Chủ nhật, 10/11/2024, 05:50[GMT+7]

Quyết liệt phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa

Thứ 3, 12/08/2014 | 08:40:17
1,775 lượt xem
Những ngày đầu tháng 8, thời tiết nắng nóng kèm theo mưa giông là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại lúa mùa, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ. Do vậy, các địa phương trong toàn tỉnh đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa.

Nông dân xã Thụy Trình (Thái Thụy) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa.

 

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay lúa mùa đang sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều, ở  giai đoạn cuối đẻ nhánh và phân hóa đòng, một số nơi lúa đã bắt đầu trỗ bông; dự kiến lúa sẽ trỗ bông đại trà từ ngày 15 - 20/9. Trong những ngày đầu tháng 8, hầu như ngày nào cũng có mưa xen kẽ, số giờ nắng thấp, lại đúng vào thời điểm tập trung chăm sóc nên lúa tốt nhanh; song đây lại là điều kiện lý tưởng cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh bạc lá…

 

Ngay từ thời điểm 18 - 23/7, một số địa phương có tỷ lệ lúa mùa trà sớm cao như Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Thái Thụy, Tiền Hải đã chỉ đạo nông dân phun trừ sâu cuốn lá nhỏ với diện tích trên 500 ha. Ðối với trà lúa mùa đại trà, tập trung gieo cấy từ ngày 1 - 15/7 hiện sâu cuốn lá nhỏ đã và đang xuất hiện với mật độ rất cao, phổ biến từ 150 - 200 con/m2 (gấp 7 - 10 lần so với cùng thời điểm năm 2013), cá biệt có nơi hàng nghìn con/m2.

 

Theo kết quả điều tra và dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh thì sâu cuốn lá nhỏ nở rộ nhất trên đồng ruộng từ ngày 15 - 20/8; trong đó, diện tích có mật độ từ 100 - 200 con/m2 khoảng 45.000 ha, trên 25.000 ha có mật độ sâu từ 300 - 400 con/m2, cá biệt có những vùng mật độ cao tới hàng nghìn con/m2. Trước diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ và một số đối tượng sâu bệnh khác hại lúa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công điện số 13-CÐ/TU  yêu cầu các cấp ủy   đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, nắm chắc diễn biến các loại sâu bệnh trên đồng ruộng; đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu và chủ động phòng trừ kịp thời; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn lúa mùa từ nay đến cuối vụ. Theo đó, các địa phương tập trung chỉ đạo, phát động đợt trừ sâu cuốn lá nhỏ cho toàn bộ diện tích lúa mùa (trên 81.000 ha), thời gian từ 16 - 20/8. Ðối với diện tích có mật độ sâu cao 200 - 300 con/m2 trở lên sau phun thuốc 3 - 5  ngày phải kiểm tra lại, nếu còn mật độ cao hướng dẫn nông dân phun thuốc lại lần 2 kịp thời.

 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thái Thụy Ðào Ðức Viện cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 13.500 ha, hiện nay toàn bộ diện tích lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh, đứng cái làm đòng. Tuy nhiên, mật độ sâu cuốn lá nhỏ trên lúa mùa năm nay diễn biến khá phức tạp với mật độ rất cao, có nguy cơ gây hại toàn bộ lá công năng, lá đòng, làm giảm năng suất nếu không được phun trừ kịp thời.

 

Ðối với một số xã như Thụy Trình, Thụy Bình, Thụy Quỳnh có diện tích trà lúa mùa sớm, huyện đã chỉ đạo các xã có diện tích nhiễm sâu cuốn lá nhỏ tiến hành phun thuốc đặc hiệu để ngăn chặn phát sinh lây lan ra diện rộng. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra các đại lý, hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn huyện. Hệ thống truyền thanh từ huyện xuống xã, thôn tăng thời lượng tuyên truyền mỗi ngày từ 3 đến 4 lần để nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng trừ sâu bệnh hại lúa của nông dân. Các phòng, ban chuyên môn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện cử cán bộ phối hợp với các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp bám sát đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phun thuốc, thực hiện các biện pháp thâm canh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nhằm bảo đảm đạt chỉ tiêu năng suất và sản lượng theo kế hoạch đề ra. Khuyến cáo bà con nông dân khi phát hiện sâu bệnh hại cần khoanh vùng, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu phun trừ cho những diện tích sâu bệnh khi đến ngưỡng; quá trình phun thuốc phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) nhằm đạt hiệu quả cao.

 

Cũng như Thái Thụy, những ngày này bà con nông dân huyện Ðông Hưng đang tập trung ra đồng làm cỏ, bắt ốc bươu vàng và kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa mùa. Ðã hơn một tuần nay, hàng ngày bà Nguyễn Thị Khuyên (thôn Phú Vinh, xã Ðồng Phú) đều ra thăm đồng, kịp thời phát hiện và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Bà Khuyên cho biết: Vụ mùa này gia đình tôi cấy 7 sào ruộng, chủ yếu bằng giống lúa BC15. Nhìn chung, từ đầu vụ đến nay cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tuy nhiên hiện sâu cuốn lá nhỏ đã xuất hiện với mật độ cao hơn so với mọi năm. Mấy ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin về tình hình sâu bệnh hại lúa mùa. Thực hiện sự đạo của xã, thôn, nông dân chúng tôi đang chuẩn bị phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đúng thời điểm và chủng loại thuốc theo khuyến cáo.

 

Cùng với đối tượng sâu cuốn lá nhỏ gây hại chính, trên đồng ruộng đã xuất hiện sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh bạc lá, bệnh lùn sọc đen đối với từng vùng, từng diện tích. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến sâu non đục thân 2 chấm  nở rộ nhất từ ngày 13 - 24/8, gây hại dảnh héo và bông bạc, tập trung ở một số xã của các huyện Vũ Thư, Hưng Hà, Thái Thụy, Quỳnh Phụ. Vì vậy, việc phun phòng trừ sẽ được các đơn vị chức năng khuyến cáo khi đến ngưỡng phải phun.

            Minh Nguyệt

 

 

  • Từ khóa