An Lễ Đẩy mạnh phát triển ngành nghề, thương mại dịch vụ
Ông Ðinh Văn Thuẫn, Chủ tịch UBND xã cho biết: An Lễ được UBND tỉnh công nhận là xã nghề từ nhiều năm nay, trong đó chủ yếu là nghề dệt chiếu, xe đay. Trước đây có khoảng 80% số hộ tham gia làm nghề chiếu, trung bình mỗi hộ có 1 go dệt đem lại thu nhập ổn định cho người dân trong lúc nông nhàn. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây, nghề dệt chiếu có xu hướng giảm dần do nguồn nguyên liệu tại chỗ không có, ngày công lao động thấp, nhiều lao động đã chuyển sang làm những nghề có thu nhập cao hơn. Ðặc biệt, sản xuất chiếu máy có xu hướng tăng cao, thị trường ưa chuộng nên nhiều người không còn mặn mà với nghề này. Số lao động trẻ khỏe trước kia tích cực làm nghề truyền thống thì nay cũng đã chuyển đi làm trong các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn trong và ngoài huyện.
Trước thực trạng đó, An Lễ đã đưa ra nhiều giải pháp để giữ vững và duy trì nghề truyền thống, đặc biệt là tập trung tuyên truyền để người dân tích cực đưa máy công nghiệp vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất cũng như hiệu quả kinh tế. Do đó đến nay mặc dù tỷ lệ lao động làm chiếu ở An Lễ có giảm nhưng thu nhập lại tăng cao, số lượng chiếu và giá trị sản xuất cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 2010 đạt trên 67 tỷ đồng, năm 2011 đạt 73 tỷ đồng, năm 2012 đạt 80 tỷ đồng và năm 2013 đạt gần 90 tỷ đồng. Hiện tại toàn xã có 4 cơ sở dệt chiếu máy tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Ðặc biệt, ở An Lễ còn duy trì phiên chợ đêm tại chợ Ðồng Bằng (còn gọi là chợ âm phủ). Chợ chuyên bày bán duy nhất sản phẩm chiếu cói. Bình quân mỗi phiên chợ thu hút hàng trăm người dân ở trong và ngoài tỉnh đến mua, bán hàng vạn đôi chiếu. Giúp bà con trong xã, các xã lân cận tiêu thụ được hàng và quảng bá được thương hiệu sản phẩm.
Tới thăm cơ sở chiếu cói Ðinh Trí Cường, thôn Ðồng Bằng chúng tôi được biết, hàng chục năm nay cơ sở đã duy trì mua cói ở Thanh Hóa để làm nghề. Gần 10 năm qua cơ sở đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng mua 9 máy dệt chiếu, công suất gấp hàng chục lần dệt thủ công. Bình quân mỗi chuyến, cơ sở đã lấy hàng chục tấn nguyên liệu để dệt trong vài ba tháng. Hiện nay bình quân cơ sở dệt được 360 lá chiếu/ngày để xuất đi các tỉnh trong cả nước. Với số lượng đó, cơ sở không chỉ thu lãi trên 30 triệu đồng/tháng mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động tại xưởng và hàng trăm lao động vệ tinh với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở in chiếu Phan Văn Ấn cũng là hộ gắn bó với nghề chiếu từ mấy chục năm nay cho biết: Ngay sau khi nhà máy dệt 27/7 giải thể, là công nhân kỹ thuật của nhà máy anh Ấn đã mở cơ sở in chiếu tại nhà để duy trì và phát triển nghề. Ðến nay cơ sở của anh Ấn luôn thu gom và in ấn trung bình từ 4.000 - 5.000 lá chiếu/tháng, thu lãi trên 10 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động với thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ phát triển nghề chiếu, An Lễ còn có gần 1.000 lao động tham gia làm các nghề tiểu thủ công nghiệp khác như giấy tiền, thêu, cơ khí, mộc, gạch, ngói... Ðiển hình như nghề may gia công, đến nay đã xuất hiện thêm 4 cơ sở tạo việc làm cho 120 lao động với thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, còn có trên 10 cơ sở sản xuất gỗ, cơ khí đem lại thu nhập đạt từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Ðặc biệt, trong xã còn có gần 300 hộ làm dịch vụ làm đất, xay xát, tuốt lúa, khoan giếng, bơm nước, chế biến lương thực, hàng ăn, trong đó có khoảng 75 hộ buôn bán ổn định có doanh số cao, 212 hộ vừa và nhỏ. Theo ông Thuẫn, người dân trong xã hiện nay tập trung chủ yếu làm dịch vụ, trong đó phải kể tới 7 tổ hát văn, duy trì bình quân mỗi tổ từ 5 - 7 người, quanh năm phục vụ chủ yếu cho lễ hội đền Ðồng Bằng. Chỉ tính riêng thu nhập từ dịch vụ này, người dân đã có nguồn thu lớn, đời sống cao. Ở thôn Ðồng Bằng có khoảng 30 chiếc ô tô con phục vụ nhu cầu đi lại của các hộ gia đình. Ngoài ra, còn có hàng trăm hộ buôn bán quanh khu vực đền Ðồng Bằng như hàng mã, giấy tiền, hàng ăn, quán nước, bán hoa quả... Hơn nữa An Lễ còn có 2,2km quốc lộ đi qua nên đã thu hút trên 200 hộ buôn bán kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu đời sống dân sinh.
Ðến nay, tỷ lệ hộ khá, giàu ở An Lễ chiếm tới 50%, hộ nghèo chỉ còn 3,5%. Tỷ trọng công nghiệp chiếm 29%, thương mại dịch vụ chiếm 34,4%. Trong thời gian tới, An Lễ tiếp tục vận động nhân dân tích cực phát triển ngành nghề, thương mại dịch vụ. Tạo điều kiện khuyến khích phát triển các nghề hiện có như xe đay, dệt chiếu, làm giấy tiền Ðài Loan đồng thời mở thêm một số nghề mới. Phát huy điều kiện thuận lợi, ưu thế về thị trường như chợ đầu mối, khu di tích lễ hội để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thu Thủy
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh