Thứ 4, 13/11/2024, 06:41[GMT+7]

An Ninh Ðổi thay sau dồn điền đổi thửa

Thứ 3, 06/05/2014 | 08:14:46
1,003 lượt xem
Là xã được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), vì vậy ngay khi bắt tay vào thực hiện, xã An Ninh (Quỳnh Phụ) xác định chỉ có hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DÐÐT) thì mới tạo động lực thực hiện các tiêu chí khác. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân, vụ xuân 2013, nông dân An Ninh đã được gieo cấy trên những thửa ruộng to, rộng.

Nông dân An Ninh phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Ðể những cánh đồng trải dài, bờ vùng bờ thửa to rộng, góp phần đem lại  mùa vàng bội thu là thành quả sau bao vất vả, khó khăn của những người làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở An Ninh, ông Ðỗ Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ. Theo kế hoạch, An Ninh phải hoàn thành công tác DÐÐT trong năm 2011. Tuy nhiên, do đơn vị tư vấn triển khai chậm nên An Ninh chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, ảnh hưởng đến công tác DÐÐT.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2012, Ðảng ủy, UBND xã An Ninh xác định phải hoàn thành công tác DÐÐT trước vụ xuân 2013. Bởi, việc DÐÐT có rất nhiều cái lợi, dù không phải tiêu chí trong xây dựng NTM nhưng nó là tiền đề quan trọng để thực hiện nhiều tiêu chí. Trước hết, với tiêu chí quy hoạch, nếu DÐÐT thành công từ nhiều thửa/hộ, phân tán trên nhiều cánh đồng thì nay chỉ còn 1 - 2 thửa/hộ, sẽ giúp cho địa phương tiến hành quy hoạch đồng ruộng, điểm dân cư, khu trung tâm xã, giao thông thủy lợi nội đồng thuận tiện.

Ðồng thời, giúp đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao năng suất cây trồng, giải phóng sức lao động của người nông dân, từ đó hỗ trợ cho tiêu chí nâng cao thu nhập cũng như tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp. Nhưng để mở được “cánh cửa” lòng dân là việc không dễ.

Do đó, Ðảng bộ xã xác định, chỉ có đem ra bàn bạc công khai, dân chủ thì mới sớm hoàn thành DÐÐT. Với sự công khai, minh bạch, dân chủ trong triển khai thực hiện, An Ninh đã hoàn thành công tác DÐÐT, chỉnh trang bờ vùng bờ thửa. Từ chỗ một hộ có đến 5 - 6 thửa ruộng manh mún, thậm chí có 2 thửa ruộng trên một xứ đồng, thì An Ninh đã thu lại còn 1,8 thửa/hộ, số hộ có một thửa chiếm gần 40% tổng số hộ. Cùng với đó, việc tích tụ ruộng đất đã được nhiều nông dân thực hiện với phương châm dồn đổi ruộng của những hộ không có nhu cầu canh tác, nhận thuê lại.

 Bác Trần Văn Huân, thôn Ðịa Linh đang phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên thửa ruộng hơn 7 sào cho biết: “Từ 5 thửa ruộng nay gia đình tôi chỉ còn 2 thửa (1 thửa cấy lúa, 1 thửa chuyên màu). Khâu làm đất, thu hoạch đều bằng máy nên đã giảm chi phí rất nhiều. Nhờ đó, lợi nhuận từ cây lúa cũng tăng hơn, bà con yên tâm gắn bó với đồng ruộng. Vụ xuân này, gia đình tôi chủ yếu gieo cấy giống lúa BC15, N87. Cây lúa đang trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển tốt”.

Còn chị Hoàng Thị Hoan, thôn Phố Lầy chia sẻ: “Ðây là vụ thứ 3, gia đình tôi cấy trên 1 thửa ruộng duy nhất với bờ vùng bờ thửa đều to, rộng nên máy xuống được tận ruộng, không còn phải gặt bằng tay như trước. Hơn nữa, lại giảm được thời gian, chi phí sản xuất, phá nhiều bờ ngăn, tiết kiệm đất đai để sản xuất những giống lúa hàng hóa. Vụ xuân năm nay, gia đình tôi cấy 100% giống lúa BC15. Bởi, đây không chỉ là giống lúa cho năng suất cao, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn mà gạo ăn rất thơm ngon, dễ tiêu thụ, giá bán thường ổn định hơn”.

Với việc thực hiện thành công DÐÐT, xã An Ninh có điều kiện để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Vụ xuân năm 2014, xã gieo cấy 490 ha, 100% diện tích gieo cấy bằng các giống ngắn ngày trà xuân muộn; với các giống chủ lực như: BC15, TBR-1, QR1, N87…; trong đó lúa chất lượng cao chiếm 45%.

                                Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa