quả diệt chuột chưa cao. Sự tàn phá của chuột với sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân ngày càng nghiêm trọng, mỗi năm hàng nghìn héc-ta lúa, cây màu bị chuột gây hại nặng nề, nhiều ruộng bị mất trắng.

Nông dân xã Vũ lạc (Thành phố Thái Bình) sử dụng nilon quây ruộng ngay khi lúa mới cấy để chuột không vào phá hại.

 

Thời gian qua, các địa phương đã tổ chức diệt chuột bằng nhiều biện pháp như hóa học, thủ công, sinh học để bảo vệ sản xuất và đời sống. Hàng năm, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua thuốc hóa học cho nông dân diệt chuột đồng loạt 1 lần vào giai đoạn đổ ải chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Tuy nhiên, việc diệt chuột bằng thuốc hóa học 1 lần/năm chỉ có hiệu quả ở một giai đoạn nhất định, sau đó chuột tiếp tục sinh sản và gậy hại.

 

Ngoài ra, do đặc tính sinh học của chuột đẻ nhiều, liên tục và gặm nhấm để mài răng nên biện pháp diệt bằng hóa học không phải lúc nào cũng có hiệu quả cao và áp dụng được. Diệt chuột bằng hóa học chỉ có hiệu quả cao khi nguồn thức ăn trên đồng ruộng cạn kiệt. Ðối với diệt chuột bằng sinh học hiện nay rất khó khăn, hầu như không phát huy được tác dụng, do lượng mèo, chó nuôi trong dân chủ yếu theo hình thức nhốt, hoặc xích; các loài rắn, chim cú mèo bắt chuột không còn nhiều.

 

Những năm gần đây, việc tổ chức đánh bắt chuột bằng thủ công ở các xã, thị trấn có triển khai, nhưng người dân cũng ít thực hiện, do đó số lượng chuột bắt thủ công ngày càng giảm như năm 2011 toàn tỉnh bắt được trên 1,1 triệu con, năm 2012 bắt được 355.525 con và năm 2013 chỉ bắt được 198.000 con.

 

Hiện nay, các hộ nông dân chủ yếu bảo vệ ruộng của gia đình mình theo hình thức quây nilon quanh ruộng để ngăn chặn chuột vào. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tức thời, không mang tính cộng đồng cao, chi phí lớn (75.000 - 80.000 đồng/sào), trong khi đó chuột vẫn sống và tồn tại ngoài đồng ruộng. Với các giải pháp trên, chuột vẫn ngày một gia tăng, gây hại nghiêm trọng trên đồng ruộng.

 

Thực tế cho thấy, vụ xuân năm 2013, lúa từ giai đoạn làm đòng đến cuối vụ, mật độ chuột gia tăng rất nhanh và gây hại những diện tích lúa ở ven đường to, bờ lớn, gò đống; toàn tỉnh có 120 ha lúa bị chuột gây hại, trong đó có 30 ha bị mất trắng. Ðối với vụ mùa, toàn tỉnh có 5.100 ha lúa bị chuột gây hại làm giảm năng suất từ 20% trở lên, trong đó 510 ha lúa bị mất trắng hoàn toàn. Trước nạn chuột hoành hành, phá hoại mùa màng ngày càng nghiêm trọng, một số địa phương đã hình thành các tổ, nhóm để đánh bắt chuột.

Sử dụng nilon ngăn cản chuột vào ruộng gây hại tại đồng ruộng xã Vũ Ninh (Kiến Xương).

 

Tại xã An Tràng (Quỳnh Phụ) người dân đã tự hình thành một tổ, nhóm khoảng 10 người đi đánh bắt chuột bằng biện pháp thủ công để bán theo đơn đặt hàng, chế biến làm thức ăn. Tổ, nhóm đánh bắt chuột này tự trang bị các dụng cụ và rất am hiểu quy luật di cư, hang ổ và cách đánh bắt chuột có hiệu quả. Chính vì vậy, tổ, nhóm đánh bắt chuột ở An Tràng được nhiều địa phương thuê đến để diệt chuột, ngày nhiều nhất có thể bắt được 200kg chuột.

 

Ngoài tổ, nhóm diệt chuột hình thành tự phát của một số người dân, hiện nay một số HTX DVNN cũng đã thành lập được các tổ, nhóm diệt chuột như HTX DVNN xã Ðông Quý (Tiền Hải), Ðiệp Nông (Hưng Hà), Thụy Lương (Thái Thụy), An Khê (Quỳnh Phụ). Số lượng của tổ, nhóm này từ 10 - 15 người có kinh nghiệm diệt chuột, tổ này vừa hoạt động kiêm nhiệm từ việc diệt chuột đến làm công tác thủy nông, bảo vệ đồng ruộng dưới sự chỉ đạo, quản lý của HTX DVNN. Nguồn kinh phí chi trả cho tổ, nhóm diệt chuột được thu theo đầu sào của các hộ nông dân từ 4 - 5 kg thóc/sào/năm, trong đó chi cho diệt chuột 2 kg, bảo vệ đồng ruộng và thủy nông 2 - 3 kg thóc.

 

Việc trông coi đồng ruộng và diệt chuột được thực hiện theo thỏa thuận, nếu hộ dân thiệt hại dưới 10m2 lúa thì không phải bồi thường, thiệt hại trên 10m2 thì tổ, nhóm diệt chuột phải bồi thường năng suất mất do chuột gây hại theo năng suất bình quân trong vùng. Hiệu quả diệt chuột từ hình thức tổ, nhóm này rất cao, người nông dân yên tâm sản xuất, những thành viên của tổ, nhóm này có thêm thu nhập và có ý thức trách nhiệm trên đồng ruộng.

 

Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) cho biết: Hiện nay ở Ðiệp Nông có 40 người được tuyển chọn từ các thôn làng tham gia tổ, nhóm diệt chuột, họ vừa trông coi đồng ruộng, vừa làm công tác thủy nông và diệt chuột. Ngoài ra, Ðiệp Nông còn phát động toàn dân tham gia diệt chuột, với mức hỗ trợ 2.000 đồng/đuôi chuột ở thời điểm chuột ít, ở đợt cao điểm chuột sinh sản, phá hoại nhiều hỗ trợ là 3.000 đồng/đuôi chuột. Do làm tốt công tác diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp nên năng suất lúa, cây màu ở Ðiệp Nông luôn là một trong những xã đứng đầu huyện.

 

Theo đánh giá của các HTX DVNN có tổ, nhóm diệt chuột hiện nay thì hình thức này có thể giải quyết được tình trạng chuột gia tăng gây hại trên đồng ruộng, đồng thời kinh phí trả cho các thành viên cũng không quá cao, do kết hợp được các khâu dịch vụ lại với nhau.

 

Ðể bảo vệ sản xuất và đời sống của người dân, các xã, thị trấn trong tỉnh cần học hỏi kinh nghiệm về cách thức tổ chức, kỹ thuật diệt chuột và các trang bị, dụng cụ từ các tổ, nhóm diệt chuột trên để hình thành các tổ, nhóm diệt chuột ở địa phương mình. Nếu không nhân rộng được hình thức diệt chuột này thì các vùng đánh bắt chuột có hiệu quả cũng không được bền vững vì chuột vẫn có sự di cư từ vùng này sang vùng khác.

            Nguyên Bình

 

  • Từ khóa