Chủ nhật, 10/11/2024, 05:50[GMT+7]

Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tiền Hải Ðồng hành cùng nông dân

Thứ 5, 14/08/2014 | 08:15:19
1,439 lượt xem
Ðể bảo vệ diện tích, năng suất và chất lượng lúa mùa, Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con nông dân nên áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh, tuyệt đối không bón đạm đơn nuôi đòng, nuôi hạt, không sử dụng các loại phân qua lá và chất kích thích sinh trưởng khi sâu bệnh đang phát sinh gây hại lúa mùa.

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tiền Hải cùng Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Tây Giang kiểm tra sâu bệnh trên lúa mùa.

Ðến nay, toàn bộ diện tích lúa mùa (10.400ha) ở  huyện Tiền Hải đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ðối với diện tích lúa mùa sớm đang trong giai đoạn phân hóa đòng, diện tích lúa mùa đại trà đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ -  cuối đẻ nhánh. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến thất thường nên đã tạo điều kiện cho sâu cuốn lá phát sinh, phát triển với mật độ cao trên diện rộng. Ðặc biệt, sâu non cuốn lá nhỏ tuổi 1 đã và đang gây hại trực tiếp trên lúa mùa ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ nhánh tại khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

 

Theo dự báo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, trong tháng 8, sâu cuốn lá nhỏ có 2 đợt cao điểm nở rộ, trong đó cao điểm 1 trưởng thành vũ hóa rộ từ ngày 7 - 15/8, gây hại trực tiếp trên diện rộng đối với những diện tích lúa đại trà đang trong giai đoạn phân hóa - làm đòng. Mật độ sâu trung bình từ 150 - 200 con/m2, nơi cao từ 300 - 500 con/m2, cục bộ có nơi từ 700 - 1.000 con/m2. Cao điểm đợt 2, trưởng thành vũ hóa rộ từ ngày 15 - 22/8, sâu non nở rộ vào cuối tháng 8. Sâu cuốn lá nhỏ hiện đã xuất hiện trên đồng ruộng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó một số nơi có mật độ sâu cuốn lá cao như Nam Trung, Ðông Xuyên, Tây Lương, Ðông Lâm... Không chỉ xuất hiện riêng sâu cuốn lá nhỏ, hiện nay trên cánh đồng của một số xã đã xuất hiện rầy các loại, với độ tuổi từ 1 - 5, mật độ trung bình khoảng 100 - 150 con/m2, nơi cao từ 250 - 300 con/m2, có những nơi cục bộ mật độ từ 500 - 700 con/m2.

 

Bà Nguyễn Thị Dung, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tiền Hải cho biết: Tình hình sâu bệnh hại lúa mùa trên địa bàn huyện hiện đang diễn biến hết sức phức tạp. Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mật độ sâu trung bình năm nay tương đối cao, gấp 5 lần so với năm 2013, cá biệt có những vùng cao gấp từ 7 - 10 lần. Các đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên lúa mùa như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại... Trước những diễn biến phức tạp của sâu cuốn lá nhỏ, Trạm Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh. Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con nông dân chủ động, tích cực thăm đồng, theo dõi kịp thời phòng trừ sâu bệnh gây hại, chủ động nguồn nước tưới cho diện tích lúa mùa. Khi thấy xuất hiện sâu bệnh trên đồng ruộng cần kịp thời báo cho cán bộ bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông và các cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn phòng trừ kịp thời, tránh việc sử dụng nhầm lẫn thuốc, vừa gây lãng phí vừa làm cho sâu bệnh dễ phát sinh thành dịch khó kiểm soát. Bên cạnh đó, Trạm thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống kiểm tra tình hình sâu bệnh hại lúa, thực hiện công tác dự báo tình hình sâu bệnh. Hướng dẫn người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và đúng liều lượng. Chủ động phun thuốc đồng loạt trên những thửa ruộng bị mắc bệnh, ngăn chặn sự lây lan của sâu bệnh thành dịch làm ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng của vụ mùa.

 

Từ ngày 16 - 19/8, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xe lưu động xuống các khu dân cư tuyên truyền về tình hình sâu bệnh để bà con nông dân biết và chủ động phòng trừ. Ðài Truyền thanh huyện tăng cường thời lượng tuyên truyền về chiến dịch phun tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ cho toàn bộ diện tích lúa mùa từ ngày 17 - 20/8; kết hợp với phòng trừ các ổ rầy có mật độ từ 700 con/m2 trở lên và các diện tích có tỷ lệ bệnh khô vằn từ 5% trở lên. Sau khi kết thúc phun đợt 1 từ 3 - 5 ngày, đối với những diện tích lúa còn xanh non, mật độ sâu từ 200 - 300 con/m2 trở lên, Trạm Bảo vệ thực vật và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc bà con phun lần 2. Bên cạnh các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa chính, Trạm Bảo vệ thực vật huyện sẽ tiếp tục theo dõi tình hình phát triển của các đối tượng sâu bệnh khác để từ đó có những khuyến cáo phòng trừ giúp bà con bảo vệ lúa mùa.

 

Ðể bảo vệ diện tích, năng suất và chất lượng lúa mùa, Trạm Bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo bà con nông dân nên áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ sâu bệnh, tuyệt đối không bón đạm đơn nuôi đòng, nuôi hạt, không sử dụng các loại phân qua lá và chất kích thích sinh trưởng khi sâu bệnh đang phát sinh gây hại lúa mùa.

Phạm Hưng

 

  • Từ khóa