Thứ 7, 23/11/2024, 18:20[GMT+7]

Nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động xuất nhập khẩu

Thứ 6, 25/04/2014 | 08:09:48
1,822 lượt xem
Thời gian qua tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chưa bền vững, cơ cấu hàng xuất khẩu của tỉnh ta chuyển biến chậm, nhiều sản phẩm có dấu hiệu chững lại. So với cả nước, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,68%. Giá trị gia tăng kim ngạch xuất khẩu thấp và tập trung chủ yếu vào sản phẩm dệt may, trong khi ngành may lại phần lớn là gia công.

Dây chuyền sản xuất ở Công ty May xuất khẩu Việt Thái.

Những năm qua, nền kinh tế toàn cầu suy giảm đã tác động không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Namon> nói chung, tỉnh ta nói riêng. Nhiều mặt hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh, luôn chiếm tỷ trọng lớn nhưng thị trường xuất khẩu chưa thật sự bền vững và tương xứng với lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như sản phẩm dệt may, nông sản thực phẩm, luyện kim, thiết bị điện, điện tử, thủy tinh cao cấp, pha lê và hàng thủ công mỹ nghệ.

 

Ðiểm đáng ghi nhận ở lĩnh vực này là thời gian qua các doanh nghiệp trên địa bàn đã nỗ lực tìm kiếm thị trường đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tránh tồn kho đọng vốn. Tới nay đã có 151 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp, trong đó có 25 doanh nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch xuất khẩu từ trên 10 triệu USD - 100 triệu USD, 26 doanh nghiệp xuất khẩu đạt từ trên 5 triệu USD - 10 triệu USD, số còn lại hầu hết xuất khẩu đạt trên 1 triệu USD - 5 triệu USD. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 975 triệu USD, tăng 21% so với năm 2012, đạt 110% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 875 triệu USD, tăng 12,6% so với năm 2012, đạt 102,5% kế hoạch.

 

Hết quý I/2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 221,9 triệu USD, tăng 13,91%, đạt 20,65% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu đạt 190,3 triệu USD, tăng 18,74%, đạt 19,22% kế hoạch. Ðến nay, ngoài phát triển thêm 5 thị trường xuất khẩu mới, thị phần ở thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ðài Loan tiếp tục được gia tăng. Ðặc biệt,  đã phát triển thêm 7 mặt hàng xuất khẩu mới như xi măng trắng, sứ vệ sinh, gạch ốp lát, bát đĩa, ngao cấp đông nguyên con, đường kính trắng và phôi thép. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu có bước chuyển biến tích cực, trong đó hàng dệt may chiếm 61,17%, nông sản thực phẩm chiếm 2,65%, vật liệu xây dựng chiếm 5,59%, cơ khí chế tạo 14,4%.

 

Tuy nhiên, thời gian qua tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chưa bền vững, cơ cấu hàng xuất khẩu của tỉnh ta chuyển biến chậm, nhiều sản phẩm có dấu hiệu chững lại. So với cả nước, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,68%. Giá trị gia tăng kim ngạch xuất khẩu thấp và tập trung chủ yếu vào sản phẩm dệt may, trong khi ngành may lại phần lớn là gia công. Sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của tỉnh như nông sản thực phẩm chế biến phát triển chưa mạnh, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nguồn nguyên liệu phần lớn lệ thuộc thị trường bên ngoài, ngay cả nguồn nguyên liệu chế biến nông sản thực phẩm vốn được coi là lợi thế của tỉnh cũng vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chất lượng.

 

Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực chưa ổn định. Ðiển hình như mặt hàng gạo, hiện nay một số công ty muốn xuất sang thị trường châu Phi nhưng rất khó thực hiện được do đây lại là thị trường mới, mức độ rủi ro lớn, hai bên đều thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau, chưa tạo được mối quan hệ thân thiết, chặt chẽ. Trong khi đó, gạo giá rẻ của Ấn Ðộ và Thái Lan liên tiếp xả hàng, khiến sản phẩm của tỉnh đã khó tiếp cận lại càng khó cạnh tranh.

 

Hơn nữa khoảng cách địa lý của Việt Namon> lại xa nên chi phí vận chuyển cũng cao hơn. Hiện tại, trong tỉnh đã có Công ty TNHH Hưng Cúc và Công ty TNHH Thủy Dương đã có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Năm 2013, các doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện xuất khẩu gạo đạt khoảng 15.000 tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu chính ngạch mới chỉ đạt 703,615 tấn, trị giá khoảng 634.000 USD, còn lại chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

 

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn muốn thâm nhập vào thị trường EU nhưng do việc kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu rất khắt khe nên các công ty vẫn chưa thể thực hiện được. Ðối với một số sản phẩm khác như hàng gốm sứ, thủy tinh, pha lê, hầu hết các doanh nghiệp ở huyện Tiền Hải đều phải tự tìm kiếm thị trường, trực tiếp liên hệ đưa hàng đến với thị trường các nước. Do vậy số lượng hàng hóa được xuất đi mặc dù có tăng nhưng vẫn còn thấp. Hầu hết mới chỉ chiếm 20 - 30% tổng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp.

 

Ðối với thị trường trong nước, mặc dù thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội đưa một số sản phẩm của tỉnh vào hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị của Hà Nội như thủy - hải sản, gạo, bí xanh, thanh long ruột tím cho hệ thống Siêu thị Fivimart, Siêu thị Hapro, Hapromar... tuy nhiên số lượng tiêu thụ cũng rất hạn chế.  

 

Ðể đạt mục tiêu xuất khẩu 1.006 triệu USD trở lên, nhập khẩu đạt 900 triệu USD trở lên trong năm 2014, thời gian tới tỉnh ta tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp của địa phương đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm uy tín trong nước, đặc biệt là hội chợ triển lãm ở nước ngoài theo ngành hàng. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, cơ chế một cửa - một cửa liên thông; giải quyết nhanh thủ tục khai báo hải quan, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu nguyên liệu và chính sách tín dụng ưu đãi đối với sản xuất hàng xuất khẩu. Ưu tiên phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm, thủy hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề, đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu. Ngoài ra, tiếp tục quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản thực phẩm để các doanh nghiệp đủ nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

       Thu Thủy

 

 

  • Từ khóa