Thứ 7, 23/11/2024, 10:38[GMT+7]

Nỗ lực tìm kiếm thị trường xuất khẩu

Thứ 2, 18/08/2014 | 08:59:46
1,555 lượt xem
Trong những năm qua hoạt động xuất khẩu của Thái Bình có mức tăng trưởng khá, mang lại nguồn ngoại tệ lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Ðóng góp vào thành công đó, ngoài sự chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu của Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) còn có sự nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp. Ðến nay, nhiều mặt hàng như dệt may, nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng, gốm sứ... đã thâm nhập được những thị trường lớn các nước trên thế giới, mang lại hiệu quả kinh

Gian hàng trưng bày sản phẩm của các làng nghề tỉnh Thái Bình tại Hội chợ Thương mại hàng Việt - sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Ảnh: Minh Đức

 

Ông Trần Thế Ðịnh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết: Ðể hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu, những năm qua Trung tâm đã chuyển tải kịp thời tới các doanh nghiệp những thông tin về thị trường, tình hình kinh tế, thuận lợi, khó khăn khi kinh doanh và đầu tư vào các nước cũng như định hướng mặt hàng xuất khẩu, chính sách khuyến khích xuất nhập khẩu và đầu tư của các nước trên thế giới. Ðồng thời, Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu như tổ chức cho các doanh nghiệp đi nghiên cứu, khảo sát thị trường nước ngoài, tổ chức đoàn doanh nghiệp của nước ngoài về Thái Bình gặp gỡ các doanh nghiệp của tỉnh, cung cấp thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm... Ðiển hình như hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ tại Cộng hòa Liên bang Ðức năm 2003 đã giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ðức và các nước châu Âu với số lượng lớn, nhất là các sản phẩm mây tre đan. Hay việc tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia Hội chợ Trung Quốc - ASEAN năm 2009 cũng đã giúp ký kết được nhiều hợp đồng, trong đó Xí nghiệp Cơ khí Phương Ðông đã ký kết được hợp đồng hợp tác sản xuất, kinh doanh trị giá trên 60 tỷ đồng; Doanh nghiệp mũ giấy Tây An (Tiền Hải) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen cũng đã gặp gỡ được các đối tác mong muốn làm nhà phân phối, đại lý bán sản phẩm. Gần đây nhất, Trung tâm đã tổ chức cho các doanh nghiệp sang Philippineson> để tìm kiếm đối tác, thị trường xuất khẩu.

 

Công ty TNHH Ðiện cơ AIDI là doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ điện gia dụng như nồi cơm điện, ấm siêu tốc, chảo lẩu, chảo chống dính, bếp từ và quạt điện dân dụng. Ông Vũ Văn Trạc, Giám đốc Công ty cho biết: Sau nhiều năm vất vả tìm nguồn nguyên liệu sản xuất và đầu ra cho sản phẩm, đến nay hầu hết các sản phẩm của Công ty đều đã có mặt trên thị trường cả nước. Tuy nhiên, để tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, Công ty phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại đi nghiên cứu, khảo sát thị trường Philippines và đã đưa được rất nhiều sản phẩm sang nước bạn. Trước đó, Công ty đã tìm hiểu về thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng để lựa chọn, giới thiệu sản phẩm vào cho phù hợp.

 

Gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp Thái Bình tại Hội chợ quốc tế ở Campuchia.

 

Ông Tô Xuân Cảnh, Giám đốc Công ty Sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh chia sẻ: Công ty có 15 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm sứ cao cấp, đến nay sản phẩm đã được nhiều khách hàng ở trong và ngoài nước tin dùng. Ðể đưa được sản phẩm sang thị trường nước ngoài, ngoài việc đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Công ty đã nhiều lần đi tìm hiểu thị trường ở rất nhiều nước trên thế giới, đồng thời thông qua đại sứ quán ở các nước để tiếp cận thị trường. Do đó, từ nhiều năm nay khoảng trên 30% sản phẩm của Công ty đã được xuất sang các nước Ðức, Anh, Pháp, Nhật Bản, CuBa, Malaysia, Brunei, Lào, Campuchia và một số nước khác ở Châu Phi, Trung Ðông.

 

Ông Phạm Thanh Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Thái Bình khẳng định: Trước đây Công ty đã xuất khẩu thịt lợn sang Liên Xô (cũ) và hiện nay tiếp tục xuất sang thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Malaysiaon>. Tuy nhiên nhiều năm nay, mặt hàng thịt lợn xuất khẩu sang nước ngoài bị hạn chế bởi hàng rào kỹ thuật kiểm dịch thú y ngặt nghèo do đó khả năng xuất khẩu mới chỉ dừng lại ở mặt hàng lợn sữa là chính, còn lại vẫn tiếp tục bế tắc về mặt hàng thịt lợn đông lạnh. Thời gian tới, Công ty sẽ thực hiện đúng các kỹ thuật về nguồn thức ăn, chuồng trại chăn nuôi, điều kiện sinh sống để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; tiếp tục quan tâm nâng cao năng lực cạnh tranh để có kết quả xuất khẩu bền vững. 

 

Theo Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen Trần Văn Trà, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là thương hiệu. Ðể làm được điều này, Công ty không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư hệ thống máy móc thiết bị hiện đại để theo kịp những hãng có tên tuổi nhằm chiếm lĩnh được thị trường. Nhờ đó, đến nay các sản phẩm đồ uống của Công ty không chỉ được tiêu thụ rộng rãi ở  trong nước mà còn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ðài Loan và đã được đăng ký thương hiệu tại trên 30 nước, mang lại doanh thu mỗi năm hơn 1.000 tỷ đồng.

 

Nhờ những nỗ lực trên, năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, đạt 975 triệu USD, tăng 21% so với năm 2012, vượt kế hoạch 11%. 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 470,7 triệu USD, tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2013. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng khai thác thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… với những mặt hàng may mặc, dệt khăn, sợi, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thủy sản, phấn đấu hết năm 2014 kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD.

Thu Thủy

  • Từ khóa