Chủ nhật, 10/11/2024, 05:37[GMT+7]

Tập trung phát triển khai thác hải sản xa bờ

Thứ 5, 21/08/2014 | 07:40:39
1,822 lượt xem
Trong những năm qua các hộ ngư dân trong tỉnh đã tích cực đóng mới và cải hoán tàu cá nên sản lượng khai thác hải sản năm sau cao hơn năm trước: năm 2009 đạt 40.780 tấn, đến năm 2013 tăng lên đạt 54.169 tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,36%/năm.

Tàu thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân Diêm Điền (Thái Thụy ) trên đường về bến. Ảnh: Minh Đức

Ngư trường khai thác hải sản chính của Thái Bình là vùng biển vịnh Bắc Bộ, có nguồn lợi hải sản đa dạng, phong phú với tổng trữ lượng khoảng 750.000 tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi hải sản ven bờ đang suy giảm do cường lực khai thác quá mức đã và đang làm mất cân bằng sinh thái, mất dần khả năng tái tạo nguồn lợi vùng biển ven bờ và các cửa sông. Sự suy giảm nguồn lợi đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác hải sản, một số loài có giá trị kinh tế cao không còn trong sản phẩm khai thác hoặc khai thác được với số lượng nhỏ như cá chim, cá thu, cá nhụ…

Trước thực trạng trên, các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để lĩnh vực khai thác hải sản phát triển theo hướng vươn khơi (khai thác hải sản tầm trung và xa bờ), góp phần phát triển kinh tế biển bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những năm qua, ngành Ngân hàng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển được vay vốn để phát triển sản xuất. Tính đến ngày 31/5/2014, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh và các công ty cho thuê tài chính đang thực hiện đầu tư cho vay, cho thuê tài chính để phát triển kinh tế biển (cho vay đóng tàu, sửa chữa tàu thủy; kinh doanh vận tải biển; khai thác nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ thủy, hải sản…) ở hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy với dư nợ cho vay, cho thuê 6.038 tỷ đồng.

Giai đoạn 2009 - 2013, tổng số phương tiện khai thác thủy, hải sản của tỉnh đã giảm từ 1.443 chiếc xuống còn 1.202 chiếc, tuy nhiên tổng công suất lại tăng từ 53.555 CV lên 75.619 CV (4 tháng đầu năm 2014 tổng công suất tàu tăng trên 10.000 CV); công suất bình quân trên một tàu tăng từ 37,1 CV/chiếc lên 62,9 CV/chiếc; công suất bình quân theo nhóm tàu xa bờ có xu hướng tăng nhanh hơn. Cơ cấu tàu thuyền theo nhóm công suất có sự thay đổi, nhóm tàu có công suất > 90 CV tăng nhanh, đặc biệt là nhóm tàu có công suất > 300 CV; nhóm tàu có công suất

Tàu thuyền đánh bắt hải sản neo đậu tại cảng cá Tân Sơn (Thái Thụy). Ảnh: Phạm Hưng

Bên cạnh đó, công nghệ khai thác hải sản cũng đang có nhiều sự thay đổi theo xu hướng hiện đại để phù hợp với khai thác xa bờ. Ngư dân trong tỉnh đã du nhập, chuyển đổi một số công cụ khai thác hải sản có năng suất và hiệu quả cao như: lưới kéo tốc độ cao, lưới re 3 lớp, lưới rê hỗn hợp, lưới rê cá dưa, lưới rê cá đé, lồng bẫy ghẹ… Các tàu đóng mới được trang bị nhiều thiết bị cơ khí phục vụ khai thác hiện đại như: tời thu lưới Spin, tang thành cao, tang ma sát; các loại cẩu cần, cẩu chữ A để thu lưới. Thiết bị cơ khí phục vụ khai thác được trang bị trên các tàu cá ngày càng nhiều để thay thế con người trong những công việc nguy hiểm, giúp nâng cao hiệu quả khai thác.

Cùng với các giải pháp, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu, tỉnh còn chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng cá, bến cá, nơi neo đậu tránh trú bão, về cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các loại dịch vụ như: cung ứng xăng, dầu, nước đá, ngư lưới cụ về cơ bản đáp ứng được nhu cầu hiện tại của bà con ngư dân. Do đó, lĩnh vực khai thác thủy, hải sản những năm gần đây có những bước phát triển khá cả về sản lượng và giá trị, trở thành nhân tố thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 8 - 10%/năm. Ðồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ an ninh - quốc phòng vùng biển của tỉnh.

Văn Quyết

  • Từ khóa