Thứ 7, 23/11/2024, 14:21[GMT+7]

Tập trung tiêu úng cho lúa mùa trước bão Rammasun

Thứ 4, 16/07/2014 | 18:48:49
1,886 lượt xem
Để chủ động ứng phó với mưa, bão và bảo đảm an toàn cho toàn bộ diện tích lúa mùa trong tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tiêu nước triệt để trên các sông trục, nước đệm nội đồng; đồng thời đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo khẩn trương các xã, thị trấn tập trung tiêu nước chống úng cho lúa mùa.

Cống Lân luôn mở để tiêu nước cho hệ thống thủy nông Nam.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện nay trên Biển Đông đang có cơn bão mạnh Rammasun với tốc độ di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp; dự báo bão sẽ gây mưa lớn (200 – 300 mm) tại các tỉnh Bắc Bộ. Do đó, khả năng ngập úng lúa mùa đã gieo cấy là rất cao, nhất là diện tích lúa gieo thẳng. Để chủ động ứng phó với mưa, bão và bảo đảm an toàn cho toàn bộ diện tích lúa mùa trong tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tiêu nước triệt để trên các sông trục, nước đệm nội đồng; đồng thời đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo khẩn trương các xã, thị trấn tập trung tiêu nước chống úng cho lúa mùa.

 

Đến ngày 15/7, toàn tỉnh đã gieo cấy được 75.000 ha lúa mùa, đạt 92,8% so với tổng diện tích gieo cấy; trong đó gieo thẳng đạt khoảng 15.000 ha; dự kiến đến ngày 20/7 toàn tỉnh hoàn thành gieo cấy lúa mùa. Hầu hết lúa mùa sau gieo cấy đang trong giai đoạn bén rễ hồi xanh và đẻ nhánh; đồng thời có khoảng 500 ha lúa tái sinh chuẩn bị cho thu hoạch và 8.200 ha cây màu hè thu đã trồng. Vì vậy, việc chống úng cho cây trồng hết sức cấp bách để bảo đảm cho lúa vụ mùa và cây màu hè thu giành thắng lợi.

 

Theo đó, từ ngày 14/7 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam và Bắc tranh thủ mở các cống tiêu, tiêu triệt để nước trên sông trục, nước đệm nội đồng. Đến ngày 16/7, mực nước trên các sông trục tiêu của toàn hệ thống đã được tiêu gần như cạn kiệt, mực nước trong đồng tại cống Trà Linh là +0.10, mực nước tại Phúc Khánh (thành phố Thái Bình) là +0.56, tại cầu Nguyễn (Đông Hưng) là +0.50… Như vậy, mực nước tại các trục tiêu cơ bản đã cạn kiệt, góp phần chống úng khi có mưa lớn xảy ra. Ngoài ra, hiện nay các địa phương đang huy động các lực lượng khơi thông cửa các cống tiêu và giải phóng dòng chảy, thu dọn đăng đó, vó bè. Những nơi có công trình xây dựng đi qua đồng ruộng, hoặc nằm trên đất hai vụ lúa làm hệ thống thủy lợi bị phá vỡ, không tiêu kịp bằng tự chảy, các địa phương đã có phương án tiêu bằng động lực.

 

Tuy nhiên, ngoài việc tiêu nước, các huyện, thành phố cần khoanh vùng bảo vệ diện tích mạ chưa cấy và mạ dự phòng, đồng thời chuẩn bị đủ giống để phòng khi phải gieo cấy lại do ngập úng. Bên cạnh đó, bà con nông dân cần tranh thủ khơi thông, nạo vét mương máng, đầu luống các vùng trồng rau để hạn chế ngập úng và chuẩn bị hạt giống để sẵn sàng gieo trồng lại.

 

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã chủ động phân công cán bộ bám sát tình hình sản xuất, diễn biến mưa, bão để phối hợp với các địa phương chăm sóc lúa, rau màu và ứng phó, khắc phục kịp thời thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

Nguyên Bình

 

  • Từ khóa