Thứ 7, 23/11/2024, 13:53[GMT+7]

Thành phố Thái Bình Giữ vững thế mạnh trong phát triển công nghiệp

Thứ 2, 12/05/2014 | 08:43:31
1,723 lượt xem
Thành phố Thái Bình là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, có lợi thế lớn về hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông, điện, nước sạch. Cùng với đó là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa. Những thuận lợi đó góp phần đưa Thành phố trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung cho tỉnh.

Sản xuất giày ở Công ty Da giày xuất khẩu Thành Phát (xã Vũ Lạc, thành phố Thái Bình). Ảnh: Minh Đức

Bước vào năm 2014, tình hình sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng trở lại. Ðến nay, Thành phố có 4 khu công nghiệp (KCN) thu hút 89 doanh nghiệp vào đầu tư trên tổng diện tích 257,63ha với tổng số vốn trên 10.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 40.000 lao động.

Khu công nghiệp Phúc Khánh giữ ngôi vị đứng đầu với 46 dự án. Năm 2014 KCN này đã thu hút thêm 1 dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm cần câu cá, dụng cụ câu cá, gậy đánh gôn, phụ tùng xe đạp, đường ống và linh kiện của Công ty TNHH Forever Fishing Tackle với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 126 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 500 lao động. Tiếp đến là KCN Nguyễn Ðức Cảnh có 35 dự án đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Ðối với KCN Sông Trà, Gia Lễ vẫn duy trì tổng số 8 dự án, không có dự án đầu tư mới. Một số dự án mặc dù mới đầu tư trong năm 2013 nhưng đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động như dự án của Công ty TNHH Johoku Hải Phòng sản xuất bộ dây dẫn điện cho ô tô, xe máy và các sản phẩm điện tử có vốn đầu tư đăng ký 3 triệu USD, giải quyết việc làm cho 1.000 lao động, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long tổng vốn đăng ký trên 93 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 48 lao động.

Ngoài ra, Thành phố còn quy hoạch 2 cụm công nghiệp (CCN) tập trung là Phong Phú và Trần Lãm. Ðối với CCN Phong Phú đã quy hoạch diện tích trên 77ha, hiện nay đã thu hút được 55 dự án, trong đó 49 dự án đã đi vào hoạt động ổn định, 2 dự án đang triển khai xây dựng, 2 dự án đã có văn bản chấp thuận đầu tư của UBND tỉnh, 2 dự án đang triển khai các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư. CCN Trần Lãm hiện có 21 dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư với tổng diện tích đất xin thuê 54.000m2, trong đó 15 doanh nghiệp đã xây dựng xong và đi vào hoạt động ổn định.

Nghề may phát triển ở xã Ðông Hòa (thành phố Thái Bình) tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ảnh: Thành Tâm

Trong phát triển nghề và làng nghề, Thành phố tiếp tục duy trì 10 làng nghề với các nghề chủ yếu là đồ gỗ, mây tre đan, chế biến lương thực, thực phẩm, đan làn nhựa. Tới hết quý I/2014, giá trị sản xuất của làng nghề ước đạt trên 19 tỷ đồng. Nhiều làng nghề phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho người dân trong lúc nông nhàn. Ðiển hình như làng nghề đan làn nhựa Tống Văn, xã Vũ Chính thu hút 838 lao động tham gia làm nghề, chiếm 95% số lao động của làng. Hết quý I, giá trị sản xuất từ nghề đạt gần 6 tỷ đồng, chiếm 64% tổng giá trị sản xuất của làng nghề. Làng nghề chế biến lương thực Nam Thọ, xã Ðông Thọ  thu hút 255 lao động tham gia, chiếm 74,63%, giá trị sản xuất đạt trên 54 tỷ đồng.

Ðặc biệt, sản xuất đồ gỗ ở làng nghề Ðông Hải, xã Vũ Chính phát triển mạnh, hiện có khoảng 422 lao động làm nghề, chiếm 84,4% tổng số lao động của làng, giá trị sản xuất đạt 22,56 tỷ đồng, chiếm 67,91%. Trong làng nghề này đã xuất hiện 4 doanh nghiệp lớn, thu hút 150 lao động. Ðiển hình như Công ty TNHH Chế biến lâm sản Việt Hà Anh, cơ sở chế biến gỗ Tùng Dương đã tạo việc làm thường xuyên cho 80 - 100 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, đem lại doanh thu đạt từ 6 - 10 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, một số làng nghề ở Thành phố có chiều hướng suy giảm mạnh và gần như xóa sổ, điển hình như làng nghề ươm tơ ở phường Phú Khánh, mây tre đan ở Trần Lãm.  

Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục thu hút đầu tư và hướng dẫn các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, khu dịch vụ thương mại. Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ xét duyệt dự án, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới vào CCN trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nghề và làng nghề truyền thống như mây tre đan ở Trần Lãm, đồ gỗ ở Vũ Chính. Khuyến khích đầu tư sản xuất một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, hàng nông thủy sản.

                   Thu Thủy

  • Từ khóa