Thứ 7, 23/11/2024, 14:03[GMT+7]

Thoát nghèo từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Thứ 6, 30/05/2014 | 08:12:55
1,372 lượt xem
Cùng với nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh, những năm qua, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Vũ Tây (Kiến Xương) phát triển khá mạnh mẽ. Nhiều hộ nông dân trong xã đã thoát nghèo, có của ăn của để nhờ mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Trong đó, tiêu biểu là gia đình ông Nguyễn Xuân Nam, thôn Ðại Hải với việc áp dụng thành công mô hình chăn nuôi tổng hợp vào sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Nam, thôn Ðại Hải, xã Vũ Tây (Kiến Xương) thu hoạch trứng vịt.

Trước kia kinh tế của gia đình ông Namon> chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất vất vả, khó khăn. Ðầu năm 2007, khi UBND xã Vũ Tây có chủ trương khuyến khích, vận động bà con nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả, đất trồng màu ven sông Trà Lý sang xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp, ông đã bàn bạc với gia đình đấu thầu 2 ha đất bãi bồi ven sông Trà Lý để xây dựng mô hình kinh tế mới, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Ban đầu do còn khó khăn về vốn nên ông đã cùng với gia đình thuê máy xúc đào 1,7 mẫu ao để nuôi các loại cá truyền thống, diện tích còn lại ông trồng gần 2.000 gốc chuối tây và nhiều loại cây rau màu ngắn ngày khác như khoai, lạc, đậu tương... Những năm đầu khi mới bắt tay vào làm kinh tế, gia đình ông đã gặp không ít khó khăn, nhất là năm 2009 khi nước sông dâng cao tràn vào ao khiến cho toàn bộ số cá sắp thu hoạch theo dòng nước bơi đi hết. Không nản lòng, ông tiếp tục cải tạo, xây dựng bờ bao kiên cố và thả những lứa cá tiếp theo.

Năm 2010, gia đình ông đã phá bỏ một phần diện tích chuối để xây dựng hơn 500m2 chuồng trại để nuôi gia súc và gia cầm. Ông Nam chia sẻ: Khi mới bắt tay làm kinh tế, bản thân ông và gia đình cũng rất lo lắng do còn thiếu về vốn và kinh nghiệm nhưng được sự động viên của người thân, bạn bè và được vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Kiến Xương nên đã giúp ông có thêm động lực để mạnh dạn xây dựng mô hình.

Trong quá trình chăn nuôi, ông đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ thuật, tham gia các lớp tập huấn, thường xuyên nghe đài, đọc báo, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế khác để từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất. Ngoài 1,7 mẫu ao nuôi cá thương phẩm, hiện nay mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Nam luôn duy trì 5 con lợn nái sinh sản, 50 con lợn thương phẩm, hơn 1.000 con vịt đẻ, gần 500 con gà ri lai và gà chọi thương phẩm. Hiện nay, từ mô hình kinh tế tổng hợp cho gia đình ông Namon> thu lãi ổn định trên 100 triệu đồng/năm.     

Ðầu tư phát triển kinh tế đúng hướng đã giúp cho gia đình ông thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá giả trong xã, điều kiện sinh hoạt được cải thiện đáng kể. Ngoài cơ ngơi khang trang với các tiện nghi sinh hoạt hiện đại, gia đình ông còn linh hoạt sử dụng vốn tái đầu tư để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nói về dự định sắp tới, ông Nam cho biết: Gia đình ông rất mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Kiến Xương tạo điều kiện cho vay vốn để đầu tư mở rộng chăn nuôi. Ðồng thời, ông cũng mong sẽ được tham gia học tập các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi để ứng dụng tiến bộ khoa học vào thực tiễn, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Vũ Tây cho biết, qua gần 10 năm tích cực chuyển đổi vùng sản xuất, đến nay UBND xã Vũ Tây đã vận động được 50 hộ tham gia chuyển đổi gần 20 ha đất màu, đất cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình chăn nuôi tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao.

Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tạo điều kiện mở các lớp tập huấn để các hộ nông dân đến tham quan, học hỏi mô hình của ông Nam, đồng thời lồng ghép, phổ biến kinh nghiệm đến các hộ dân trong các cuộc họp, buổi tuyên truyền... để người dân địa phương từng bước giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Phạm Hưng

  • Từ khóa