Thứ 7, 23/11/2024, 14:48[GMT+7]

Kiến Xương 34/37 xã, thị trấn áp dụng biện pháp gieo thẳng

Thứ 5, 17/07/2014 | 09:24:50
1,042 lượt xem
Là huyện có địa hình lòng chảo và là rốn nước của vùng phía Nam tỉnh nên Kiến Xương không có nhiều thuận lợi trong sản xuất vụ mùa. Những năm qua, thực hiện chủ trương của tỉnh trong chuyển đổi cơ cấu giống lúa và thời vụ gieo cấy nhằm nâng cao năng suất cây trồng, Kiến Xương đã chủ động khắc phục khó khăn điều hành linh hoạt sản xuất, trong đó công tác chỉ đạo gieo thẳng trong sản xuất vụ mùa được đặc biệt chú trọng.

Sau gieo thẳng, nông dân xã Lê Lợi (Kiến Xương) tích cực chăm sóc và bảo vệ lúa mùa.

 

Ðến ngày 15/7, toàn huyện đã gieo cấy được 9.100ha, đạt 80% so với kế hoạch, trong đó diện tích lúa gieo thẳng 2.200ha (tăng 27,4% so với vụ mùa năm 2013). Các địa phương có diện tích gieo thẳng lớn như: Quốc Tuấn (310ha, chiếm gần 90% tổng diện tích), Ðình Phùng (190ha, chiếm 93% tổng diện tích), Trà Giang (280ha, chiếm 71% tổng diện tích), Lê Lợi (220ha, chiếm 54% tổng diện tích)… Ðây là vụ mùa có diện tích gieo thẳng lớn nhất từ trước đến nay với 34/37 xã, thị trấn tham gia, trong đó địa phương ít nhất là 1ha và nhiều nhất là 310ha. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Do vụ mùa năm 2013 diện tích lúa gieo thẳng gặp nhiều thuận lợi nên năng suất và chất lượng đạt khá đã khích lệ nông dân các địa phương tích cực mở rộng sản xuất. Vụ mùa năm 2013, năng suất trung bình đối với lúa gieo thẳng đạt từ 2 - 2,2 tạ/sào, tăng 0,2 tạ/sào đối với diện tích lúa cấy mạ sân trên nền đất cứng và tăng 0,6 tạ/sào đối với diện tích lúa cấy mạ dược.

 

Bên cạnh đó, tỉnh còn có cơ chế hỗ trợ thuốc trừ cỏ đối với diện tích lúa gieo thẳng với mức hỗ trợ 332.000 đồng/ha, đã góp phần giúp nông dân tiết kiệm được một phần chi phí trong sản xuất. Ngoài ra, thực hiện gieo thẳng, nông dân các địa phương còn tiết kiệm được công gieo mạ, chăm sóc, bảo vệ mạ, rút ngắn được thời gian gieo cấy đồng thời tiết kiệm được nhân lực, nhất là vào lúc thời vụ cấp bách. Một trong những nguyên nhân nữa làm tăng diện tích gieo thẳng ở Kiến Xương đó là vấn đề chủ động được khâu tưới, tiêu của các địa phương sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới.

 

Ðược biết đến là địa phương có nghề chạm bạc truyền thống, những năm qua, vấn đề nhân lực lúc thời vụ ở xã Lê Lợi luôn là bài toán khó đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Ca, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã cho biết: Vào lúc thời vụ, có khi công khoán cấy lên tới 250.000 đồng/sào mà không thuê được lao động. Trăn trở về vấn đề này, Ban quản trị HTX đã tích cực tìm kiếm, làm điểm các mô hình sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí và nhân công lao động như: gieo vãi, gieo bằng công cụ sạ hàng, gieo bằng khay cấy máy, gieo mạ sân trên nền đất cứng. Nhưng thực tế sản xuất qua nhiều năm cho thấy, phương thức gieo vãi mang lại hiệu quả hơn hẳn. Từ diện tích ban đầu là 10ha làm điểm ở thôn Văn Hanh trong vụ xuân năm 2009, đến vụ mùa năm 2014, toàn xã đã gieo vãi tới 220ha, chiếm 54% tổng diện tích gieo cấy. Ðây là sự cố gắng trong chỉ đạo, điều hành của Ban quản trị HTX trong điều kiện địa hình đồng ruộng của địa phương không thuận lợi cho gieo thẳng, diện tích đất cao chỉ chiếm 35%, còn lại là đất vàn và úng trũng.

 

Trên cánh đồng thôn Ðông Thổ, chị Lê Thị Dinh đang miệt mài bắt những con ốc bươu vàng còn sót lại sau khi phun thuốc trừ cỏ và thuốc diệt ốc bươu vàng. Chị Dinh tâm sự: “Vụ mùa năm 2014, gia đình tôi gieo trồng 1,2 mẫu các giống lúa BC126, Nếp 97 và Nếp thơm, nếu không áp dụng phương thức gieo thẳng thì làm sao kịp được thời vụ trong khi chỉ có hai vợ chồng tôi làm”. Với diện tích đó, nếu áp dụng phương thức cấy truyền thống, chị Dinh phải mất tới 12 ngày mới xong, trong khi gieo thẳng chỉ mất 2 ngày. Thời gian còn lại, chị Dinh có thể chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ tạo thêm thu nhập cho gia đình. Hiệu quả là vậy nên 5 năm trở lại đây gia đình chị Dinh luôn áp dụng gieo thẳng ở cả hai vụ lúa, đồng thời tự mua máy bơm điều tiết nước cho cánh đồng của gia đình.

 

Ông Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết thêm: Ðể diện tích lúa gieo thẳng thực sự mang lại hiệu quả cao, ngoài việc thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật trong ngâm ủ làm đất và làm luống đối với gieo vãi, nông dân các địa phương cần bón phân cân đối, bón lót 50%, bón thúc sớm từ 7 - 10 ngày sau gieo thẳng, đồng thời bón tăng kali nhằm giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

           Minh Hương

 

  • Từ khóa