Thứ 4, 13/11/2024, 06:41[GMT+7]

Sâu bệnh diễn biến phức tạp trên lúa xuân

Thứ 3, 29/04/2014 | 08:13:44
1,605 lượt xem
Ðể bảo đảm vụ lúa xuân giành thắng lợi, hiện nay các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, trước mắt tập trung vào bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ.

Nông dân xã Đông Hòa (Thành phố Thái Bình) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân. Ảnh: Minh Đức

 

Tháng 4 năm nay nền nhiệt ở mức thấp so với cùng kỳ nhiều năm, ẩm độ không khí luôn cao, cùng với sự sinh trưởng của lúa trong giai đoạn phân hóa đòng nên bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy... phát sinh và diễn biến khá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại lúa vụ xuân trên diện rộng. Ðể bảo đảm vụ lúa xuân giành thắng lợi, hiện nay các địa phương đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, trước mắt tập trung vào bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ.

 

Vụ lúa xuân năm 2014 là vụ gieo cấy kéo dài nhất so với nhiều năm gần đây, diện tích cấy sớm nhất vào khoảng 25/1, diện tích cấy muộn nhất là ngày 15/3. Do thời vụ kéo dài khoảng 50 ngày nên các trà lúa sinh trưởng, phát triển không đồng đều, do đó việc phòng trừ sâu bệnh sẽ khác nhau, đồng thời sâu bệnh kéo dài phải phòng trừ thành nhiều đợt trong vụ.

 

Ngoài ra, do lúa xuân ở giai đoạn đầu vụ chậm phát triển nên việc bón thêm đạm đơn và phun phân qua lá được sử dụng nhiều, kết hợp với mưa rào sớm nên từ cuối tháng 3 đến nay lúa sinh trưởng, phát triển tốt, số dảnh hữu hiệu cao, lá xanh mềm; tình trạng dư thừa phân bón đã biểu hiện ở một số diện tích tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại lúa xuân.

 

Bà Tạ Thị Minh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Bệnh đạo ôn xuất hiện từ đầu tháng 2 trên mạ gieo dược giống Xi23, BC15, mặc dù Chi cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu các xã, hộ gia đình có mạ bị bệnh tiêu hủy, nhưng việc hủy mạ không được triệt để, vẫn còn một số hộ nông dân mang mạ bị bệnh ra ruộng cấy. Trên lúa, bệnh đạo ôn xuất hiện sớm và gây hại từ đầu tháng 3, bệnh chủ yếu phát sinh trên các giống nhiễm và trên các ruộng lúa có nguồn bệnh từ mạ mang ra ruộng cấy.

 

Từ đầu tháng 4 đến nay, thời tiết và sinh trưởng của lúa rất phù hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh, lây lan nhanh trên diện rộng; đến ngày 10/4 toàn tỉnh có 23.300 ha lúa bị bệnh đạo ôn, trong đó 2.872 ha bị nặng và 7,2 ha lúa bị lùn lụi. Trước diễn biến phức tạp của bệnh đạo ôn hại lúa, tỉnh và ngành Nông nghiệp đã có công điện, công văn chỉ đạo, hướng dẫn việc phòng trừ bệnh đạo ôn để bảo vệ lúa xuân.

 

Ðến nay, những diện tích lúa bị nhiễm đều được phun thuốc phòng trừ từ 1 - 3 lần, do đó bệnh đạo ôn đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, bệnh đạo ôn vẫn còn tiềm ẩn gây hại lúa xuân, dự báo bệnh tiếp tục phát sinh đến hết tháng 4 và gây hại cục bộ trên diện tích gieo thẳng, lúa cấy muộn trong tháng 3.

 

Nông dân xã Vũ Ninh (Kiến Xương) phun phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa vụ xuân.

Ngoài ra, những diện tích lúa trỗ trước ngày 10/5 cần tổ chức phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông, những diện tích lúa khác cần phải theo dõi để phòng trừ kịp thời khi bệnh đạo ôn xuất hiện trên lúa. Cũng theo bà Minh, sâu cuốn lá nhỏ năm nay diễn biến rất phức tạp, sâu trưởng thành liên tục xuất hiện trên đồng ruộng từ trung tuần tháng 3 đến nay; sâu non nở và liên tiếp bổ sung mật độ trên đồng ruộng, do đó việc phòng trừ sẽ rất khó khăn, hiện tượng trắng lá trước và sau phun sẽ xảy ra ở một số vùng trong tỉnh.

 

Theo kết quả điều tra và dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 sẽ rộ nhất trên đồng ruộng từ ngày 25 - 30/4, chiếm trên 72% tổng sâu các tuổi; sâu tuổi 2,1,3 rộ nhất từ ngày 4 - 8/5. Các huyện Kiến Xương, Vũ Thư, các xã phía Nam Ðông Hưng và Thành phố Thái Bình mật độ sâu trung bình từ 60 - 80 con/m2, nơi cao 120 - 150 con/m2, cá biệt có nơi 200 - 300 con/m2. Huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ và các xã phía Bắc huyện Ðông Hưng mật độ sâu dự kiến trung bình từ 50 - 60 con/m2, nơi cao 100 - 120 con/m2, cá biệt 150 - 200 con/m2. Riêng huyện Tiền Hải và Thái Thụy có mật độ sâu cuốn lá lứa 2 rất cao, dự kiến trung bình từ 80 - 100 con/m2, nơi cao 150 - 200 con/m2, cá biệt có nơi 300 - 400 con/m2. Sâu non phân bố và gây hại gần như toàn bộ diện tích lúa xuân (trừ diện tích lúa trỗ trước ngày 5/5); những diện tích lúa muộn, lá xanh non, bón thừa đạm mức độ gây hại của sâu cuốn lá nhỏ sẽ nặng hơn.

 

Với sự sinh trưởng, phát triển của lúa hiện nay thì việc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ có ý nghĩa rất quan trọng để bảo vệ toàn bộ lá công năng, lá đòng bảo đảm cho lúa đạt năng suất cao. Theo đó, các địa phương cần phải chỉ đạo, tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn nông dân thực hiện phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho toàn bộ diện tích lúa xuân (trừ diện tích lúa trỗ trước ngày 5/5) từ ngày 4 - 7/5. Ngoài ra, sau ngày 15/5 trở đi sâu non cuốn lá nhỏ sẽ tiếp tục nở rộ gây hại cho diện tích lúa xanh non, trỗ muộn, lúa gieo thẳng và những diện tích lúa bị đạo ôn hại nặng lá đã phục hồi.

 

Cùng với hai đối tượng sâu bệnh gây hại lúa xuân chính trên, trên đồng ruộng đã xuất hiện rầy non trên diện rộng, với mật độ từ 50 - 70 con/m2, nơi cao 200 - 300 con/m2, cá biệt có nơi 1.000 - 2.000 con/m2; rầy tuổi 1, tuổi 2, rầy lưng trắng chiếm 70% hiện có trên đồng ruộng. Với thực trạng rầy các loại hiện nay thì mức độ gây hại lúa xuân không đáng lo ngại nhiều, rầy gây hại chủ yếu ở giai đoạn lúa chắc xanh, chín, do đó việc phun phòng trừ sẽ được các đơn vị chức năng khuyến cáo khi đến ngưỡng phải phun.

 

Vụ lúa xuân năm 2014, các cấp, ngành, địa phương và bà con nông dân đã phải trải qua giai đoạn khó khăn khi đầu vụ lúa bị chết do rét đậm, rét hại; với sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo và tích cực của bà con nông dân nên lúa vụ xuân đã gieo cấy vượt diện tích theo kế hoạch đề ra.

 

Hiện nay, khó khăn nhất trên đồng ruộng là việc phòng trừ sâu bệnh, do đó bà con nông dân cần phát huy những nỗ lực từ đầu vụ để thực hiện các biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn cả về thời gian phun và loại thuốc, kỹ thuật phun sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Nguyên Bình

 

  • Từ khóa