Thứ 7, 23/11/2024, 13:57[GMT+7]

Nam Thịnh Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống lụt bão

Thứ 6, 13/06/2014 | 09:24:15
1,268 lượt xem
Nam Thịnh (Tiền Hải) có gần 6 km đê trực diện với biển, trong đó có gần 2km chưa có rừng chắn sóng và rừng phòng hộ. Ngoài ra, vùng bãi triều có hàng nghìn người làm nghề nuôi trồng, khai thác hải sản và có trên 170 phương tiện khai thác, vận chuyển hải sản ra, vào địa bàn xã. Vì vậy, mỗi khi có bão, áp thấp nhiệt đới đi vào tỉnh Thái Bình thì nơi đây dễ bị tổn thất nặng nề về người và tài sản nếu không chủ động ứng phó trước.

Rừng phi lao góp phần bảo vệ đê biển số 5 thuộc địa phận xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

 

Ði dọc tuyến đê biển số 5 thuộc địa bàn xã Nam Thịnh, ai cũng cảm nhận được sự chắc chắn của con đê khi mặt và mái đê được cứng hóa; phía ngoài là những cánh rừng phi lao, sú, vẹt xanh tốt trải dài, rộng hướng ra biển.

 

Ông Bùi Kiên Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thịnh cho biết: Tuyến đê này được xây dựng theo chương trình tu bổ, nâng cấp đê biển, sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả phòng chống lụt bão (PCLB). Ðối với rừng ngập mặn, từ K17 đến K22+300 có rừng bần, vẹt rộng 800m cách chân đê 1km; từ K17+200 - K17+800 là rừng phi lao sát chân đê rộng 15m...

 

Ðối với hệ thống kè lát mái từ K17+500 đến K21 có độ dốc m=3-4 được phân theo ô bởi các khung bê tông, trong ô lát bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, chân kè giữ ổn định bằng chân khay rộng 1,8m, cao trình đỉnh kè +4.5, trên đỉnh kè có tường chắn sóng với cao trình tường +4.9.

 

Nhìn chung, hệ thống đê, kè và rừng ngập mặn ở  Nam Thịnh cơ bản ứng phó được với mưa, bão theo năng lực thiết kế. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số đoạn đê chưa thực sự bảo đảm an toàn khi có bão lớn, mưa to xảy ra. Ðiển hình như từ K17 đến K26, nền và thân đê ở một số đoạn đắp bằng đất cát pha, mái phía biển đắp phủ đất thịt, phía trong và phía ngoài thân đê còn nhiều đầm, hồ, ao có nguy cơ bị sạt lở mái đê phía đồng khi có mưa to kéo dài.

 

Ðặc biệt, đoạn đê từ K22+300 - K23+300 tuy đã được kiên cố hóa bằng bê tông, nhưng đoạn này không có rừng phòng hộ, thân đê nằm trên nền cát non rất dễ bị xói mòn khi có sóng lớn vỗ mạnh; trong khi đó đoạn đê này là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống ngay sát chân đê, tiềm ẩn nguy hiểm khi có bão lớn đổ bộ vào.

 

Mặt khác, Nam Thịnh có hàng nghìn lao động thường xuyên có mặt trên các chòi canh coi nuôi trồng hải sản và khai thác hải sản trên các vùng khơi nên mỗi khi có bão, áp thấp đổ bộ vào thì việc kêu gọi người dân vào nơi tránh trú an toàn cũng gặp nhiều khó khăn. Trước những khó khăn trên, để ứng phó có hiệu quả với thiên tai Nam Thịnh đã sớm thành lập Ban Chỉ huy PCLB xã và thành lập 5 tiểu ban, phân công chức năng, nhiệm vụ cho từng tiểu ban, từng tổ và các ngành, các thôn thực hiện đồng bộ các giải pháp PCLB năm 2014.

 

Theo đó, nếu có bão đổ bộ vào thì tiểu ban tiền phương có trách nhiệm theo dõi toàn bộ tuyến đê từ cảng cá Cửa Lân đến bến đò ngang Long Thịnh, di chuyển người, tài sản bên ngoài đê vào nơi an toàn và đôn đốc tàu thuyền vào nơi trú ẩn. Ðồng thời điều động nhân lực, phương tiện, công cụ khi đê, cống dưới đê bị sạt lở, vỡ, kể cả khi nước biển tràn qua đê vào trong; kiểm tra đôn đốc các tổ bám sát vị trí và sẵn sàng thực hiện các phương án khi có tình huống xấu xảy ra.

 

Trong quá trình đôn đốc, di chuyển tàu thuyền, tài sản và người vào nơi trú ẩn, trường hợp nào không chấp hành, cố tình ra biển, ở lại chòi canh coi, tiểu ban này sẽ cương quyết xử lý bằng việc cưỡng chế, hoặc đề nghị UBND xã thu hồi quyết định giao quyền sử dụng đất đầm, vùng bãi triều. Tiểu ban hậu phương có nhiệm vụ kiểm tra công tác chuẩn bị PCLB của nhân dân và triển khai các phương án giúp đỡ các hộ khó khăn như chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn. Kiểm tra thực trạng hệ thống cống tiêu, tổ chức khơi thông dòng chảy trên các sông, bảo đảm tiêu úng kịp thời trước, trong và sau khi bão tan.

 

Ðối với tiểu ban an ninh trật tự thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, không để kẻ gian lợi dụng lúc bão gió thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, tiểu ban này còn phối hợp với Ðồn Biên phòng Cửa Lân tìm, gọi chủ các phương tiện đưa tàu thuyền vào nơi trú ẩn và những lao động trông coi ngao, bảo vệ đầm vào đất liền...

 

Ngoài 5 tiểu ban, Nam Thịnh còn thành lập 9 tổ tham gia công tác PCLB, nhằm giành thế chủ động, không để bất ngờ, lúng túng khi có thiên tai xảy ra. Ông Bùi Kiên Quyết cho biết thêm, ngoài các giải pháp chỉ đạo và giao cụ thể cho từng tiểu ban, tổ chủ động thực hiện, hiện nay Nam Thịnh đã chuẩn bị nhân, vật lực để phục vụ công tác PCLB. Toàn bộ lực lượng xung kích thực hiện PCLB gồm 500 người, đây là lực lượng luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ ứng cứu khẩn cấp khi có tình huống xấu xảy ra. Ðối với phương tiện, chuẩn bị 4 ô tô, 500 cây tre, 1.000 cây phi lao, áo phao 65 cái, 50 chiếc đèn pin...

 

Hiện nay mùa mưa bão đã đến, mặc dù Nam Thịnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp PCLB, nhưng để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra, ngoài sự nỗ lực của Ban Chỉ huy PCLB xã, người dân cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc này. Bởi, sự chủ quan của người dân còn bộc lộ ở những mùa mưa, bão trước như khi bão số 8 năm 2012 đổ bộ vào vẫn còn một số lao động trên các chòi canh coi ngao.

Nguyên Bình

 

 

  • Từ khóa